Điện Biên: Kỳ vọng phát triển các sản phẩm OCOP

Thứ Bảy, 28/11/2020, 16:20 [GMT+7]

Điện Biên TV - Thực hiện Đề án Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020, định hướng 2030, tỉnh Điện Biên có 26 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, vượt 15 sản phẩm so với kế hoạch. Để các sản phẩm OCOP vươn xa trên thị trường, bên cạnh việc tham gia nhiều triển lãm, hội chợ, sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP, tỉnh Điện Biên đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP với tỉnh Quảng Ninh. Đây được kỳ vọng là giải pháp đưa các sản phẩm của Điện Biên vươn tới các thị trường lớn, tạo cơ hội thúc đẩy sản xuất phát triển bền vững.

Trong 26 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP năm 2019 của tỉnh Điện Biên có 2 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 24 sản phẩm đạt hạng 3 sao.

Trong số đó có 14 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 12 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống, như: Cà phê bột Hồng Kỳ, chè Shan tuyết Tủa Chùa, cà phê Mường Ảng, mật ong Điện Biên và các sản phẩm gạo Điện Biên…

Năm 2019, doanh thu từ sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm đạt gần 33 tỷ đồng, nhóm đồ uống đạt gần 13 tỷ đồng.

Dù đã vượt kế hoạch đề ra 15 sản phẩm, song một số sản phẩm OCOP của địa phương còn sản xuất mang tính thời vụ, số lượng ít; việc hình thành chuỗi từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều và việc áp dụng khoa học công nghệ trong chế biến, bảo quản sản phẩm còn hạn chế nên chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

1
Sản phẩm OCOP mật ong Điện Biên.

Xác định chất lượng các sản phẩm OCOP là yếu tố quan trọng xếp hạng các sản phẩm OCOP, tỉnh Điện Biên đã tập trung phát triển số lượng sản phẩm, nâng cao chất lượng, khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP.

Theo ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT Điện Biên: Điểm nhấn trong phát triển OCOP của tỉnh Điện Biên là xây dựng các sản phẩm nông nghiệp bền vững, gắn với phát triển NTM và từng bước hình thành chuỗi sản phẩm theo tính liên kết.

Tuy nhiên, cũng theo ông Bùi Minh Hải, hiện nay, trong 26 sản phẩm OCOP, chỉ có gạo Điện Biên và chè Tủa Chùa là hai sản phẩm có vùng nguyên liệu tương đối lớn và ổn định. Song, có thời điểm, các sản phẩm gạo chất lượng cao Điện Biên rơi vào tình trạng “cháy hàng”.

Bên cạnh vùng nguyên liệu lớn thì năng lực sản xuất của các doanh nghiệp có sản phẩm OCOP cũng phải đáp ứng được sản xuất lớn. Đây là bài toán để các chủ thể tham gia chương trình OCOP mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường.

1
Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún là rào cản trong phát triển các sản phẩm OCOP của Điện Biên.

Thực tế, phần lớn các doanh nghiệp, hợp tác xã có quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên khó có thể mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Cùng với đó, việc lựa chọn, phát triển các sản phẩm OCOP vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.

Nhiều sản phẩm đặc trưng, có thể phát triển nâng cấp thành sản phẩm OCOP nhưng việc sản xuất còn thủ công, chưa có bao bì, nhãn mác; nhiều sản phẩm chưa xây dựng thương hiệu, công bố chất lượng.

Để phát triển một nền nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, tỉnh Điện Biên đang thực hiện nhiều chương trình kết nối cung cầu hợp lý, hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm của tỉnh vươn xa ở các tỉnh thành trong cả nước.

Trong 2 năm 2019 và 2020, các sản phẩm OCOP của tỉnh Điện Biên đã tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm ở nhiều sự kiện, hội chợ tại một số tỉnh, thành như: Thái Nguyên, Nam Định, Hải Dương, Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Quảng Ninh và thành phố Huế.

Việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại đã và đang tạo chỗ đứng vững chắc cho các sản phẩm OCOP trên thị trường, qua đó, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân./.

 

Hoàng Út – Chí Công/DIENBIENTV.VN
 

.