Yếu tố Mỹ thúc đẩy Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật như thế nào?

Thứ Tư, 13/01/2021, 07:40 [GMT+7]

Triều Tiên vốn muốn răn đe Mỹ và Hàn Quốc nhưng tại sao phải đến bây giờ nước này mới xem xét đẩy mạnh phát triển vũ khí hạt nhân cấp chiến thuật?

Đảng Lao động Triều Tiên mới đây tổ chức Đại hội lần thứ 8. Đây là một dịp hiếm hoi để người bên ngoài có được cái nhìn về việc xây dựng chính sách của Triều Tiên, đặc biệt là về phát triển kinh tế và đối ngoại.

1
Nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: Reuters.

Nối lại phát triển vũ khí hạt nhân do không còn tin vào Mỹ

Trọng tâm của Triều Tiên trong năm 2021 này dự kiến là mở rộng đáng kể năng lực hạt nhân của họ. Các cải tiến, cập nhật bao gồm tên lửa tầm xa hơn, tên lửa siêu thanh, và các đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ, cấp chiến thuật để bổ sung cho các vũ khí lớn hơn tạo nên phần lớn sức răn đe của Triều Tiên trước Mỹ và các nước đối thủ khác. Yếu tố chính trị cho điều chỉnh này là điều mà Triều Tiên coi là “chính sách thù địch” không thay đổi từ phía Mỹ.

Quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên vốn đã rất xấu trong một thời gian dài. Triều Tiên công khai tìm kiếm vũ khí hạt nhân để răn đe Mỹ khỏi tấn công họ. Các nhà đàm phán hạt nhân của Bình Nhưỡng thường xuyên nêu lại số phận của các nhà lãnh đạo Saddam Hussein (Iraq) và Muammar Gaddafi (Libya) để biện minh cho việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân: Nếu các ông Hussein và Gaddafi sở hữu vũ khí hạt nhân thì Mỹ sẽ không dám tấn công họ trước đây. Logic này thực ra gần như đúng hoàn toàn.

Thời điểm Triều Tiên tuyên bố phát triển vũ khí hạt nhân đúng vào cuối nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ Donald Trump có lẽ không phải là điều ngẫu nhiên. Triều Tiên đã đạt được năng lực tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân cỡ lớn vào cuối năm 2017. Sau đó Triều Tiên tạm dừng phát triển và hoàn thiện chương trình hạt nhân và tên lửa của mình, có khả năng là để nghe ngóng xem ông Trump sẽ nỗ lực ra sao trong việc lôi kéo nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào đàm phán.

Việc tạm dừng nói trên là sự khôn ngoan chiến lược. Triều Tiên thật ra chẳng từ bỏ điều gì cả. Họ chẳng giao nộp vũ khí hạt nhân hay tên lửa nào. Tuy nhiên, động thái tạm dừng đó lại tạo cho ông Trump ảo giác về sự tiến bộ và không gian cho việc đề xuất với Triều Tiên.

Phía Mỹ đã liên lục lặp lại các điều khoản gần tương đương với việc giải giáp hoàn toàn Triều Tiên để đổi lại việc nới lỏng trừng phạt. Điều này là thiên lệch hẳn theo hướng có lợi cho Mỹ. Phía Triều Tiên cũng đưa ra các đề xuất có lợi cho họ. Sau đó Triều Tiên có vẻ ý thức được ông Trump chủ yếu quan tâm tới hình ảnh và việc đưa tin về các cuộc họp hơn là chi tiết cụ thể của một thỏa thuận giữa đôi bên. Cuối cùng các cuộc thương lượng cứ thế tiêu vong dần.

