Sát hại người yêu vì mâu thuẫn tình cảm: Vì đâu nên nỗi?

Thứ Hai, 08/04/2019, 07:50 [GMT+7]

 Các vụ án sát hại người yêu đa phần đều xuất phát từ sự ích kỷ, độc đoán trong tình yêu của giới trẻ hiện nay.
 
Chỉ trong 2 ngày đầutháng 4/2019, đã có 3 vụ trọng án xảy ra, nguyên nhân đều được cho là bắt nguồn từ mâu thuẫn tình cảm. Theo điều tra ban đầu, chỉ vì tình cảm không được đáp ứng, các đối tượng nam đã dùng dao sát hại dã man người yêu của mình sau đó tự sát. Theo các chuyên gia, nguyên nhân do sự ích kỷ, độc đoán trong tình yêu của giới trẻ hiện nay.

Chiều tối 2/3, lực lượng chức năng công an tỉnh Thái Nguyên nhận được tin báo, phát hiện hai thi thể trong phòng trọ khu vực phường Tân Thịnh, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Nguyên nhân ban đầu xác định, do mâu thuẫn tình cảm nên nam sinh viên một trường Đại học ở Hà Nội dùng dao sát hại bạn gái, khiến cô này tử vong tại chỗ. Đối tượng này sau đó dùng dây điện tự tử trong tư thế treo cổ.

Trước đó, sáng 1/4, dư luận cả nước bàng hoàng trước clip ghi lại cảnh một thanh niên truy đuổi bạn gái đến cùng rồi dùng kéo sát hại cô này. Sau khi nạn nhân bất động, hung thủ đã dùng kéo để tự kết liễu bằng cách đâm vào cổ, nhưng được kịp thời can ngăn, đưa đi cấp cứu. Nguyên nhân ban đầu cũng được cho là do mâu thuẫn tình cảm, nam thanh niên níu kéo cô gái trẻ bất thành nên có hành động dại dột

Tối cùng ngày, tại khu công nghiệp VSIP (nằm trên địa bàn xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), một nam giới đã dùng dao phóng lợn sát hại người yêu sau đó dùng dao và uống thuốc diệt cỏ tự tử. Cả hai đã tử vong,...
 

1
Công an khám nghiệm hiện trường vụ nam thanh niên sử dụng kéo đâm chết cô gái rồi tự sát ở Ninh Bình.


Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Đào Trung Hiếu, chuyên gia Tội phạm học, Bộ Công An cho biết, trong nhiều năm công tác đội Điều tra trọng án, Cảnh Sát Hình sự Hà Nội thấy rằng, các vụ án do mâu thuẫn tình cảm dẫn đến đoạt mạng đều tập trung hai động cơ. Thứ nhất do ghen tuông, thứ hai do thù tức.

Đây cũng không phải câu chuyện mới trong đời sống, xã hội. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang sống trong kỷ nguyên công nghệ, bùng nổ thông tin, cập nhật tình hình mọi nơi, mọi lúc. Chính vì vậy, tần suất xuất hiện thông tin về những vụ án này khiến ta cảm thấy tình trạng bạo lực trong quan hệ tình cảm gia tăng.

Ông Đào Trung Hiếu cũng cho rằng, những vụ án cụ thể này cũng như các vụ án khác đều là hệ quả của vấn đề văn hóa. Khi nền văn hóa đề cao tính nhân văn, cấu kết cộng đồng sẽ tạo cho con người ta cách ứng xử vì cộng đồng, xã hội. Nhưng một cộng đồng chạy theo lợi ích cá nhân, chỉ biết đến bản thân sẽ dần biến thành xu thế ứng xử vô cảm. Do đó, căn nguyên sâu xa của tội ác nằm ở sự xuống cấp của văn hóa.

