Xốn xang điệu xòe

Thứ Năm, 26/12/2013, 18:14 [GMT+7]

Điện Biên TV - Được thả hồn, được đắm mình trong vũ  điệu xòe, cùng ngất ngây trong men rượu nồng bên ánh lửa bập bùng; lòng ta như say bởi vũ điệu xòe vòng nồng nàn, uyển chuyển, thật khó diễn tả hết bằng lời...

”Điệu xòe, điệu xòe có tự bao giờ
Mà vẫn mê say như thuở nào
Điệu xòe, điệu xòe nhớ thuở ban đầu
Chân đi nhịp nhàng mà sao bối rối
Tay trong tay đêm nay
Chân bước đi rộn ràng
Em bâng khuâng trong điệu xoè
Để lại hơi ấm bàn tay “…..

(Bài hát: Điệu xòe thương nhau - Nhạc sỹ Vương Khon)

Bài hát đó, điệu xòe đó vẫn còn vấn vương trong tôi khi đến thăm thị xã Mường Lay và được nắm tay những người lạ mà như đỗi rất thân quen cùng múa xòe tại đêm Hội Xòe. Gặp gỡ, trao đổi với chị Hương Giang, Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao cho biết: Trên địa bàn thị xã Mường Lay có 9 dân tộc anh em, do đó đã góp phần làm nên sự đa dạng, phong phú về bức tranh văn hóa. Tại đó, nền văn hóa của dân tộc Thái trắng như một “dòng chủ lưu”, do dân tộc Thái chiếm tới 73,5% dân số.

Tự hào là cái nôi của nhiều di sản văn hóa nghệ thuật dân tộc đặc trưng, sự tồn tại và phát triển của Nghệ thuật Xòe Thái đến nay là nhờ những chính sách quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với văn hóa các dân tộc, một phần phải kể đến ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, coi đó là tài sản vô giá cần được gìn giữ và bảo vệ. Xòe Thái được coi là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào các dân tộc, được coi là sân chơi cho người dân giải trí sau những ngày lao động vất vả, đồng thời được coi là phương tiện giao tiếp để kết nối mọi người xích lại gần nhau. Đây cũng là nét đẹp văn hóa được nhân dân các dân tộc gửi gắm tâm tư tình cảm và lấy làm hãnh diện, tự hào về văn hóa truyền thống mà cha ông đã gây dựng và trao truyền. Không những thế, Xòe Thái còn là nơi khởi nguồn cho tình yêu đôi lứa, những đôi trai gái có thể tìm hiểu và gửi gắm tâm tình, trải lòng qua ánh mắt nụ cười, cùng nắm tay nhau để xòe, sau đó là kết tình hạnh phúc. Nghệ thuật Xòe Thái còn mang đậm tính dân tộc sâu sắc bởi đã khẳng định được bản sắc riêng có không lẫn với dân tộc nào, đồng thời có tính lan tỏa rất lớn bởi đã trở thành sản phẩm nghệ thuật chung của toàn xã hội.

v
Múa xòe nón.

 

Thị xã Mường lay có 100% tổ dân phố, làng bản thành lập được đội văn nghệ quần chúng, là “điều kiện cần” để đẩy mạnh công tác sưu tầm và phục dựng các lễ hội dân tộc: Kin pang then, Xên bản, Xên mường, Xên hươn, đua thuyền đuôi én...; các môn thể thao truyền thống như: bắn nỏ, đẩy gậy và đặc biệt là di sản múa xòe.

Gặp ông Lò Văn Thu, sinh năm 1940, bản Na Nát, phường Na Lay, dân tộc Thái trắng, một người am hiểu tường tận nhiều vốn văn hóa dân gian của dân tộc Thái, ông Thu cho biết: “Dân tộc Thái có bề dày văn hóa được ghi chép qua các bộ sử thi, tục ngữ, ca dao, dân ca... Đặc biệt, người Thái nổi tiếng về xòe, đến nay xòe vòng là điệu múa mang ý nghĩa truyền thống và phổ biến nhất của người Thái; trở thành nếp sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của đồng bào Thái Tây Bắc nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng”.

