Sáng nay xét xử Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng tội tham ô tài sản

Thứ Tư, 24/01/2018, 08:22 [GMT+7]

Phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng - em trai Đinh La Thăng và đồng phạm về tội Tham ô tài sản dự kiến kéo dài đến ngày 6/2.
 
Ngày 24/1, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử ông Đinh Mạnh Thắng (em trai ông Đinh La Thăng), nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty cổ phần đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà cùng Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC) và các đồng phạm về tội “Tham ô tài sản” xảy ra trong vụ chuyển nhượng cổ phần bất động sản tại dự án Nam Đàn Plaza. Các bị cáo bị cáo buộc chiếm đoạt số 49 tỉ đồng tiền chênh lệch trong thương vụ này.

Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 6/2. HĐXX 5 năm người: 2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân dân. Thẩm phán Đặng Thị Thanh Huyền ngồi ghế chủ tọa. Tòa cũng bố trí 1 thẩm phán và 2 hội thẩm nhân dân dự khuyết tham gia phiên tòa.
 

1
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại tòa trong phiên xét xử vụ án xảy ra tại PVN và PVC. Ảnh: TTXVN


Trong vụ án này, có 8 bị can bị truy tố về cùng tội Tham ô tài sản gồm: Trịnh Xuân Thanh (nguyên chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí - PVC); Đào Duy Phong (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam(PVP Land); Nguyễn Ngọc Sinh (nguyên Tổng giám đốc PVP Land); Đinh Mạnh Thắng (nguyên Chủ tịch HĐQT công ty CP Đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà); Thái Kiều Hương (nguyên Phó Tổng giám đốc công ty CP đầu tư Vietsan); Lê Hòa Bình (nguyên Chủ tịch HĐQT công ty CP xây dựng và dịch vụ 1/5, công ty CP Minh Ngân); Nguyễn Thị Kim Thoa (nguyên kế toán trưởng công ty CP xây dựng và dịch vụ 1/5, công ty CP Minh Ngân) và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (kinh doanh tự do).

Theo cáo trạng, từ tháng 3/2010, Công ty CP dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương gồm 5 cổ đông sáng lập (trong đó PVP Land sở hữu hơn 12.000 cổ phần) đã thống nhất ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ 24 triệu cổ phần sở hữu cho Lê Hòa Bình với giá 20.756,34 đồng/cổ phần tương đương 52 triệu đồng/m2 đất dự án Nam Đàn Plaza.

Sau khi ký hợp đồng đặt cọc, Lê Hòa Bình đã ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với từng cổ đông sáng lập của công ty Xuyên Thái Bình Dương.

Kết quả điều tra cho thấy, Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm đã có sự móc nối, chỉ đạo, thông đồng với Lê Hòa Bình và Nguyễn Thị Kim Thoa để thực hiện việc ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với giá 34 triệu đồng/m2, thấp hơn giá trị thực tế đã đặt cọc 52 triệu đồng/m2 để lấy tiền chênh lệch, chia nhau chiếm đoạt.

Cáo trạng cho rằng, Trịnh Xuân Thanh chiếm đoạt được 14 tỷ đồng, Đinh Mạnh Thắng chiếm đoạt 5 tỷ, Đào Duy Phong 8 tỷ, Nguyễn Ngọc Sinh 2 tỷ, Đặng Sỹ Hùng 20 tỷ. Tổng cộng, các bị can đã chiếm đoạt được 49 tỷ đồng trong tổng số hơn 87 tỷ đồng tiền nhượng cổ phần.

Do toàn bộ cổ phần mà PVP Land sở hữu tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương là tài sản của Nhà nước; các bị can đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần với giá thấp hơn giá trị thực tế nên có đủ căn cứ cấu thành tội Tham ô tài sản.

Riêng với bị can Đặng Sỹ Hùng, vì bị can này đã chết trong quá trình điều tra, VKSND Tối cao đã ra quyết định đình chỉ điều tra.

VKSND Tối cao ủy quyền cho VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án theo quy định.

Viện KSND Tối cao đánh giá, trong giai đoạn điều tra, ông Thanh và Thắng đã trả lại 19 tỷ đồng chiếm đoạt nên được coi là có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Trước đó, ngày 22/1, TAND TP Hà Nội vừa tuyên phạt bị cáo Trịnh Xuân Thanh tù chung thân về tội tham ô tài sản và 14 năm tù về tội cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt là chung thân trong vụ án xảy ra tại PVN và PVC./.

 

 

Theo VOV

.