Những chiêu trò ma quái giúp Liên kết Việt lừa hơn 2.000 tỷ đồng

Thứ Sáu, 12/10/2018, 14:47 [GMT+7]

Với những trò ma quái, công ty Liên kết Việt đã hút được hơn 2.000 tỷ đồng từ 66.000 người.
 
Theo tài liệu truy tố, công ty CP tập đoàn thiết bị y tế BQP (viết tắt là công ty BQP) và công ty CP Liên kết sản xuất Thương mại Việt Nam (gọi tắt là công ty Liên kết Việt) đều do Lê Xuân Giang (SN 1971, quê Hưng Yên) thành lập và điều hành hoạt động.
 

1
Không chỉ làm giả hồ sơ của cơ quan Nhà nước, công Liên kết Việt còn mạo danh cả Bộ Quốc phòng để lừa đảo.


Mặc dù có giấy phép kinh doanh bán hàng đa cấp, nhưng vì không thu hút được nhiều người mua hàng, việc kinh doanh không được tốt, Giang đã thuê một nhóm điều hành có kinh nghiệm về kinh doanh đa cấp để lên kế hoạch phát triển công ty.
Không chỉ làm giả hồ sơ của cơ quan Nhà nước, công Liên kết Việt còn mạo danh cả Bộ Quốc phòng để lừa đảo.

Tháng 4/2014, Phạm Văn U. (SN 1972, trú tại TP.HCM) gặp Giang. Người này khoe có thể giúp Giang làm bằng khen của Thủ tướng cho tập thể và một số cá nhân trong công ty.

Giang đưa 31 triệu đồng để làm giả các quyết định, bằng khen của Thủ tướng tặng công ty Liên kết Việt, công ty BQP, một số cá nhân của công ty và một số trưởng chi nhánh...

Có được các quyết định, bằng khen giả này, nhằm tạo lòng tin cho các bị hại về hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty Liên kết Việt, Giang chỉ đạo cả ê kíp lên chương trình đón nhận hoành tráng.

Việc này còn nhằm khuếch trương hình ảnh, đánh lừa các nhà phân phối để họ nhầm tưởng Liên kết Việt là công ty kinh doanh đúng pháp luật, có lợi nhuận cao, có đóng góp với Nhà nước nên được lãnh đạo Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền đánh giá cao, ghi nhận và khen tặng.

Công ty BQP không phải là DN của Bộ Quốc phòng, nhưng Giang nhận thấy nhiều người dân nộp tiền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp của công ty Liên kết Việt nhầm tưởng đây là công ty thuộc Bộ Quốc phòng và Giang là quân nhân đang tại ngũ.

Từ đó, Giang chỉ đạo ê kíp của mình đưa hình ảnh anh ta mặc trang phục quân đội đang làm việc tại công ty, chụp ảnh với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các tướng lĩnh của Bộ Quốc phòng.

Những hình ảnh đó, kết hợp với sự thuyết trình của các đồng phạm của Giang đã tạo ra lòng tin cho các bị hại rằng, các sản phẩm của công ty BQP là của Bộ Quốc phòng...

Với cách thức, phương pháp, thủ đoạn lôi kéo nêu trên, sau một năm hoạt động, Giang và đồng phạm đã mở rộng mạng lưới, phát triển được 34 chi nhánh, văn phòng đại diện tại 27 tỉnh, thành, lôi kéo được 66.000 người tại 49 tỉnh tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp.

66.000 người này đã nộp cho Giang và công ty Liên kết Việt hơn 2.000 tỷ đồng. Giang dùng hơn 862 tỷ đồng để chi tiêu cá nhân. Theo lời khai của bị can, ngoài việc cho một số cá nhân vay tiền, sử dụng để mua nhà đất, số tiền còn lại anh ta không nhớ đã chi vào việc gì.

Tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung

Ngày 24/5/2018, sau khi nhận hồ sơ vụ án Lê Xuân Giang và nghiên cứu hồ sơ, TAND TP Hà Nội đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Kết quả điều tra bổ sung cho thấy, không làm rõ thêm được những nội dung yêu cầu điều tra, nên CQĐT giữ nguyên quan điểm đề nghị truy tố như tại bản kết luận điều tra bổ sung.

VKSND Tối cao cho rằng, kết quả điều tra bổ sung không làm thay đổi bản chất của vụ án về hành vi phạm tội, vai trò trách nhiệm của Giang và các đồng phạm. Vì vậy, VKSND Tối cao giữ nguyên quan điểm truy tố tại bản cáo trạng số 28 ngày 25/1/2018.

VKSND Tối cao phân công VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên tòa sơ thẩm và đề nghị HĐXX cùng đại diện VKS ngoài việc xét hỏi công khai tại tòa để làm rõ hành vi, trách nhiệm của Giang và các bị can bị truy tố, cần tiếp tục xét hỏi công khai để làm rõ hành vi, trách nhiệm của 34 trưởng văn phòng, chi nhánh, đại lý, nếu đủ căn cứ thì tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật./.

 

 

Theo VOV

.