Kiểm tra tình hình thực hiện Luật Lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp

Thứ Hai, 11/09/2017, 14:18 [GMT+7]

Điện Biên TV - Sáng 11/9, Đoàn kiểm tra liên ngành tình hình thực hiện Luật Lý lịch tư pháp của Bộ Tư pháp do ông Ngô Ngọc Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia làm trưởng đoàn đã làm việc với Sở Tư pháp về thực tiễn thi hành Luật Lý lịch tư pháp từ ngày 1/7/2010 đến ngày 1/7/2017.

x
Ông Ngô Ngọc Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia phát biểu tại buổi làm việc

 

Thực hiện Luật Lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ cơ bản đáp ứng được yêu cầu của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; công tác xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, cấp phiếu lý lịch tư pháp đã được các cấp, các ngành quan tâm chú trọng thực hiện từ khâu cung cấp thông tin lý lịch cho Sở Tư pháp để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp bằng văn bản giấy và cơ sở dữ liệu điện tử đảm bảo đúng quy định.

Cụ thể, số lượng thông tin Sở Tư pháp tiếp nhận từ cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an, cơ quan Thi hành án dân sự và các cơ quan liên quan là 32.597 thông tin và số thông tin này đã được kiểm tra, phân loại, vào sổ tiếp nhận; số lượng cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho các Sở Tư pháp khác 2.254 thông tin (chiến 6,9%); số lượng bản lý lịch tư pháp được lập 7.190 bản; thông tin lý lịch tư pháp bổ sung 8.709 thông tin.

Đối với công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp, qua kết quả khảo sát của Sở Tư pháp đối với đối với cá nhân, tổ chức cho thấy đã đạt được sự hài lòng về thái độ phục vụ, rút ngắn thời gian trả kết quả và đảm bảo thời hạn chuyển hồ sơ đến tay người dân đúng hạn quy định trong công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp. Từ 1/7/2010 đến ngày 1/7/2017, tổng hồ sơ tiếp nhận cấp phiếu lý lịch tư pháp là 3.754 phiếu; trong đó trả trước thời hạn và đúng thời hạn là 2.809 phiếu (chiếm gần 75%); quá hạn là 945 phiếu (chiến hơn 25%).

Nguyên nhân cấp phiếu quá hạn là do những năm trước đây, cơ quan công an phải tra cứu nhiều nơi cư trú, mất nhiều thời gian tra cứu, xác minh đối với các trường hợp cấp phiếu lý lịch tư pháp cư trú ở nhiều nơi hoặc đã từng cư trú ở nước ngoài.

Để làm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Lý lịch tư pháp, các đại biểu đã tham gia thảo luận về công tác phối hợp giữa các ngành với Sở Tư pháp; ứng dụng công nghệ thông tin; cấp phiếu lý lịch tư pháp; tra cứu, xác minh thông tin; biên chế...

Tại buổi làm việc, Sở Tư pháp đã kiến nghị với Đoàn công tác một số vấn đề: Đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành cho phù hợp với thực tiễn hiện nay nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; Đề nghị các cơ quan Trung ương tăng cường, quan tâm, chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với cơ quan tư pháp trong việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp, việc xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích theo đúng quy định để cơ quan tư pháp xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, cấp phiếu lý lịch tư pháp được đảm bảo hiệu quả; Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật công nghệ thông tin để ứng dụng vào công tác tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp giữa các cơ quan có liên quan.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Ngô Ngọc Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia đã ghi nhận những kết quả mà Sở Tư pháp đã đạt được trong những năm qua; đồng thời tiếp thu và tổng hợp các ý kiến kiến nghị của Sở Tư pháp nhằm đề xuất các cơ quan thẩm quyền sớm có giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới./.

 

Diệp Xuân
 

.