Vướng mắc, bất cập cản trở việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có

Chủ Nhật, 13/01/2019, 09:15 [GMT+7]

Việc thu hồi tài sản trong các vụ đại án tham nhũng kinh tế thường không dễ. Một trong nhiều nguyên nhân được đưa ra là tài sản đã được tẩu tán.
 
Trong các vụ án về tội phạm xâm phạm quyền sở hữu, việc thu hồi tài sản cho cá nhân, tổ chức, Nhà nước là chính sách quan trọng của pháp luật hình sự, đặc biệt là các vụ án liên quan đến nhóm tội phạm tham nhũng chức vụ. Trong các vụ án này, phần lớn trách nhiệm dân sự được tòa án tuyên buộc các bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường, bồi hoàn.

Tuy nhiên thực tế, dù bản án đã được tuyên nhưng thi hành án lại không dễ. Nguyên nhân được đưa ra là bị cáo không có tài sản, hay tài sản đã được tẩu tán hoặc tài sản là vật chứng. Làm thế nào để thu hồi được đang là vướng mắc mà các cơ quan pháp luật, các nhà khoa học cũng như các tổ chức, cá nhân quan tâm hiện nay.

1
Luật sư Đặng Văn Cường


Phóng viên VOV phỏng vấn luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) về nội dung này.

PV: Luật sư cho biết, cơ sở pháp lý nào để cơ quan chức năng thu hồi tài sản do phạm tội mà có?

Luật sư Đặng Văn Cường: Nội dung này thuộc quy định của Bộ luật Dân sự, liên quan việc bảo vệ quyền sở hữu tài sản. Khi tài sản bị chuyển quyền sở hữu một cách bất hợp pháp thì có thể khởi kiện theo thủ tục hành chính hoặc khởi kiện dân sự, hay giải quyết trong vụ án hình sự.

Vấn đề là khi xử lý tài sản phạm tội mà có, liên quan đến vụ án hình sự, khi người phạm tội xâm phạm đến quyền sở hữu của tổ chức, của cá nhân hoặc xâm phạm quyền sở hữu của Nhà nước, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ thu hồi tài sản do người phạm tội mà có để trả lại cho chủ sở hữu tài sản.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào khi tài sản bị kẻ phạm tội xâm hại cũng thu hồi được. Điều kiện để thu hồi được đó là phải xác định tài sản đó là vật chứng của vụ án hình sự, có thu hồi được vật chứng thì mới thu hồi được tài sản.

PV: Theo luật, vật chứng trong vụ án hình sự được quy định ra sao?

Luật sư Đặng Văn Cường: Vật chứng vụ án hình sự được quy định tại Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, trong đó quy định, vật chứng vụ án là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội hoặc vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng phạm tội, hay tiền, vật có giá trị chứng minh là hành vi phạm tội, người phạm tội, tội phạm xảy ra, có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án thì đó là vật chứng vụ án.

Có thể xác định tiền cũng là vật chứng vụ án. Khi thu hồi được số tiền thì sẽ xử lý bằng cách trả lại cho người bị hại hoặc xung công quỹ nếu đó là tiền bất hợp pháp.

PV: Pháp luật dân sự quy định thế nào về quyền đòi lại tài sản và có cơ chế bảo vệ bên thứ 3 ngay tình khi thực hiện giao dịch dân sự ra sao?

Luật sư Đặng Văn Cường: Pháp luật dân sự quy định về tài sản là một trong những chế định xương sống Bộ luật Dân sự 2015, trong đó rất nhiều quy định đã được sửa đổi để bảo vệ người thứ 3 ngay tình. Trong các giao dịch dân sự, có thể có những trường hợp giao dịch dân sự đối với tài sản bất minh, ví dụ những người phạm tội chiếm đoạt tài sản sau đó đưa những tài sản đó vào các quan hệ dân sự. Khi các cá nhân, doanh nghiệp giao kết hợp đồng với những đối tượng sử dụng tài sản phạm tội mà có, nếu biết tài sản đó do phạm tội mà có mà vẫn chứa chấp, tiêu thụ thì người trực tiếp tiêu thụ đó bị xử lý hình sự và bị truy thu số tài sản đó.

Trường hợp đối tượng chiếm đoạt tài sản của người khác, mang tài sản đó đi giao dịch, những người tham gia giao dịch không biết đó là tài sản phạm tội thì giao dịch đó được coi là ngay tình và pháp luật sẽ bảo vệ người ngay tình đó.

