Du lịch bản văn hóa dân tộc – tiềm năng còn bỏ ngỏ

Thứ Tư, 13/06/2012, 10:14 [GMT+7]

Điện Biên TV - Du lịch bản văn hóa dân tộc là một trong những loại hình du lịch đang thu hút khá nhiều du khách. Bởi đến với loại hình du lịch này, du khách không những được tìm hiểu những nét văn hóa độc đáo của cư dân bản địa, mà còn trực tiếp được tham gia vào các hoạt động cộng đồng của cư dân địa phương. Hiện nay, huyện Điện Biên có 8 bản thực hiện theo đề án tổ chức xây dựng bản văn hóa dân tộc, nhưng trong thực tế huyện vẫn chưa khai thác được thế mạnh của loại  hình du lịch này.

bản Ten
Đến với các bản văn hóa dân tộc, du khách thường được thưởng thức những món ăn đặc trưng trong ẩm thực của cư dân địa phương.

Nhắc đến huyện Điện Biên là chúng ta đang nhắc đến một vùng đất với nhiều nét văn hóa độc đáo, đặc trưng. Đó là hệ thống các di tích với Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, Thành Bản Phủ với đền thờ Hoàng Công Chất là di tích lịch sử để thờ họ Hoàng và 6 thủ lĩnh nghĩa quân đã có công đánh đuổi giặc Phẻ giữ bình yên cho bản mường. Đó còn là hồ Pa Khoang, động Pa Thơm hay suối khoáng nóng U Va... Ngoài ra, huyện Điện Biên còn được biết đến với các bản làng văn hóa dân tộc với những kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú cùng với những đồ dùng, vật dụng gắn liền với đời sống lao động sản xuất, nghề truyền thống và những sinh hoạt văn hóa đặc trưng. Hay còn là những câu chuyện dân gian, những giai thoại gắn liền địa danh, nhân vật cụ thể ở mỗi địa phương, những món ăn đặc sản chỉ có ở từng vùng đất. Huyện Điện Biên hiện có 8 bản văn hóa du lịch dân tộc, hàng tháng các bản văn hóa du lịch của huyện trung bình đón từ 10 – 15 đoàn khách.  Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát triển các thế mạnh về du lịch cộng đồng của huyện hiện đang gặp nhiều khó khăn.

Để tìm hiểu rõ hơn về những tiềm năng của loại hình du lịch bản văn hóa dân tộc, chúng tôi tìm đến bản văn hóa bản Ten, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên. Những ngày đầu tháng 6, dưới cái nắng chói chang của mùa hè, bản Ten như tươi hồng sắc mới với những nếp nhà sàn đặc trưng của đồng bào Thái. Đi qua  những con đường “nông thôn mới”, chúng tôi dễ dàng tìm tới nhà trưởng bản Lò Văn Ún. Qua lời kể của trưởng bản, có thể hình dung ra cuộc sống của bà con trong bản cách đây gần chục năm khi mọi người quanh năm quần quật với mấy trăm mét ruộng mà chẳng đủ ăn, tệ nạn xã hội thì ngày đêm rình rập bản làng. Nhưng bản Ten hôm nay đã khác. Từ khi được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư đưa mô hình du lịch cộng đồng vào cuộc sống, diện mạo nông thôn ngày một khang trang hơn. Người dân ngoài thời gian lao động sản xuất, vẫn có thêm thu nhập từ việc tổ chức các hoạt động phục vụ du lịch ngay trong bản. Niềm vui hiện hữu trên khuôn mặt của trưởng bản, nhưng phảng phất đâu đó vẫn có một nỗi buồn. Mặc dù mô hình du lịch cộng đồng được áp dụng nhưng chưa thực sự mang lại nhiều hiệu quả và chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của bản. Bản Ten hiện có 92 hộ dân, tuy nhiên mới chỉ có 3 hộ gia đình tham gia vào mô hình du lịch cộng đồng. Hàng năm bản đón và phục vụ khoảng 1.500 lượt khách du lịch cả trong và ngoài nước. Tiềm năng du lịch ở bản Ten rất lớn, nhưng sản phẩm du lịch chưa phong phú. Nguyên nhân lớn nhất là do thiếu vốn đầu tư các công trình, tuyến điểm du lịch, chưa huy động được các doanh nghiệp đầu tư, kết hợp khai thác. Trong khi đó người dân chưa thực sự hiểu và mặn mà với việc "làm du lịch". Điều đó lí giải vì sao lượng khách lưu trú lại bản rất khiêm tốn.