Dẫn chứng vụ nam thanh niên sát hại người yêu ở chân cầu Non Nước (TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình), ông Hiếu cho rằng việc giải quyết mâu thuẫn bằng cây kéo và đoạt mạng người phụ nữ mình yêu chứng minh sự ích kỷ, độc ác trong suy nghĩ dẫn đến hành động độc ác của không ít người trẻ.

Dưới góc độ tâm lý tội phạm, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn - Chuyên gia nghiên cứu tội phạm học cho rằng, những vụ án kinh hoàng sát hại người yêu gần đây có thể do mâu thuẫn tích tụ lâu dài không được hóa giải đến lúc bùng phát, thủ phạm căng thẳng, quẫn trí không kiểm soát được hành vi.

Đại tá Thìn cho rằng, trong các vụ án này "yếu tố nạn nhân" cũng rất quan trọng. Đáng lẽ các nạn nhân có thể tìm cách ra khỏi xung đột đó một các khôn ngoan hơn. Ví như nhận lỗi tạm thời, rời xa những căng thẳng đó rồi từ từ giải quyết, tránh gây leo thang hành vi phạm tội.
 
Lý giải về xu hướng tâm lý các thủ phạm sau khi gây án thường có tâm lý tự sát, chuyên gia Cảnh Thìn phân tích: Khi những xung đột cộng hưởng với sức ép từ cuộc sống, nhất là trong những vụ án vì tình, thì uất ức và suy nghĩ tiêu cực đẩy lên rất nhanh. Trong những vụ án cụ thể nói trên, sau khi gây án, thủ phạm cũng chán chường, đã sẵn sàng kết liễu cuộc sống của mình. Trong cơn uất ức thì họ nghĩ đến cái chết, chạy trốn tội lỗi.

"Cùng với đó là tư tưởng không ăn được thì đạp đổ, sống cùng sống, chết cùng chết. Đó là vòng suy nghĩ luẩn quẩn, là căn nguyên của những vụ án mạng vì tình" - Đại tá Cảnh Thìn nói.
Loading...

Còn theo chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu cho rằng, giới trẻ cần chuẩn bị cho mình những kỹ năng như: Khi phát sinh những mâu thuẫn, tranh cãi,  phải luôn lường đến khả năng câu chuyện tiếp theo sẽ diễn ra đến đâu. Khi nhận thấy đối tác của mình thiếu kiềm chế, bản thân người trong cuộc cần phải dừng lại, tìm cho mình những lý do hợp lý để không đẩy câu chuyện đi quá xa. Phải biết “quản trị” cảm xúc, không để cuốn theo.

“Bản thân cũng bức xúc, cũng có những hành vi làm tổn thương đối tác rất dễ dẫn đến hành vi bạo lực”- ông Đào Trung Hiếu nhấn mạnh../.

Luật sư Nguyễn Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp Hà Nội cho rằng, trường hợp chỉ vì mâu thuẫn tình cảm yêu đương mà hung thủ ra tay sát hại dã man nạn nhân, thì đây là hành vi cấu thành tội Giết người quy định tại Điều 123 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 với tình tiết định khung hình phạt có thể là có động cơ đê hèn hoặc có tính chất côn đồ - vì lý do nhỏ nhặt, ích kỷ mà sát hại nạn nhân. Trong trường hợp này, người phạm tội có thể phải đối diện với mức hình phạt cao nhất đến tử hình, ngoài ra còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Để giảm bớt tình trạng chia tay là sát hại người yêu, luật sư Cường cho rằng, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về tâm lý, xã hội cũng như về pháp luật. Tăng cường sự giáo dục của nhà trường, gia đình và xã hội, tăng cường kỹ năng sống, rèn luyện con người có nhân cách, có trách nhiệm phải biết tôn trọng người khác. Cần loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực, biết kiểm kiềm chế cảm xúc, sống có trách nhiệm với cộng đồng thì mới giảm thiểu được những vụ việc đau lòng như vừa qua./.

 

 

Theo Nguyễn Hiền/VOV

.