Trong xòe vòng chúng ta cần chú ý tới đội hình, động tác và âm nhạc. Về đội hình xòe vòng, mọi người xếp hàng đứng múa thành vòng tròn nắm tay nhau, vòng xòe ban đầu hẹp và dần được mở rộng. Khi nhiều người tham gia sẽ đứng thành hai vòng hoặc ba vòng, nam nữ đứng xen kẽ nhau để xòe, các vòng tròn chuyển động ngược chiều nhau. Về động tác của điệu xòe vòng gồm 2 bước chính và 2 bước phụ. Bước thứ nhất tiến, chân sau bước lên ngang với bàn chân trước dậm nhẹ rồi lùi chân sau, chân trước rút về ngang với bàn chân sau dậm tiếp theo nhịp. Các động tác cứ như vậy được lặp đi lặp lại nhiều lần và vòng xòe dần dần được mở rộng bởi mỗi lúc người đến tham gia vòng xòe càng đông. Thưởng thức nghệ thuật Xòe Thái sẽ thấy những đặc điểm khác biệt: chân không bước rộng mà được bước lên bước xuống nhẹ nhàng, có khi như lướt và kết hợp với bước chân như vậy là động tác vung tay đưa lên đưa xuống không hết đà (chỉ ở ngang người)... Chúng ta có thể bắt gặp những điệu xòe xuất hiện ở nhiều nơi dù ở ngoài trời, trong nhà hay trên sân khấu, ở không gian nào cũng dễ dàng thiết lập vòng xòe để mọi người có thể nhún nhảy, uốn mình thả hồn theo tiết tấu, nhịp điệu của những nhạc cụ dân tộc.

b
Xòe vòng.


Ngoài ra, trang phục của người Thái cũng góp phần làm đẹp thêm cho nghệ thuật xòe: các cô gái Thái càng đẹp hơn nhờ mặc áo cánh ngắn đủ màu sắc đính hàng khuy bạc hình con bướm, con nhện, con ve sầu.. chạy trên đường nẹp xẻ ngực, bó sát thân kết hợp với váy vải màu thâm, hình ống; thắt eo bằng dải lụa màu xanh lá cây; đeo dây xà tích bạc ở bên hông thật đẹp. Ngày lễ có thể mặc thêm áo dài đen, xẻ nách hoặc kiểu chui đầu, hở ngực có hàng khuy bướm của áo cánh, chiết eo, vai phồng đính vải trang trí ở sườn nách và đôi vai ở phía trước như của người Thái trắng. Nữ Thái đen đội khăn piêu nổi tiếng với các hình hoa văn thêu nhiều màu sắc rực rỡ. Trang phục nam người Thái, quần được cắt theo kiểu chân què có cạp để thắt lưng trước kia được thắt bằng dây rừng, ngày nay loại quần này ít được phổ biến; áo cánh xẻ ngực có túi ở hai bên vạt, áo người Thái trắng có thêm một túi ở ngực trái; cài khuy tết bằng dây vải. Màu quần áo phổ biến là màu chàm. Ngày lễ mặc áo đen dài, xẻ nách, bên trong mặc một lần áo trắng.

Niềm vui được nhân lên nhiều lần đối với Đồng bào dân tộc Thái tỉnh Điện Biên nói chung và dân tộc Thái thị xã Mường lay nói riêng, khi được biết ngày 31/10/2013, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Ban hành quyết định công nhận Nghệ thuật Xòe Thái tỉnh Điện Biên là di sản văn hóa Phi vật thể Quốc gia. Đây được xem là văn bản tiền đề quan trọng, tạo điều kiện cho các giá trị văn hóa truyền thống dần dần được khôi phục và bảo tồn.

   
 

     Thu Thủy
Trung tâm văn hóa tỉnh Điện Biên

.