Bây giờ thì ông Joe Biden đang đứng trước ngưỡng cửa chính thức trở thành tân tổng thống Mỹ. Mà ông Biden lại nổi tiếng là có quan điểm diều hâu đối với Triều Tiên. Từ thời làm chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ và Phó Tổng thống Mỹ (thời Obama), ông Biden đã thể hiện rõ quan điểm đối với Triều Tiên. Biden cổ xúy cho lệnh trừng phạt Triều Tiên và việc hợp tác chặt chẽ hơn với Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng như ủng hộ thúc đẩy Trung Quốc kiềm chế Triều Tiên. Chính sách này không phải là điều quá bất ngờ vì đó vốn là chính sách của Washington trong nhiều thập kỷ, và cũng không đến mức đe dọa chiến tranh như ông Trump từng đe dọa vào năm 2017, nhưng có khả năng đẩy quan hệ Mỹ-Triều về trạng thái đối đầu thường trực trước đây.

Nói tóm lại, Triều Tiên có thể đã tạm ngừng việc phát triển, hoàn thiện vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo trong năm 2017 để xem xem ông Trump có nghiêm túc trong chính sách đối với Triều Tiên hay không. Cuối cùng thì ông Trump không được như phía Triều Tiên kỳ vọng. Trong khi đó, Biden lại khá cứng rắn với Triều Tiên. Do vậy, Bình Nhưỡng giờ xác định sẽ quay trở lại với chương trình hạt nhân hiện đại và đa diện.

Ưu điểm của vũ khí hạt nhân chiến thuật

Trong các định hướng mới của Triều Tiên, việc phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật là đáng chú ý nhất.

Khả năng của Triều Tiên trong việc ngăn ngừa Mỹ thay đổi chế độ của Triều Tiên phụ thuộc chủ yếu vào năng lực phóng được một vũ khí hạt nhân cỡ lớn sang lục địa Mỹ. Việc này đòi hỏi phải có một tên lửa đạn đạo liên lục địa và một đầu đạn có sức công phá ít nhất vài trăm kiloton.

Cách này cũng tương tự việc Mỹ và Liên Xô duy trì vũ khí hạt nhân hạng nặng để khống chế các thành phố của nhau và duy trì hòa bình thông một sự cân bằng nỗi sợ.

Cách tiếp cận đó phù hợp bối cảnh đối đầu Mỹ-Liên Xô, và đây cũng được cho là mục tiêu mà Triều Tiên hướng tới. Trước năm 2018, Triều Tiên phát triển các loại đầu đạn hạt nhân và tên lửa cỡ lớn.

Tuy nhiên vũ khí hạt nhân chiến thuật thì lại khác. Vũ khí này có sức công phá thấp hơn nhiều. Kịch bản sử dụng vũ khí này bao gồm sử dụng trên chiến trường hay chống lại các mục tiêu ngầm kiên cố.

Triều Tiên không ra tuyên bố nào về học thuyết sử dụng vũ khí hạt nhân của mình nên chúng ta sẽ khó đoán ý đồ của họ trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Các nhân vật diều hâu nhất trong giới phân tích cho rằng Triều Tiên thực sự muốn có vũ khí hạt nhân không chỉ để phòng thủ mà còn để ép Hàn Quốc phải quy hàng.

Một giả thuyết khác là nếu đến một lúc nào đó bị thiếu ngoại tệ nghiêm trọng, Triều Tiên sẽ bắt đầu phổ biến công nghệ hạt nhân và tên lửa để thu tiền.

Khả năng thứ 3 là Triều Tiên có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trên chiến trường Hàn Quốc nếu nổ ra chiến tranh giữa 2 bên. Quân đội Triều Tiên tuy quy mô lớn nhưng lạc hậu, còn Hàn Quốc có một số thành phố cực kỳ đông dân cùng một số cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Trong 3 kịch bản trên, vũ khí hạt nhân với sức công phá vừa phải đều rất phù hợp./.

Link: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/yeu-to-my-thuc-day-trieu-tien-phat-trien-vu-khi-hat-nhan-chien-thuat-nhu-the-nao-830204.vov

 

 

Theo Trung Hiếu/VOV.VN lược dịch

 

.