Phổ biến giáo dục pháp luật: Kết quả và những vấn đề cần quan tâm

Thứ Bảy, 09/11/2013, 10:07 [GMT+7]

Điện Biên TV - Xác định rõ phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh đã tăng cường chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần tạo chuyển biến căn bản về ý thức tôn trọng pháp luật và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Nhân Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11), phóng sự sau khái quát kết quả và những vấn đề cần quan tâm trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Điện Biên.

bcx
Việc tổ chức Hội thi Thanh niên với pháp luật nhằm nâng cao hiểu biết về pháp luật, tạo thói quen nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của tầng lớp thanh thiếu niên

Trong những năm qua, để đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của pháp luật trong đời sống xã hội, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh thường xuyên được kiện toàn, bổ sung; xây dựng quy chế hoạt động để phân công, phân nhiệm cụ thể, rõ ràng. Từ đó đã nâng cao vai trò trách nhiệm của từng thành viên Hội đồng trong việc tổ chức triển khai phổ biến các văn bản pháp luật ở các sở, ngành, đơn vị, đoàn thể, địa bàn mình phụ trách, đồng thời phối hợp với các đơn vị, địa phương để phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức và nhân dân. Các thành viên tích cực tham gia góp ý vào các đề án, chương trình, kế hoạch và tham gia các đoàn kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm nhằm nắm bắt tình hình, triển khai thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật ở các địa phương, đơn vị, chỉ rõ những ưu, nhược điểm, phổ biến các mô hình, các hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả cao để các đơn vị, địa phương rút kinh nghiệm, học tập. Các cấp uỷ Đảng đã nâng cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo chính quyền các cấp tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với nội dung phong phú, hình thức đa dạng, phương pháp phù hợp với từng địa bàn và nhóm đối tượng. Trên cơ sở kế hoạch hàng năm của tỉnh đã tiến hành xây dựng kế hoạch, chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật thiết thực ở các cấp, các ngành, các cơ quan, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu của từng thời điểm. Mỗi cán bộ, công chức đã xác định việc tìm hiểu, học tập pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên, là một trong những tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, công chức. Thông qua việc gương mẫu chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức mà thuyết phục, giáo dục, thành viên trong gia đình có ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật.

Việc kiện toàn, đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật các cấp và hoạt động của các cơ quan có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật đã được quan tâm. Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đối với văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực ngành nào, đơn vị nào thì ngành đó, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm chính về việc phổ biến và thực hiện văn bản pháp luật đó trong cán bộ, công chức của ngành mình, đồng thời có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp, các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh và chính quyền các cấp, triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân.

Ông Lê Đình Thu – Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: "Sở Tư pháp là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh thì trong thời gian qua đơn vị ý thức rất rõ vấn đề này. Trước hết, hàng năm đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó xác định rõ nội dung trọng tâm cần phổ biến, giáo dục pháp luật và trách nhiệm của các cấp, các ngành. Trên cơ sở kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm của UBND tỉnh, đơn vị cũng tham mưu xây dựng kế hoạch chi tiết cho Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh."

cx
Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ở nhiều nơi còn thiếu về số lượng, trình độ chuyên môn còn hạn chế và chưa đồng đều, nhất là ở cơ sở