Mặc dù không được các công ty du lịch đầu tư, nhưng gia đình chị Cà Thị Dinh một trong 3 hộ gia đình trong bản Ten tham gia vào mô hình du lịch cộng đồng, đã tự vay vốn sửa nhà cửa xây dựng công trình phục vụ du khách. Ngôi nhà sàn của gia đình chị khá thoáng mát, xung quanh nhà những dụng cụ lao động sản xuất được bài trí đẹp mắt để du khách vừa được thưởng thức những món ăn dân tộc, vừa có thể tìm hiểu những dụng cụ lao động gắn liền với cuộc sống của người dân. Qua câu chuyện với chị, chúng tôi cảm nhận chị Dinh khá tâm huyết với mô hình du lịch này và hi vọng mô hình sẽ ngày một phát triển. “Mình rất muốn mô hình du lịch này phát triển, để thu hút du khách đến với bản ngày một đông hơn, từ đó thúc đẩy kinh tế của bản ngày một đi lên” – Chị Dinh nói.

bản Ten
Biểu diễn văn nghệ phục vụ khách du lịch


Tuy nhiên không phải người dân nào cũng nhìn thấy lợi ích và mạnh dạn đầu tư "làm du lịch" như chị Dinh. Đây cũng là một trong những khó khăn trong việc xây dựng, đa dạng hóa các sản phẩm phục vụ cho du lịch. Ngay hoạt động cộng đồng dễ huy động, dễ tổ chức nhất là biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách cũng khá khó khăn và chưa thực sự phát huy hiệu quả. Hiện nay, mỗi bản văn hóa du lịch đều tự thành lập nên một đội văn nghệ từ 15 – 20 người, các thành viên trong đội văn nghệ chủ yếu giao lưu văn hóa, văn nghệ hay tham gia các lễ hội truyền thống và văn hóa ẩm thực để phục vụ các đoàn khách du lịch khi có nhu cầu thưởng thức. Người dân tham gia trực tiếp có thu nhập bình quân từ 30 - 50 nghìn đồng trên 1 lần biểu diễn, mức thù lao này rõ ràng chỉ mang tính khích lệ.

Qua câu chuyện tại bản văn hóa du lịch bản Ten có thể phần nào thấy được bức tranh chung của hệ thống các bản văn hóa du lịch của huyện Điện Biên. Có thể nói, du lịch bản văn hóa dân tộc ở huyện Điện Biên mới chỉ ở tiềm năng. Còn các tua du lịch, chương trình quảng bá hình ảnh du lịch đến với khách tham quan thì hầu như chưa có, mà chủ yếu du khách đến với các bản văn hóa du lịch là do tự phát và tự tìm hiểu – Điều này thêm một lần được khẳng định khi chúng tôi đem câu chuyện phát triển di lịch bản văn hóa với bà Phạm Minh Châu, Phó phòng Văn hóa – Thông tin huyện Điện Biên.

Chia tay các bản văn hóa du lịch ở Điện Biên, chúng tôi như cảm nhận thấy rõ sự trăn trở của người dân khi muốn làm giàu bằng loại hình kinh tế mới, bên cạnh thu nhập từ cây lúa, cây ngô, cây sắn. Điện Biên đang rất cần một sự bứt phá để "đánh thức" được tiềm năng kinh tế du lịch trên mảnh đất và con người giàu truyền thống cách mạng,  truyền thống văn hóa này.




Nguyễn Hằng

.