Con đường lừa đảo của nữ nhân viên ngân hàng

Chủ Nhật, 29/10/2017, 09:13 [GMT+7]

Lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo, lòng tin của khách hàng, đồng nghiệp, Lam chiếm đoạt tiền gửi của 6 khách hàng ở Eximbank với số tiền hơn 50 tỷ đồng.
 
Lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo, lòng tin của khách hàng và đồng nghiệp, Nguyễn Thị Lam đã chiếm đoạt tiền gửi của 6 khách hàng trong ngân hàng Eximbank với tổng số tiền lên tới hơn 50 tỷ đồng.

“Mồi nhử” lãi suất cao

Nguyễn Thị Lam (SN 1987, trú tại xóm Yên Hương, xã Yên Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An), tốt nghiệp trường Cao đẳng Kinh tế Nghệ An (nay là Đại học Kinh tế Nghệ An), Lam làm kế toán tại một doanh nghiệp gia đình. Tháng 3/2011, sau thời gian thử việc, Nguyễn Thị Lam chính thức được nhận vào làm nhân viên ngân quỹ tại Phòng giao dịch Đô Lương, Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), chi nhánh TP. Vinh. Nhiệm vụ của Lam là thu chi tiền mặt, kiểm tra hồ sơ cho vay vốn của khách hàng, huy động vốn, cho vay theo chỉ tiêu.
 

1
Nguyễn Thị Lam (Ảnh: Báo Nghệ An)


Do áp lực về chỉ tiêu huy động vốn, Nguyễn Thị Lam đã tự ý trả lãi suất cho khách hàng cao hơn mức lãi suất của ngân hàng từ 1,5 - 4,5% tùy từng thời điểm. Bằng cách này, Lam đã mời được các khách hàng lớn gửi tiết kiệm. Và bởi vậy, Lam được cấp trên đánh giá là nhân viên xuất sắc, đồng nghiệp ngưỡng mộ. Các khách hàng cũng tin tưởng Lam, mỗi khi cần rút tiền gửi tiết kiệm, họ không trực tiếp đến ngân hàng mà chỉ liên hệ với Lam. Khi đó, Lam đề nghị các giao dịch viên chuẩn bị chứng từ như: lệnh chi, ủy nhiệm chi, bảng kê chi tiền... theo đúng số tiền khách yêu cầu, rồi làm thủ tục nhận tiền và đưa tiền đến tận nhà cho khách hàng. Khách hàng chỉ việc ký nhận các chứng từ, và Lam sẽ hoàn thiện hồ sơ sau. Có trường hợp Lam đưa các chứng từ cho khách ký khống, sau đó Lam về tự làm thủ tục rút tiền và mang tiền cho khách; hoặc Lam dùng tiền cá nhân đưa cho khách hàng trước, rồi mới làm thủ tục rút tiền tại ngân hàng. Chính từ lòng tin thái quá của khách hàng, và sự tín nhiệm của Phòng giao dịch Đô Lương, Lam đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền gửi của khách.

Ngày 17/3/2016, Nguyễn Thị Lam đột ngột đề nghị chấm dứt hợp đồng lao động. Ngày 7/4/2016, ngân hàng Eximbank chấp thuận cho Lam chấm dứt hợp đồng lao động. Sau khi nghỉ việc, Lam lại nói với khách hàng “ruột” rằng mình đang đi học nghiệp vụ ở TP. Vinh, tương lai có thể lên làm lãnh đạo phòng. Bởi vậy, nhiều khách hàng “ruột” của Lam vẫn nghĩ Lam còn làm trong ngân hàng.

Cùng thời điểm này, Công an tỉnh Nghệ An nhận được một số thông tin tại chi nhánh ngân hàng Eximbank ở Đô Lương, thuộc chi nhánh TP. Vinh có biểu hiện lừa đảo chiếm đoạt tiền, sử dụng các thủ đoạn gian dối để rút tiền gửi của khách hàng.

Đại tá Nguyễn Xuân Thiêm, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế và quản lý chức vụ (CSKT&QLCV), Công an tỉnh Nghệ An cho biết: “Do cách làm việc cẩu thả, tùy tiện, Phòng giao dịch Đô Lương đã làm thất lạc nhiều giấy tờ, chứng từ như bảng kê lĩnh tiền. Thậm chí có những chứng từ mới chỉ ghi nội dung, không rõ số ngày, số tiền... Vì thế, các điều tra viên đã mất rất nhiều thời gian, công sức để điều tra vụ án”.

Quá trình điều tra, cơ quan công an đã nhận định đối tượng Nguyễn Thị Lam có nhiều biểu hiện nghi vấn, bất minh về kinh tế. Dù chỉ là một nhân viên ngân hàng bình thường, gia đình thuộc diện kinh tế trung bình, bố mẹ là công nhân nhưng Lam mua xe ô tô, ăn mặc sang trọng, dùng hàng hiệu, mua trang sức, có tiền đưa bố mẹ để sửa nhà.

