Người Phù Lá ở Tủa Chùa không biết nói tiếng mẹ đẻ!

Thứ Năm, 21/11/2013, 17:40 [GMT+7]

Điện Biên TV - Dân tộc Phù Lá ở huyện Tủa Chùa do dân số quá ít lại phải sống xen kẽ, nên văn hóa truyền thống của dân tộc này đang dần bị mai một. Nhiều phong tục tập quán như: cưới xin, ma chay, lễ tết đều làm theo người Thái và người Mông. Điều đáng quan tâm hơn là họ không còn nói được tiếng mẹ đẻ.

Tủa Chùa được coi là vùng đất phản ánh đầy đủ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, như: Mông, Thái, Xạ Phang, Kinh, Khơ Mú, Phù Lá, Dao. Trong đó có dân tộc Phù Lá hay còn gọi là Xa Phó là dân tộc ít người nhất. Đời sống kinh tế của dân tộc Phù Lá dựa vào việc làm nương và ruộng bậc thang. Chăn nuôi cũng giống như nhiều dân tộc khác gồm có trâu để kéo cày, ngựa để thồ, gà, lợn để lấy thịt. Nghề thủ công nổi tiếng của người Phù Lá là đan mây, tre làm gùi và các dụng cụ sinh hoạt trong gia đình... với nhiều họa tiết hoa văn đẹp. Theo số liệu thống kê, hiện nay dân tộc này còn trên 20 hộ gia đình, với trên 100 nhân khẩu sinh sống tại bản Kép, và một số hộ định cư tại bản Túc thuộc xã Mường Đun. Các ngành chức năng cho biết: người Phù Lá di cư từ xã Phình Sáng (huyện Tuần Giáo) về định cư ở dưới một thung lũng nhỏ từ khoảng những năm 40 của thế kỷ trước, cách trung tâm xã Mường Đun khoảng 10km. Thoạt nhìn đầu tiên mà chúng tôi cảm nhận được đó là sự bình yên của cuộc sống ấm no, với những ngôi nhà sàn đầy sắc màu, song bên trong vẻ bình yên đó lại là cả một câu chuyện về dòng di sản văn hóa đang dần bị mai một, nếu có ai đó lần đầu tiên đến đây thì không thể biết được đây lại là bản của người dân tộc Phù Lá.

Ông Lò Văn Hợp năm nay đã hơn 60 tuổi, là người con sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất này, tuy nhiên bản thân ông cũng không không nói được tiếng mẹ đẻ. Có lẽ là đã từ khá lâu rồi người Phù Lá đã không còn lưu truyền được ngôn ngữ của dân tộc mình cho thế hệ sau.

v
Bản làng của người Phù Lá không có nét đặc trưng riêng mà giống với bản của đồng bào dân tộc Thái.


Ông Nguyễn Hữu Điển, Trưởng phòng Văn hóa huyện Tủa Chùa, người đã có nhiều năm gắn bó với ngành văn hóa, đã dành không ít thời gian để nghiên cứu về văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện Tủa Chùa, trong đó có dân tộc Phù Lá. Ông Điển cho biết: Qua nghiên cứu trang phục của nam giới dân tộc Phù Lá theo truyền thống là mặc áo loại xẻ ngực, áo được may từ 6 miếng vải, cổ thấp, ống tay hẹp, cổ tay thêu hoa văn như áo phụ nữ. Phụ nữ Phù Lá chưa chồng thường để tóc dài quấn quanh đầu. Đầu quấn khăn vuông đen hoặc chàm, bốn góc và giữa khăn có đính hạt cườm. Người Phù Lá không có tục mặc hai áo như một số dân tộc khác. Họ thường mặc áo ngắn 5 thân, dài tay, cổ vuông, thấp, chui đầu. Trên nền chàm của áo, thân được chia thành các khu vực trang trí. Cổ áo vuông và mô típ hoa văn trang trí cũng như lối bố cục dùng màu làm cho áo phụ nữ Phù Lá không bị lẫn với các tộc người khác.

Gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị bản sắc văn hoá dân tộc là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Từ năm 1994, Chính phủ bắt đầu triển khai chương trình mục tiêu chống xuống cấp và tôn tạo di tích, bản sắc văn hoá truyền thống các dân tộc. Đặc biệt là thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Huyện Tủa Chùa đã coi trọng và bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống; xây dựng, phát triển những giá trị mới về văn hoá, văn học, nghệ thuật; bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc. Đi đôi với việc sử dụng ngôn ngữ, chữ viết phổ thông, khuyến khích thế hệ trẻ thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số học tập, hiểu biết và sử dụng thành thạo tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Phát hiện, bồi dưỡng, tổ chức lực lượng sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu văn hoá, văn học nghệ thuật là người dân tộc thiểu số. Xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, mở rộng mạng lưới thông tin, nâng cao dân trí, xoá bỏ hủ tục lạc hậu ở vùng dân tộc thiểu số.

v
Trang phục truyền thống của phụ nữ Phù Lá, song trong cuộc sống thường ngày ít được sử dụng mà họ thường mặc trang phục của phụ nữ dân tộc Thái.


Tuy nhiên đối với dòng di sản văn hóa của dân tộc Phù Lá hiện nay đã bị mai một, ngay cả những lễ hội truyền thống, nghi lễ ma chay, cưới hỏi đã không còn giữ được, kể cả trang phục giờ đây cũng đã bị ảnh hưởng của dân tộc Mông, dân tộc Thái là 2 dân tộc sống gần dân tộc Phù Lá. Trước đây dân tộc Phù Lá mang họ: Sê Pạ, Dề Lọ Xệ, Ả Cáp Pả, Ả Háp Pả, bây giờ đang dùng họ của dân tộc Thái như họ Quàng, họ Lò.

Nguyên nhân của thực trạng này do nhiều yếu tố khác nhau: Dân tộc Phù Lá ít lại kết hôn với dân tộc khác nên đã theo phong tục, tập quán, ăn mặc, sinh hoạt, nhiều nơi đã gần như mất hẳn nét sinh hoạt độc đáo, trang phục, lễ hội của dân tộc mình. Lớp trẻ không muốn học, theo những phong tục, tập quán mẹ đẻ. Người già biết về văn hóa dân tộc nay còn rất ít. Bên cạnh đó, bà con chưa có ý thức bảo lưu, truyền bá văn hóa của dân tộc mình cho lớp kế tiếp, chưa nhận thức rõ tầm quan trọng nét đẹp văn hóa trong cộng đồng dân tộc.

Cộng đồng người dân tộc Phù Lá ở xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa đã không còn giữ được những nét văn hoá truyền thống của dân tộc mình, và đều bị chi phối bởi những nền văn hoá khác. Điều đó không chỉ ảnh hưởng sâu đậm tới bản sắc văn hoá nói chung, mà còn khó khăn cho các ngành chức năng khôi phục lại những giá trị văn hoá đó.

Ông Nguyễn Hữu Điểm, Trưởng phòng Văn hóa huyện Tủa Chùa, cho biết: Do người Phù Lá ở phân tán, quy mô và cấu trúc thôn bản, cấu trúc cộng đồng dễ bị phá vỡ, ý thức hệ gia đình không chặt chẽ. Là những người làm văn hóa, chúng tôi thiết nghĩ cần phải có một chương trình bảo tồn mang tầm cỡ cấp tỉnh trở lên để nghiên cứu, bảo tồn những di sản văn hóa đã và đang mai một của người Phù Lá; khôi phục lại những lớp dạy chữ, dạy tiếng, dạy hát và dạy nghề thủ công của nhóm người này.

Thiết nghĩ, việc bảo tồn trên trên nếu không được tiến hành khẩn trương thì sẽ rất khó thực hiện được; bởi khi đó sợi người sẽ chẳng còn biết truyền thống văn hoá của người Phù Lá ở đây như thế nào để bảo tồn.                                                                                    

 

Lê Hùng

.