Pháp luật dân sự quy định cụ thể khi một tài sản có đăng ký quyền sở hữu, ai đang đứng tên trên giấy tờ sở hữu là chủ sở hữu tài sản. Còn với tài sản không đăng ký quyền sở hữu sẽ theo nguyên tắc ai đang quản lý tài sản đó, đang mang theo được coi là chủ sở hữu. Người khác muốn cho đó là tài sản của mình phải chứng minh, đó là điểm mới của Bộ luật Dân sự 2015.

Như vậy, trong trường hợp, một người bị người khác chiếm đoạt tài sản, bị chuyển quyền sở hữu trái pháp luật có quyền khởi kiện hoặc có quyền yêu cầu người đang chiếm giữ đó phải trả lại tài sản cho mình. Tuy nhiên, nếu tài sản là vật tiêu hao, đã sử dụng hết, thì có quyền yêu cầu người chiếm giữ phải bồi thường; hoặc vật đã được đưa vào lưu thông giờ không xác định ở đâu thì cũng có quyền yêu cầu người chiếm đoạt phải bồi thường thiệt hại.

Trong trường hợp vật đó đang ở chỗ của người thứ 3 chiếm giữ không có căn cứ, thì có quyền yêu cầu đòi lại. Trường hợp, vật đó được chuyển cho người thứ 3 ngay tình, công khai, hợp pháp thì không được đòi người ngay tình, nhưng vẫn có quyền yêu cầu đối tượng đã chiếm đoạt tài sản đó phải bồi thường giá trị tài sản cho mình.

 
PV: Trường hợp tài sản do hành vi phạm tội mà có, sau được chuyển quyền sở hữu cho bên thứ 3 ngay tình bằng các giao dịch dân sự hợp pháp, ví như trường hợp của Tổng công ty cổ phần xây dựng điện Việt Nam trong vụ án Hứa Thị Phấn, thì giải quyết thế nào?

Luật sư Đặng Văn Cường: Trong vụ án Hứa Thị Phấn, Công ty cổ phần xây dựng điện đã có giao dịch với một người phạm tội trong vụ án đó là bà Ngô Kim Huệ, việc giao dịch này là công khai, ngay tình từ năm 2007 và chính bản thân công ty xây dựng điện này cũng đã chuyển cho bà Ngô Kim Huệ số tiền 310 tỷ đồng. Vậy là bà Huệ đã nhận sử dụng số tiền 310 tỷ đồng bằng một giao dịch hợp tác đầu tư hợp pháp. Đến năm 2010, 2011, khi hợp đồng đó được thanh lý và được thỏa thuận nhượng lại phần vốn thì bà Huệ đã trả lại số tiền từ dự án đó là 400 tỷ bao gồm tiền gốc 310 tỷ và lợi nhuận là 90 tỷ. Như vậy giao dịch đó là công khai, ngay tình, hợp pháp đã được pháp luật thừa nhận việc thanh toán thông qua ngân hàng, ngay trong bản án cũng thừa nhận đó là giao dịch hợp pháp.

Tuy nhiên, điều bất ngờ ở đây là bản án tuyên buộc Công ty cổ phần xây dựng điện phải trả lại 200 tỷ là vật chứng của vụ án cho ngân hàng… phần tuyên án này theo tôi là có vấn đề.

Thứ nhất, bản án sẽ không thi hành được khi đại diện công ty cho biết tài khoản mà bà Huệ chuyển vào cách đây cả chục năm, giờ không còn số tiền đó nữa nên số tiền đó không được xác định là vật chứng mà công ty đang thu giữ bởi tài sản đó đã được công ty này rút ra, chuyển khoản thực hiện các giao dịch khác.

Thứ hai, công ty này là người thứ 3 ngay tình có được tài sản thông qua giao dịch hợp pháp nên bản chất chính là tài sản của họ nhận lại nên tòa yêu cầu công ty này phải trả lại người bị hại số tiền đó thay cho bị cáo là không phù hợp với các quy định xử lý vật chứng vụ án quy định tại điều 89, 106 Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong trường hợp này, việc khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm của công ty này là có cơ sở để cấp có thẩm quyền xem xét lại phần dân sự trong bản án này.

