Đề xuất nộp tiền để tại ngoại:Tránh tối đa việc lợi dụng để tiêu cực

Thứ Hai, 17/07/2017, 17:29 [GMT+7]

Cần có quy định cụ thể về đối tượng được áp dụng nộp tiền bảo lãnh cũng như trình tự thủ tục áp dụng, tránh tối đa việc lợi dụng để tiêu cực.
 
Đề xuất bị can được nộp 30-200 triệu đồng để tại ngoại vừa được liên Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, VKSNDTC và TANDTC đưa ra trong dự thảo thông tư liên tịch quy định chi tiết về trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã đặt để đảm bảo theo quy định tại Điều 122 Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đang thu hút sự quan tâm của dư luận những ngày qua.

Nộp tiền đảm bảo: quy định từ lâu nhưng hạn chế áp dụng

Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện KSND tối cao và TAND tối cao vừa hoàn thành dự thảo thông tư liên tịch quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã đặt để đảm bảo theo quy định tại điều 122 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.Theo nội dung dự thảo, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án sẽ quyết định mức tiền mà các bị can, bị cáo hoặc người thân của họ phải đặt để đảm bảo họ được tại ngoại tùy vào tính chất, mức phạm tội của từng người.

Cụ thể, điều 5 dự thảo quy định “mức tiền đặt để bảo đảm” sẽ không dưới: 30 triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 50 triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng, 200 triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng.

Giới chuyên môn cho rằng đây là vấn đề cần thiết cho nền tố tụng hình sự Việt Nam. Tuy nhiên nội dung của đề xuất này không phải là mới mà đã có cách đây khá lâu.

Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 1988 đã có quy định cho phép đặt tiền hoặc tài sản để đảm bảo tại Điều 76. Tuy nhiên việc nộp tiền hoặc tài sản để đảm bảo này mới chỉ cho phép áp dụng với các bị can, bị cáo là người nước ngoài.

Đến Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003, tại Điều 93 của luật này quy định căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập.

Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định về việc đặt tiền để bảo đảm. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, điểm đặc biệt là khi quy định cho phép đặt tiền hoặc tài sản để bảo đảm lại không quy định rõ về điều kiện, mức tiền, trình tự thủ tục, chế độ quản lý tiền, tài sản bảo đảm...

Năm 2013, Thông tư số 17 của liên bộ Tư pháp-Công an-Tài chính-VKSNDTC-TANDTC ra đời hướng dẫn việc thực hiện nộp tiền bảo lãnh, trong đó có nêu các điều kiện để áp dụng biện pháp đặt tiền bảo lãnh: Có căn cứ xác định, sau khi được tại ngoại, bị can, bị cáo sẽ có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng và không tiêu hủy, che giấu chứng cứ hoặc có hành vi khác cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên những điều kiện đặt ra cũng chưa thể coi là chặt chẽ khi căn cứ để xác định bị can, bị cáo sẽ có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng gần như chưa rõ ràng.
 

1
Luật sư Vũ Ngọc Chi (Ảnh: Đỗ Mến)


Qua thực tiễn tham gia hỗ trợ pháp lý trong các loại án hình sự, luật sư Vũ Ngọc Chi (Công ty luật Tam Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận thấy việc bảo lãnh bằng tiền là một biện pháp hữu ích, mang lại nhiều lợi ích cho nhà nước, cho công dân và hơn nữa thể hiện sự tiến bộ trong luật pháp. Nhưng đáng tiếc thời gian qua quy định này gần như chưa được thực hiện trong thực tế.

Luật sư Vũ Ngọc Chi cho rằng, việc các bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp đặt tiền bảo lãnh trong quá trình áp dụng có thể có những rủi ro nhất định, nhưng nếu không áp dụng thì sẽ không có những kế hoạch để lường tình huống, sẽ không có tiến bộ đột phá trong việc áp dụng pháp luật và sẽ không giảm được áp lực cho nhà nước khi phải quản lý, nuôi và chăm sóc phạm nhân trong khi gia đình họ có đủ khả năng và trước pháp luật họ có đủ điều kiện để được bảo lãnh.

Để quy định này được áp dụng một cách hiệu quả, luật sư Vũ Ngọc Chi cho rằng, cần nhìn trên nhiều góc độ và toàn diện hơn về hành vi phạm tội, diễn biến hành vi phạm tội, mục đích hành vi phạm tội, hoàn cảnh điều kiện phạm tội, nhân thân phạm tội, độ tuổi phạm tội chứ không đơn giản chỉ nhìn vào tội danh và mức hình phạt.

Khắc phục được tiêu cực, giảm án oan

Ở một góc nhìn khác, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Hãng luật Hưng Yên, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cũng ủng hộ những quy định trong dự thảo liên bộ mới đây về việc nộp tiền để bảo lãnh. Ông cho rằng, đặt cọc bằng tiền là chế định văn minh phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt khi điều tra, truy tố đối với một số vụ án ít nghiêm trọng, nghiêm trọng; khắc phục được tiêu cực, giảm án oan, sai, dẫn tới Nhà nước phải bồi thường.
 

1
Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Ảnh: Quỳnh Trần)


“Một chủ doanh nghiệp, người kinh doanh... bị bắt thì nguy cơ doanh nghiệp bị phá sản ảnh hưởng đến người lao động là khó khắc phục được, trong khi điều tra, truy tố kéo dài thì việc bắt giam sẽ có những hệ luỵ vô cùng nguy hiểm. Chưa kể, việc xét xử có thể người đó không có tội”, luật sư Quynh lấy ví dụ liên hệ.

Tuy nhiên, luật sư này đề nghị phải quy định cụ thể hơn chế định "bảo lãnh" đang rất "cảm tính" hiện nay thuộc thẩm quyền của người tiến hành tố tụng.

Theo luật sư Nguyễn Văn Quynh, các chuyên gia trong lĩnh vực hình sự đều nhận thấy điểm b, khoản 1, Điều 88 BLTTHS 2003 quy định rất "cảm tính" hay bị lạm dụng "bắt giam" dẫn tới “tiêu cực” trong hoạt động tư pháp bắt giam, tại ngoại đối với các hành vi thuộc tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng như trong các vụ án đánh bạc hay cố ý gây thương tích…

Luật sư Nguyễn Văn Quynh cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần phải lưu ý thêm về "đối tượng áp dụng" và trình tự thủ tục khi áp dụng, tránh việc "họp" câu giờ gây khó khăn cản trở trong việc "định giá tài sản" đặt cọc và ra quyết định áp dụng, tránh tối đa việc lợi dụng chế định này để tiêu cực, cũng như đảm bảo đúng pháp luật và công bằng cho các đối tượng.

“Thống nhất vẫn cần bắt giam trước nhằm ngăn chặn tiêu huỷ chứng cứ, bỏ trốn, nhưng đối với tài sản "đặt cọc" cần phải thuê định giá độc lập đảm bảo nhanh gọn, hợp lý. Dự thảo cũng cần phải cụ thể hoá ngoài tài sản thuộc sở hữu của bị can, bị cáo, thì chấp nhận cả tài sản của thân nhân người bảo lãnh cho bị can, bị cáo đặt cọc”, luật sư Quynh đề nghị./.

 

Theo VOV

.