Có nên xử phạt vượt đèn vàng như vượt đèn đỏ?

Thứ Bảy, 23/07/2016, 19:04 [GMT+7]

Mức độ vượt đèn vàng nhẹ hơn vượt đèn đỏ. Do đó, cơ quan chức năng khi ban hành Nghị định 46/2016 cần tính đến yếu tố thực tế này.
 
Nghị định 46/2016 có hiệu lực từ ngày 1/8 quy định tăng mức phạt lên 1,2 triệu – 2 triệu đồng cho ô tô và 300.000 - 400.000 đồng cho xe máy đối với người điều khiển xe không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.

Cũng theo Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm giao thông trong lĩnh vực đường bộ, khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt như vượt đèn đỏ.
 

1
Mức độ vượt đèn vàng khác so với vượt đèn đỏ (Ảnh minh họa)

 

Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long) khẳng định: Ở đây, rõ ràng mức độ vượt đèn vàng nhẹ hơn vượt đèn đỏ. Do đó, cơ quan chức năng khi ban hành Nghị định này cần tính đến yếu tố thực tế này.

“Về nguyên lý, những hành vi, mức độ vi phạm khác nhau thì mức xử lý là phải khác nhau. Tôi cho rằng cơ quan quản lý trong quá trình soạn thảo cần phải phải tính toán đến những yếu tố này” – ông Phạm Tất Thắng nói.

Trong khi đó, theo quy định tại điểm c, khoản 3, điều 10 Luật Giao thông đường bộ năm 2008: “Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường”.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP HCM) phân tích trên Người Lao động: Tín hiệu đèn vàng có tác dụng bổ trợ cho đèn đỏ và làm tiền đề để các phương tiện tham gia giao thông nhận biết, giảm tốc độ trước khi dừng hẳn ở đèn đỏ.

Ở nước ta, tín hiệu đèn vàng thường kéo dài từ 1-3 giây, có nơi 5 giây trước khi chuyển sang đèn đỏ. Như vậy, có 2 trường hợp đối với đèn vàng: một là người tham gia giao thông đã thấy tín hiệu đèn vàng thì phải dừng lại trước vạch dừng. Nếu vượt qua tín hiệu đèn vàng thì lúc này được xem là vượt đèn vàng, có thể bị xử phạt theo quy định mới.

Trường hợp thứ hai là vừa qua vạch dừng thì tín hiệu giao thông chuyển sang vàng, lúc này người điều khiển phương tiện giao thông được phép đi tiếp, không có sự vi phạm nào.

Việc phân biệt giữa 2 trường hợp này có hay không có sự vi phạm tưởng chừng dễ dàng nhưng trên thực tế, ranh giới giữa chúng rất mong manh. Các nhà làm luật đang có sự đánh đồng tín hiệu đèn vàng và đèn đỏ là một, dẫn tới việc áp dụng quy định này là không khả thi.

Một bạn đọc cho rằng, Nghị định 46/2016 quy định như thế này thì gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Dẫu biết đèn vàng là đèn báo thay đổi trạng thái từ đèn xanh sang đèn đỏ, nhưng người dân rất khó chứng minh mình không vượt đèn vàng, hoặc khi đi qua đèn vàng mới chuyển vì thông thường đèn vàng chỉ vài giây.

Một người phân tích: "Nếu người lái xe ở tốc độ 40km/h, khi đến cách trụ đèn khoảng 5m mà thấy đèn vàng bật sáng, thì không cách nào dừng xe trước vạch dừng được. Nếu đi tiếp thì bị lỗi vượt đèn vàng, nếu dừng gấp thì khả năng bị tông từ phía sau hoặc bị phạt lỗi dừng quá vạch"./.

 

Theo VOV
 

.