Tuyên như vậy sẽ làm thoái thác trách nhiệm của bị cáo, bản thân bị cáo phạm tội bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho bị hại chứ không thể bắt người thứ 3 bồi thường được. Thêm nữa, vật chứng phải là vật thu giữ được từ người chiếm giữ không căn cứ thì mới trả lại cho bị hại.

PV: Trên thực tế, việc xác định quyền sở hữu tài sản có gặp khó khăn, vướng mắc gì không?

Luật sư Đặng Văn Cường: Trong việc xác lập quyền sở hữu tài sản, theo quy định của Bộ luật Dân sự, tài sản gồm có tiền, vật, quyền tài sản và giấy tờ có giá. Với tài sản là tiền, pháp luật quy định, tiền ai đang quản lý, đứng tên trong ngân hàng thì là chủ sở hữu số tiền đó hay nói cách khác ai đang mang theo, đang chiếm giữ thực tế thì là tài sản của người đó. Đối với tài sản đăng ký quyền sở hữu, ai đứng tên quyền sở hữu thì là chủ sở hữu tài sản.

Tuy nhiên hiện nay, trên thực tế, việc quản lý tài sản có đăng ký quyền sở hữu, việc đăng ký quyền sở hữu cũng chưa đầy đủ nên việc quản lý tài sản cũng còn nhiều khó khăn. Mặt khác, trong các giao dịch dân sự, người dân chưa tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch dân sự nên khi có tranh chấp xảy ra khó giải quyết. Thủ tục kiện đòi tài sản cũng còn nhiều rắc rối cộng với hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế nên thời gian tham gia tố tụng kéo dài, ảnh hưởng đến quyền của chủ sở hữu tài sản có vướng mắc đến pháp lý.

PV: Trở lại vụ việc của Tổng công ty cổ phần xây dựng điện Việt Nam bị thu hồi 200 tỷ đồng để trả lại cho ngân hàng CB. Cơ sở pháp lý nào để Tổng công ty bảo vệ quyền lợi của mình?

Luật sư Đặng Văn Cường: Với thông tin vụ việc như vậy, bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật, có nghĩa là công ty này phải chấp hành quyết định của bản án. Tuy nhiên, nếu không đồng ý với bản án, công ty có quyền khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm để gửi đến Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC để được xem xét lại bản án này. Thực tế đã có những vụ án, bản án sơ thẩm, phúc thẩm đã giải quyết nhưng lên đến giám đốc thẩm, tái thẩm, tòa án cấp trên vẫn có thể hủy hoặc sửa một phần để thay đổi cho đúng quy định của pháp luật.

PV: Để bảo vệ quyền lợi của mình khi tham gia các quan hệ dân sự kinh tế, nếu không may xảy ra vụ việc hình sự khi tài sản trong giao dịch đó do phạm tội mà có, các tổ chức, cá nhân cần phải làm gì?

Luật sư Đặng Văn Cường: Cá nhân, doanh nghiệp trong giao dịch dân sự cần thận trọng, đối tượng không đáng tin cậy thì không nên giao dịch. Nếu biết đó là tài sản do phạm tội mà có thì không được giao dịch mà phải báo cơ quan chức năng xem xét giải quyết. Đối với những tài sản không thể biết hay không có nghĩa vụ phải biết tài sản đó hợp pháp hay không, như trong trường hợp của Công ty cổ phần xây dựng điện họ chỉ có thỏa thuận thanh lý hợp đồng và yêu cầu bên đối tác phải hoàn lại số tiền đã góp vốn, lợi nhuận từ số tiền đó thì họ không thể biết tiền đó là từ phạm tội mà có. Vấn đề này pháp luật đã có quy định bảo vệ người thứ 3 ngay tình và những sửa đổi Bộ luật Dân sự gần đây cũng có nhiều quy định để bảo vệ người thứ 3 ngay tình hoặc cũng có những quy định để xác định quyền chiếm hữu ngay tình.

Nếu như trong trường hợp các doanh nghiệp gặp phải trường hợp tố tụng như công ty cổ phần xây dựng điện, thì ngay từ đầu, các công ty này phải tìm hiểu về pháp lý hay sử dụng chuyên gia pháp lý để họ có ý kiến, quan điểm ngay từ đầu với HĐXX, với tòa án để có phán quyết đúng đắn, chính xác, để áp dụng quy định của pháp luật có căn cứ hơn nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân doanh nghiệp là người thứ 3 ngay tình.

PV: Xin cảm ơn luật sư./.

 

 

Theo Quang Chính/VOV

.