Khai hội Đền thờ Hoàng Công Chất - Thành Bản Phủ

Thứ Hai, 24/03/2014, 16:19 [GMT+7]

Điện Biên TV - Sáng nay 24/3, tại di tích Thành Bản Phủ, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, huyện Điện Biên tổ chức khai mạc lễ hội Đền thờ Hoàng Công Chất - Thành Bản Phủ nhân kỷ niệm 225 năm ngày mất của vị tướng áo vải Hoàng Công Chất.

b

Lễ hội Đền thờ Hoàng Công Chất - Thành Bản Phủ được tổ chức hàng năm vào ngày mất của thủ lĩnh Hoàng Công Chất (25/2 âm lịch) để tưởng nhớ công ơn người anh hùng áo vải quê lúa Thái Bình, cùng hai tướng Lò Ngải, Lò Khanh (dân tộc Thái là người địa phương) đã lãnh đạo nghĩa quân đánh duổi giặc Phẻ do tên tướng Phạ Chẩu Tin Toòng (ông tướng nhà trời) cầm đầu bảo vệ bản mường, núi rừng Tây Bắc, trấn giữ một vùng biên cương thái bình vào thế kỷ 18.

Lễ hội gồm hai phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ được các vị nữ tế trong đội tế nữ quan dâng hương, dâng rượu, dâng hoa... trang nghiêm, trọng thể. Phần hội được tổ chức với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao mang đậm bản sắc dân tộc.

Theo các tài liệu lịch sử, Thành Bản Phủ được xây dựng từ năm 1758 - 1762. Thành rộng hơn 80 mẫu, dựa lưng vào sông Nậm Rốm; chân thành rộng 15m, mặt thành rộng 5m, cao 15m; tường thành đắp bằng đất; trồng 3 vạn gốc tre gai đem từ miền Tây Thanh Hóa lên; hào sâu rộng 4 - 5 thước. Có thuyết nói rằng trên mặt thành ngựa, voi có thể đi lại được. Thành có các các cửa: tiền, hậu, tả, hữu. Mỗi cửa có đồn cao và vọng gác... Cũng trong khoảng thời gian này, nghĩa quân Hoàng Công Chất vừa xây dựng Thành Bản Phủ vừa hoạt động ra khắp 10 châu của phủ An Tây, phía bắc đến tận vùng Vân Nam (Trung Quốc), phía nam đến tận Ninh Bình, Hoà Bình, Thanh Hoá ngày nay. Năm 1769, quân Trịnh tấn công Mường Thanh, xóa bỏ vùng cát cứ của Hoàng Công Toản (con Hoàng Công Chất), đánh úp và phá hủy Thành Bản Phủ.

b
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng hương tại Lễ hội Đền thờ Hoàng Công Chất - Thành Bản Phủ.

So sánh bối cảnh xây dựng Thành Bản Phủ có một số điểm khá giống với trận đánh Điện Biên Phủ lịch sử, đó là: Trận đánh quyết định của quân Hoàng Công Chất với giặc Phẻ diễn ra vào năm 1754, 200 năm sau diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Cả hai trận đánh đều hoàn thành việc giải phóng miền Tây Bắc khỏi xâm lược. Giặc Phẻ thảm sát dân Việt ở Tông Khao (Đồng xương trắng), còn quân Pháp có vụ thảm sát ở Noong Nhai. Hoàng Công Chất quê ở Thái Bình, 200 năm sau, Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật thuộc Đại đoàn 312, người giương cao ngọn cờ chiến thắng trên nóc hầm Đờ Cát Tơ Ri trong trận địa Điện Biên Phủ cũng là người quê Thái Bình.

Đội tế nữ quan tiến hành các nghi thức dâng hương, dâng hoa...
Đội tế nữ quan tiến hành các nghi thức dâng hương, dâng hoa...

 

Năm 1981 và năm 1994, di tích thành Bản Phủ, đền Hoàng Công Chất lần lượt được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng và công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.

b
Gốc đa cổ thụ phía trong Thành Bản Phủ.

 

Di tích Thành Bản Phủ - Đền thờ Hoàng Công Chất hiện được giữ gìn, bảo vệ và tôn tạo, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử, văn hóa của du khách trong và ngoài tỉnh; đã và đang trở thành một địa điểm sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, tâm linh quan trọng của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên, đồng thời là một địa chỉ du lịch hấp dẫn của du khách. Theo cơ quan chức năng đánh giá, Lễ hội Đền thờ Hoàng Công Chất - Thành Bản Phủ được tổ chức với quy mô lớn nhất trong các lễ hội của tỉnh Điện Biên.

Lễ hội Đền thờ Hoàng Công Chất - Thành Bản Phủ ngoài ý nghĩa là một hoạt động tín ngưỡng, còn là sự kiện văn hóa nhằm duy trì và phát huy những tinh hoa văn hóa của các dân tộc trên địa bàn. Việc tổ chức lễ hội cũng là dịp giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc; khơi dậy tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc.

 

Dương Huyền

.