Nỗi niềm nhân viên bưu điện văn hóa xã

Thứ Ba, 19/08/2014, 09:22 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trước đây, người dân đến điểm bưu điện văn hoá xã (BĐVHX) chủ yếu để gọi điện thoại cố định, nhưng nay người người có điện thoại di động thì hầu hết các điểm BĐVHX đều “Vắng như chùa bà Đanh”. Không những thế, nhiều xã thiếu nhà làm việc, thiếu sách báo, thiếu  máy móc thiết bị, cung cách phục vụ chậm đổi mới... là tình trạng chung khiến các ĐBĐVHX chẳng thể “hút” người đến tìm đọc tài liệu như tên gọi với sự kỳ vọng của nó...

Nhân viên mới – cũ, chung tâm trạng

Được coi là người có thâm niên làm nhân viên điểm BĐVHX của huyện, ấy vậy mà khi được hỏi về thực trạng hoạt động của điểm BĐVHX hiện nay, chị Phạm Thị Phượng, nhân viên điểm BĐVHX Na Sang, huyện Mường Chà, trả lời rất thật mà cũng rất buồn rằng: Vì không có việc nên chị phải cố làm để kiếm đồng rau dưa… Nhà đối diện cổng bưu điện nên làm gọi là tranh thủ, vì chẳng mất thời gian đi về. Còn vì sao chị gắn bó với nghề lâu như thế? âu cũng chỉ vì làm mãi thành quen và cũng được các anh bưu điện huyện động viên nhiều nên cố gắng làm để duy trì hoạt động của điểm BĐVHX.

Còn với người mới làm như chị Lò Thị Thơm, nhân viên điểm BĐVHX Mường Mươn thì mọi việc mới ở đoạn đầu “làm thử” theo đúng nghĩa. Chị Thơm cho biết: Được mọi người động viên, Bưu điện huyện lại thuê nhà của chị làm địa điểm giao dịch và ghép thêm làm bưu tá nên chị mới nhận lời làm thử từ 1/7 vừa qua. Trước chị có nhiều người đã làm rồi bỏ vì thu nhập thấp lại mất nhiều thời gian nên người nào người ấy bỏ nghề mà chẳng chút đắn đo. Ngay với bản thân chị Thơm giờ cũng phải tính toán, nghĩ ngợi lắm. Bởi với chị, khi nhận làm nhân viên điểm BĐVHX  đã phải bỏ việc có thu nhập cao hơn là nấu cơm cho trường học, nên chẳng mấy mặn mà. Hiện điểm bưu điện được đặt tại nhà chị Thơm, hàng ngày chị làm công việc tiếp nhận báo, công văn, bưu phẩm, bưu kiện. Còn điểm BĐVHX được đặt tại bếp ăn của UBND xã Mường Mươn, được trang bị 1 cái bàn, 3 cái ghế, 1 tủ sắt và 260 quyển sách, tạp chí. Nơi để mọi người lên đọc sách, báo, tạp chí… thì chẳng mấy khi chị Thơm mở cửa, bởi chẳng ai lên bếp ăn của UBND xã để tìm hiểu thông tin hay mượn sách báo. Mới làm nhân viên điểm BĐVHX hơn một tháng song chị Thơm đã chán nản, bởi công việc kiêm nhiệm bưu tá phải đi lại nhiều để đưa bưu kiện, bưu phẩm vào các bản xa, chi phí xăng xe tốn kém mà tiền công không đáng là bao. Do đó, hàng ngày chị Thơm vẫn phải làm thêm ruộng vườn, chăn nuôi lợn, gà để duy trì cuộc sống, lo cho 2 con ăn học.

x
Điểm BĐVHX đặt tại nhà anh Chớ A Chu chỉ lèo tèo vài chồng báo, tạp chí…

Ở điểm BĐVHX Sa Lông, huyện Mường Chà (đặt tại nhà nhân viên Chớ A Chu, bản Sa Lông 1) chúng tôi được biết thêm câu chuyện rất thật về nỗi niềm nhân viên điểm BĐVHX. Cũng như tâm trạng của chị Thơm, anh Chu tâm sự: Trước anh đã có 3 người làm, nhưng chỉ được vài tháng họ lại bỏ việc vì lương không đủ sống. Năm 2007, Bưu điện huyện thuê nhà anh đặt điểm BĐVHX nên anh nhận làm nhân viên. Vào buổi sáng mỗi ngày, anh Chu làm việc nhận, chuyển báo, thư, bưu phẩm cho xã và bưu tá nên anh có thể tranh thủ làm thêm các việc để duy trì cuộc sống gia đình như: Chăn nuôi trâu, bò, dê và cấy lúa. Với anh Chu, làm nhân viên bưu điện cũng chỉ là việc phụ để thêm thắt vào sinh hoạt gia đình. “Còn khi nào điểm bưu điện văn hóa được xây mới, hay chuyển đi chỗ khác thì mình sẽ nghỉ”– anh Chu nói.
Trước lúc chia tay, tôi cố nhìn thật kỹ nơi gọi là điểm BĐVHX ở nhà  anh Chu xem có gì khác các điểm vừa kể trên, nhưng chẳng thấy gì. Cũng chỉ có cái bàn với vài chồng báo, tạp chí và một ít sách rách nát, bừa bộn được vứt trong tủ của gia đình anh Chu. Trên bàn, một cái máy điện thoại khá cũ và bụi bặm như thể đã lâu lắm không có người dùng...

Khó thì ai cũng biết...!

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Xuân Thu, Giám đốc Bưu điện huyện Mường Chà, chia sẻ: Lương chính thấp lại không có thu nhập thêm từ khoản hoa hồng doanh thu cước phí điện thoại nên nhiều người đã nghỉ việc. Nhất là từ khoảng năm 2007 đến nay, khi sóng điện thoại di động dần được phủ đến các xã vùng sâu, vùng xa… thì cũng từ đấy nhân viên BĐVHX bỏ việc nhiều hơn. Hiện mức lương của nhân viên BĐVHX đã tăng lên 850.000 đồng, nhiều xã cho nhân viên làm thêm nhiệm vụ bưu tá để tăng thu nhập nhưng cộng các khoản không quá 1.050.000 đồng/tháng. Để duy trì hoạt động của các điểm BĐVHX, Bưu điện huyện phải tuyển nhân viên là người địa phương có nhà gần điểm bưu điện hoặc tuyển chính những người cho thuê nhà làm điểm BĐVHX làm nhân viên điểm BĐVHX để thuận tiện cho cả đôi bên. Ấy vậy mà tình hình chẳng được cải thiện là bao.

Tìm hiểu thêm chúng tôi mới biết, nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên là do điểm BĐVHX không được đổi mới phù hợp với thực tế, trang thiết bị sơ sài, không thiết thực với nhu cầu người dân… Nhân viên điểm BĐVHX chỉ thực hiện nhiệm vụ đơn thuần, không hết lòng với nhiệm vụ được trao. Khắc phục những tồn tại ấy, để điểm BĐVHX thực sự là điểm đến trang bị kiến thức khoa học, kỹ thuật phục vụ nhân dân, học sinh thì thiết nghĩ cần một sự thay đổi mạnh mẽ tư duy của người trong ngành; thêm vào đó là sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành./.

 

 Kiên Cường
 

.