Lễ Tù Su, lời nhắc nhở về tinh thần đoàn kết

Thứ Hai, 15/09/2014, 15:08 [GMT+7]

Điện Biên TV - Nằm trên cao nguyên đá vôi có độ cao trung bình 1.500m, những cái tên: Sín Chải, Tả Sìn Thàng, Tả Phìn… của huyện Tủa Chùa, không chỉ hấp dẫn những vị khách phương xa bởi khung cảnh đẹp lạ lùng của núi non hùng vĩ. Cái lôi cuốn hơn cả chính là bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc cư trú trên miền đất này. Mời quý vị và các bạn đến với xã Tả Phìn huyện Tủa Chùa, tham dự một nghi lễ độc đáo của các dòng họ người Mông ở đây.

Ơi bầu trời ngọn núi cao ơi,
Miền núi cao như bức tranh đẹp hiện trong mặt gương


Đó là hai câu thơ của nhà thơ người Mông Mùa A Sấu ca ngợi vẻ đẹp của quê hương ông. Huyện Tủa Chùa không chỉ là vùng đất có vẻ đẹp kỳ vĩ, mà còn là nơi các tộc người Mông đã đến định cư từ lâu đời và khẳng định sự tồn tại mạnh mẽ của họ trên vùng đất này. Cư trú tại đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông thuộc ngành Mông đen. Họ thường sống tập trung thành từng bản nhỏ theo dòng tộc, sinh sống trên các sườn núi cao, đời sống chủ yếu dựa vào làm nương rẫy và chăn nuôi, tự cung, tự cấp. Điều kiện sống tương đối biệt lập trong một thời gian khá dài, khiến mỗi thập niên qua đi, các xã, bản người Mông ở đây không có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, cũng chính điều này đã giúp họ gìn giữ được những phong tục, tập quán mang bản sắc riêng.

Hiện nay, hầu hết các dòng họ người Mông ở Tủa Chùa đều gìn giữ được một nghi lễ khá độc đáo: Lễ Tù Su. Lễ này thường được tổ chức vào các ngày mùng 7, 17, 27 tháng 7, hoặc mùng 9, 19, 29 tháng 9 âm lịch hàng năm. Chúng tôi đã tìm đến xã Tả Phìn, huyện Tủa Chùa, nơi được coi là cánh đồng đá Đồng Văn thu nhỏ, để ghi lại nghi lễ này.   

Lễ Tù Su là nghi lễ được các dòng họ người Mông lưu truyền từ đời này sang đời khác. Nghi lễ này được biết đến như hình thức là lễ cầu may, giải hạn, mong cho con người được khỏe mạnh, thời tiết được mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Đây cũng là dịp để anh em trong dòng họ cùng tập hợp, ôn lại truyền thống gia đình, dòng họ, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong dòng tộc, trong cộng đồng. Vì vậy Tù Su còn được người Mông coi là lễ dòng họ - một nghi lễ trọng đại trong năm.

v
Nghi lễ cúng tổ tiên trong lễ Tù Su của dòng họ Mùa được tổ chức lúc nửa đêm với đầy vẻ kỳ bí.


Trong những ngày đã được chọn của tháng 7 và tháng 9 âm lịch, một ngày có thể có nhiều dòng họ ở một địa phương cùng tổ chức lễ Tù Su. Những ngày này không khí vùng quê núi khác hẳn ngày thường. Trước ngày hành lễ, những người khác dòng họ cũng có thể đến thăm và chúc nhau những điều tốt đẹp.

Gác việc nương rẫy, bỏ ra một ngày để anh em trong thôn, ngoài xã được gặp gỡ, giao lưu, sau đó sẽ là một cái lễ xua đi vận xấu. Gia đình họ Chang hôm nay thật vui vẻ, bởi họ không chỉ được đón tiếp anh em trong dòng họ, khách của gia đình còn có cả những người bạn thân thiết quanh vùng.
   
Trong khi anh em dòng họ Chang hàn huyên, trò truyện và học lễ ca, thì ở cách đấy không xa, những người con của gia đình họ Mùa từ khắp nơi cũng đã tìm về. Chúng tôi cùng đôi vợ chồng trẻ bên gia đình họ Mùa tìm tới nhà chủ lễ khi trời đã tối. Đường núi không dễ đi, nhưng có gì đáng kể, so với việc họ được cùng với những người ruột thịt hàn huyên. Họ Mùa là dòng họ lớn ở Tủa Chùa. Anh em, con cháu họ có tới hàng trăm gia đình sinh sống ở khắp các xã: Sín Chải, Tả Phìn, Sính Phình, Xá Nhè… hôm nay tất cả cùng tìm về. Những bó sậy họ mang về cài rợp mái hiên.
 
