Chó cắn chết người: Hậu quả đau lòng do nhờn luật

Thứ Bảy, 13/04/2019, 08:22 [GMT+7]

Ngoài bồi thường thiệt hại, nếu chó cắn chết người, chủ sở hữu súc vật còn phải bị xử lý hình sự.

Sau gần 2 năm ra đời Nghị định 90/2017/NĐ-CP về xử phạt người nuôi chó không có ý thức khi đưa chó ra nơi công cộng, tình trạng người dân vi phạm quy định vẫn nhan nhản mà chưa có ai bị xử lý.

Hoảng hốt vì chó

Theo Quyết định 193/QĐ-TTg năm 2017, người nuôi chó phải đăng ký việc nuôi chó với cấp trưởng thôn hoặc UBND cấp xã, đồng thời cam kết nuôi nhốt (hoặc xích), giữ chó trong khuôn viên của gia đình. Còn theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP, chủ nuôi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng.
 

1
Những con chó thả rông không rọ mõm là hiểm họa khó lường. (ảnh: KT)


Ngay khi Nghị định 90 được ban hành, Báo TNVN cũng như nhiều phương tiện truyền thông khác đã có bài viết nghi ngờ về tính khả thi của Nghị định. Và thực tế hơn 1 năm qua diễn ra đúng như vậy. Bất chấp quy định của pháp luật, không ít gia đình nuôi chó mà không đăng ký.

Còn chính đại diện Cục Thú y trong cuộc họp báo diễn ra sau vụ việc cháu bé ở Hưng Yên bị đàn chó cắn chết cũng thừa nhận chưa có trường hợp nào bị xử phạt vì thả rông chó, không rọ mõm hay không tiêm phòng cho chó. Trên bất kỳ con đường nào từ nông thôn đến thành thị cũng dễ dàng bắt gặp những con chó chạy rông mà không có người dắt và cũng không được đeo rọ mõm. Những con chó này trở thành nỗi sợ hãi và hiểm họa đối với bất kỳ ai, đặc biệt trẻ nhỏ.

Việc nuôi chó tại khu chung cư cũng gây nhiều bức xúc. Có nhiều trường hợp, trẻ con chơi ở sân chơi chung, bị chó thả rông cắn nhưng gia đình phải mướt mồ hôi mới tìm được chủ chó. Tìm được rồi cũng không dễ đòi được quyền lợi.

Anh Trần Dũng Sỹ, cư dân khu đô thị Ciputra (Hà Nội) phản ánh, tối ngày 5/4/2019, anh đi từ khu chung cư E4/5 đến khu Q của khu đô thị gặp một người nước ngoài đi cùng con nhỏ dắt theo mấy con chó không rọ mõm. Mấy chú chó khi gặp một người đi xe máy đã nhảy xổ vào họ, tuy không cắn nhưng cũng làm cho người đi xe máy bị một phen hoảng hốt.

“Thấy vụ việc tôi đứng lại chụp ảnh, họ còn có thái độ thách thức. Việc này diễn ra khá thường xuyên khiến người dân sinh sống trong khu chung cư lo lắng. Hầu hết những người nuôi chó tại khu đô thị Ciputra họ rất có ý thức, nhưng gia đình người nước ngoài này thì không hợp tác và tỏ thái độ coi thường mọi người. Tôi đã làm đơn phản ảnh sự việc đến Ban quản lý khu đô thị, mong là họ có biện pháp để đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống tại khu đô thị cũng như khách đến thăm” - anh Sỹ nêu.

Chị Lan Anh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Hồi nhỏ tôi từng bị chó cắn nên rất sợ chó. Đi ngoài đường mà gặp con chó to là chân tay bủn rủn. Vì thế khi Nghị định 90 được ban hành, tôi đã mừng. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm chẳng giảm chút nào. Việc xử phạt người vi phạm không khó, vấn đề là các cơ quan chức năng có muốn thực hiện hay không. Ví dụ, có thể làm một ứng dụng lưu giữ thông tin chó và chủ nuôi ở từng khu vực. Khi người dân nhìn thấy người dắt chó không rọ mõm chụp ảnh đưa lên ứng dụng là lập tức cả người và chó bị nhận diện và bị xử lý. Đã đặt ra luật thì phải thực hiện nghiêm, chứ luật đưa ra để đấy sẽ làm người dân nhờn luật”.
 
Chó cắn chết người, chủ bị xử lý hình sự

Trở lại trường hợp bé trai ở Hưng Yên. Theo quy định của pháp luật, chủ chó bị xử lý như thế nào?
 
Luật sư Lê Minh Trường, Công ty luật Minh Khuê cho biết, theo Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 thì chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Ngoài bồi thường thiệt hại, nếu chó cắn chết người, chủ sở hữu súc vật còn phải bị xử lý hình sự.

Trường hợp chủ vật nuôi cố ý thả rông chó với mong muốn xảy ra hậu quả chết người hoặc gây thương tích cho người khác thì có thể bị truy cứu theo Tội giết người hoặc Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác.

Còn nếu xác minh được người chủ nuôi chó không có ý định thả chó với mong muốn gây chết người hoặc gây thương tích cho người khác mà việc để chó chạy ra nơi công cộng và gây chết người là do sự cẩu thả, chủ quan của chủ vật nuôi thì người chủ vật nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vô ý làm chết người với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.

Theo quy định của pháp luật, trách nhiệm phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y thuộc về chủ tịch UBND các cấp, thanh tra, công an nhân dân, quản lý thị trường…

Tuy nhiên, trên thực tế chưa thấy cơ quan nào áp dụng các chế tài hành chính để xử lý vi phạm. Nếu không muốn tái diễn những vụ việc đau lòng như ở Hưng Yên, các địa phương cần có những giải pháp hữu hiệu để pháp luật được thực thi nghiêm minh. Nhưng trên hết, vẫn là ý thức trách nhiệm của chủ nuôi đối với tính mạng và sự an toàn của cộng đồng./.

“Về hành vi để chó cắn chết người phụ thuộc vào ý thức chủ quan của chủ nuôi mà người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo những tội danh khác nhau như Tội giết người (Điều 123, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017), Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017) hoặc Tội vô ý làm chết người (Điều 128, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).
 

 

 

Theo Thu Minh/Báo TNVN

.