Theo đánh giá của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức đoàn thể, Công an tỉnh, ngành Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan tư pháp đã chủ động và tích cực phối hợp với các cơ quan nhà nước thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đoàn viên, hội viên, cộng tác viên; tuyên truyền, giáo dục và có các biện pháp vận động nhằm nâng cao hiểu biết về pháp luật, tạo thói quen nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; biểu dương, nhân rộng gương người tốt, việc tốt; giám sát việc thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức. Các cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng và thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng các chuyên mục, chuyên trang về pháp luật với hình thức phong phú, sinh động bảo đảm tuyên truyền đúng đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Phổ biến kịp thời và đầy đủ các luật mới được thông qua đến cán bộ và nhân dân, nhất là những quy định pháp luật, chế độ, chính sách liên quan trực tiếp đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tăng cường đổi mới các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa pháp luật vào giảng dạy trong nhà trường. In ấn xuất bản các tài liệu phổ thông, hỏi đáp về pháp luật, phát huy hệ thống đài truyền thanh cơ sở, củng cố tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật thông qua các các phiên tòa xét xử lưu động, các câu lạc bộ pháp luật, hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hoà giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, hòa giải viên pháp luật, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ để đội ngũ này làm tốt nhiệm vụ. Với những kết quả đã đạt được trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức hiểu biết, ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân, góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, hiện nay số lượng văn bản pháp luật được ban hành ngày càng nhiều, với nội dung đa dạng phức tạp, điều chỉnh nhiều loại quan hệ của đời sống xã hội. Việc phổ biến, giáo dục pháp luật ở nhiều nơi vẫn còn mang tính phong trào, chưa đi sát vào những nội dung pháp luật mà người dân cần. Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật mặc dù đã được áp dụng khá đa dạng, phong phú song nhìn chung hiệu quả còn chưa cao. Hơn nữa, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật còn tản mạn, chưa đồng bộ, chưa có văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nên việc triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc xác định và phân công trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành trong việc phổ biến tuyên truyền. Vì vậy, dẫn đến cơ chế phối hợp và chịu trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác này còn nhiều bất cập, đôi khi có sự chồng chéo. Bên cạnh đó, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ở nhiều nơi còn thiếu về số lượng, trình độ chuyên môn còn hạn chế và chưa đồng đều, nhất là ở cơ sở. Kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc dành cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhìn chung còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác này, nhất là ở địa phương, cơ sở. Công tác pháp chế của tỉnh vẫn còn có những hạn chế, bất cập để đáp ứng với yêu cầu thực hiện công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật cũng như việc duy trì thực hiện pháp luật ở địa phương. Một số sở, ngành tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa kịp thời; nhiều lĩnh vực chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, gây khó khăn cho công tác quản lý điều hành. Việc rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và đề nghị sửa đổi bổ sung cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới ở một số cơ quan, đơn vị, lĩnh vực chưa được thực hiện thường xuyên, nề nếp. Đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế của tỉnh còn thiếu về số lượng, chất lượng hạn chế, chưa được đào tạo đúng chuyên ngành lại không ổn định, thường xuyên thay đổi do yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, dẫn đến kinh nghiệm trong công tác pháp chế còn hạn chế. Trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh đã và đang còn rất nhiều vấn đề cần quan tâm triển khai thực hiện.

Ông Lò Văn Tiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phổ biến công tác giáo dục pháp luật tỉnh cho biết: "Việc tổ chức Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh. Bởi vì, trong những năm qua, các cấp, các ngành và chính quyền các địa phương đã tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kết quả đã chấp hành tốt Chỉ thị 16 của UBND tỉnh và tổ chức tốt mô hình pháp luật trên địa bàn tỉnh. Phát huy những kết quả đạt được, để triển khai có hiệu quả Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam cũng như tiếp tục việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật trên địa bàn của tỉnh, tháng 10/2013 UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch chỉ đạo hết sức cụ thể, trong đó tập trung vào 3 nội dung chính: Tập trung tuyên truyền ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam, tuyên truyền ý nghĩa của Hiến pháp và các văn bản; tập trung chỉ đạo đối với các ngành chức năng trong việc tuyên truyền các văn bản pháp luật liên quan tới chức năng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là những văn bản liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhân dân; chỉ đạo việc tổng kết, đánh giá lại công tác triển khai thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam cũng như công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của tỉnh."

Năm 2013 là năm đầu tiên tổ chức thực hiện ngày pháp luật trong phạm vi toàn quốc và cũng là năm ghi nhận một số sự kiện rất quan trọng trong đời sống chính trị - pháp lý của đất nước, đó là việc toàn dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Hiến pháp (sửa đổi) của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế. Ngày pháp luật năm nay được tổ chức cùng với rất nhiều nội dung kế hoạch tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội của tỉnh, sẽ thực sự trở thành sự tiếp nối đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng nhằm phát huy ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong thực hành sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật./.

 

Nhâm Hòa - Duy Linh

.