Nhà họ Mùa bắt đầu tổ chức nghi lễ vào lúc nửa đêm. Đầu tiên là lễ cúng tổ tiên với những nghi thức lạ lùng, kì bí. Ở mỗi thời đại khác nhau, cảm nhận của con người về nghi lễ cũng rất khác nhau. Có lẽ nghi lễ cúng dòng họ này đã được hình thành từ rất xa xưa, khi những ngọn núi quanh đây còn là  rừng thâm u bao phủ, và con người nhỏ bé còn run sợ trước sự hùng vĩ, oai linh của đại ngàn. Thầy mo – người có đặc quyền trong việc giao tiếp với thần linh, được cả dòng họ trông chờ, đã dùng những nghi thức này giúp họ cầu xin các thần linh che chở và xua đuổi tà ma, vận xấu làm hại con người.  

Đã nhiều thế kỷ trôi qua, con người ngày càng khẳng định được sự tồn tại mạnh mẽ của mình. Lúc này nghi lễ đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa đặc biệt, một hình thức thể hiện bản sắc văn hóa tộc người. Thông qua những nghi thức này, người ta có thể thấy được những thông điệp về khát vọng, về ước muốn vừa thiết tha, vừa mãnh liệt của một dân tộc có ý chí kiên cường chống chọi và thích nghi trước thiên nhiên khắc nghiệt. Những nghi lễ này cũng giải thích vì sao họ phải đoàn kết, phải dựa vào sức mạnh của cộng đồng để tồn tại và phát triển.     

v
Những bó sậy, những búi giẻ do anh em trong dòng họ mang đến và do nhà chủ lễ chuẩn bị được gom lại và đem đốt như một cách để xua đi những điều đen đủi.


Bình minh là thời điểm khởi đầu một ngày mới. Đây cũng là lúc những nghi lễ chính thức trong lễ Tù Su được bắt đầu. Anh Chang A Di, thôn Là Xa, xã Tả Phìn, huyện Tủa Chùa, cho biết: "Chuẩn bị cho lễ Tù Su, ngay từ ngày hôm trước, mỗi một gia đình đã chuẩn bị 3 cây cỏ (cây sậy non - PV), một sợi chỉ và trong nhà có bao nhiêu khẩu thì có bấy nhiêu miếng giẻ. Còn với gia đình được chọn làm chủ lễ sẽ chuẩn bị một bó cây, một con gà, một bát gạo, một quả trứng và lu cở ngô để trao cho người chủ tế"

Cúng tổ tiên, giải trừ những điều không may, sau đó đồ lễ sẽ được mang ra bãi rộng phía sau nhà để cúng trời đất. Trong lễ Tù Su, nghi lễ cúng tổ tiên của mỗi dòng họ có thể khác nhau, nhưng lễ cúng ngoài trời thì đều có trình tự giống nhau. Những bó sậy nhỏ cài ngoài mái hiên tối hôm trước do anh em họ hàng mang tới, là biểu tượng cho những điều không may mắn, được bó thành một bó. Búi giẻ được vấn vào nhau và đốt cháy. Ông mo dẫn đầu đoàn người cùng chung dòng máu, đưa những gì không tốt đẹp ra khỏi nhà. Họ đứng sát bên nhau, sợi chỉ tâm linh nối tình ruột thịt ngày càng khăng khít. Trước trời đất và các vị linh thần, thầy mo cất lên bài ca xua đuổi những điều xấu bay xa, để dòng họ đời đời sinh sôi, phát triển:

"Ta sống trên đỉnh núi này
Ngày ngày thấy mặt trời mọc trên đỉnh núi
Mùa mùa trồng cây bí đắng trên nương
Bí đắng ra quả, ta lấy làm bầu rượu
Mượn chén rượu ta hát lời ca
Đã chín năm dòng họ ta không làm cái lý
Cây lau, cây sậy mọc kín nương đồi
Anh em ta không có nơi trồng ngô
Trên trời mọc chín mặt trời và chín mặt trăng
Chín mảnh nương đều khô héo
 Anh em ta không có nơi trồng lúa

Này những vị thần trên trời
Thần có búa, có rìu, hôm nay ta cũng có dao, có nỏ
Ta hét một tiếng thần phải run rẩy
Ta thét một  tiếng thần phải bay xa…


Khát vọng chinh phục thiên nhiên và khẳng định sự tồn tại, phát triển của dòng họ, của cộng đồng, vẫn luôn là ước vọng của không biết bao nhiêu thế hệ người Mông, sống trên những đỉnh núi cao với thiên nhiên khắc nghiệt. Sự đoàn kết, gắn bó ruột thịt trong cộng đồng đã giúp họ thực hiện được ước vọng đó, và còn giúp họ vượt qua khó khăn, vươn tới cuộc sống tốt đẹp hơn, bởi vậy cố kết dòng họ, cố kết cộng đồng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Lễ Tù Su của đồng bào Mông được truyền tới ngày nay, như một lời nhắc nhở các thế hệ nối tiếp hãy gìn giữ truyền thống tốt đẹp này.
    
 

Minh Giang – Trọng Lâm

.