Ban chuyên án xác định, từ năm 2012 - 2016, Nguyễn Thị Lam đã lợi dụng sự tín nhiệm của cấp trên và lòng tin của khách hàng để lừa dối họ ký các chứng từ khống: Lệnh chi, ủy nhiệm chi, bảng kê chi tiền... Có trường hợp Lam giả mạo chữ ký của khách hàng và nói dối với nhân viên ngân hàng là rút chuyển tiền cho khách hàng của Lam. Trong 4 năm đó, Nguyễn Thị Lam đã rút tổng số tiền gửi lên tới hơn 50 tỷ đồng của 6 khách hàng trong ngân hàng Eximbank. Nguyễn Thị Lam bị cơ quan điều tra bắt giữ để làm rõ hành vi phạm tội.

Họa đến từ niềm tin thái quá

Thượng tá Nguyễn Xuân Tùng, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh Nghệ An cho hay, Nguyễn Thị Lam đã thực hiện hành vi phạm tội từ năm 2012 bằng cách giả mạo chữ ký để rút tiền của khách hàng. Quá trình thực hiện hành vi phạm tội, Lam đã rút tiền của hầu hết khách hàng thân thiết, cũng là những khách hàng có tiềm lực kinh tế mạnh. Ban đầu, Lam rút 20 chỉ vàng của bà Lê Thị Dung (xã Đà Sơn, huyện Đô Lương). Lam dùng rất nhiều thủ đoạn để qua mặt khách hàng và Phòng giao dịch. Đến ngày khách hàng thanh toán, Lam vẫn tất toán đầy đủ bằng cách rút tiền của người này trả cho người kia. Với những khách hàng cẩn thận, không ký khống thì Lam làm văn bản, công văn thay đổi chữ ký của người đó và ký giả chữ ký đó. Đến khi rút tiền, cũng chính thị ký lại chữ ký đó. Bằng thủ đoạn này, Lam đã chiếm đoạt 8 tỷ đồng một cách “danh chính ngôn thuận”.

Từ sau vụ lừa đảo đầu tiên với 20 chỉ vàng, những vụ sau, số tiền Lam chiếm đoạt càng ngày càng lớn. Điển hình, Lam đã rút 5,9/6 tỷ đồng của bà Võ Thị Hương; 27,8 tỷ đồng của ông Nguyễn Tiến Nam; hơn 10 tỷ đồng của bà Nguyễn Thị Kiều Hương; 352 triệu đồng của bà Nguyễn Thị Thu Hà, đều ở thị trấn Đô Lương. Nguyễn Thị Lam còn giả mạo chữ ký của khách hàng Trương Đức Cầm, sinh năm 1976, đang sinh sống ở Tiệp Khắc để chiếm đoạt số tiền 500 triệu đồng.

Nguyễn Thị Lam khai nhận, đã dùng số tiền chiếm đoạt được vào những việc như: mua đất làm nhà xưởng, mua đất làm nhà riêng, làm nhà ở cho bố mẹ chồng, trả nợ... Đồng thời cho Nguyễn Trung Hiếu (được xác định là người tình của Nguyễn Thị Lam) ở TP. Vinh vay 12 tỷ đồng. Lam còn cho Phạm Thị Huyền Chi và Nguyễn Thị Mai ở TP. Vinh vay nóng lãi cao số tiền hơn 8 tỷ đồng nhưng hai đối tượng này thời điểm đó đã bỏ trốn. Lam cũng đầu tư chung với ông David Rodwell ở Malaysia gần 7 tỷ đồng thực hiện dự án khai thác dầu mỏ nhưng đã bị lừa nên mất trắng số tiền đó.
 

1
Đặng Đình Hồng


Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Thị Lam khai nhận, thị một mình thực hiện toàn bộ quá trình lừa đảo. Tuy nhiên, qua xác minh, cơ quan công an Nghệ An xác định, có sự liên quan của Giám đốc phòng giao dịch Đô Lương Đặng Đình Hồng (SN 1973) và các nhân viên khác của Phòng giao dịch. Đặng Đình Hồng đã không thực hiện đúng quy định rút tiền tiết kiệm mà tùy tiện làm theo đề xuất của Nguyễn Thị Lam nên bị khởi tố về tội trực tiếp kiểm soát 16 lệnh chi với số tiền 14,6 tỷ đồng và ký với tư cách thủ quỹ 2 lệnh số tiền 900 triệu đồng. Các nhân viên của Phòng giao dịch đã gián tiếp phục vụ hành vi phạm tội của Lam khi chỉ cần có các chứng từ rút tiền có chữ ký của khách hàng là làm thủ tục rút tiền, chuyển tiền bằng ủy nhiệm chi.

Đây là một trong những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản lớn nhất từ trước đến nay tại ngân hàng ở Nghệ An. Nguyễn Thị Lam bị khởi tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Đặng Đình Hồng cùng 10 nhân viên khác bị truy tố về tội “cố ý làm trái những quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”./.

 

Theo VOV

.