Phát triển thương mại điện tử: Cần tạo lòng tin cho khách hàng

Thứ Năm, 17/10/2019, 06:48 [GMT+7]

Chỉ khi khách hàng cảm nhận được lợi ích và có lòng tin thì thương mại điện tử mới thực sự phát triển mạnh và bền vững.

Chiều 16/10, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Thúc đẩy thanh toán điện tử trên toàn quốc”.

Thời gian gần đây, xu hướng tiêu dùng không sử dụng tiền mặt tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, giải pháp quyết liệt cho vấn đề này, đặc biệt là Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020.

1
Tọa đàm “Thúc đẩy thanh toán điện tử trên toàn quốc”

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 02 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, trong đó dành hẳn một phần quan trọng cho việc đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.

Tuy nhiên, vấn đề phát triển thanh toán điện tử tại Việt Nam hiện nay vẫn còn khá nhiều rào cản.

Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam về thanh toán điện tử qua internet, điện thoại di động trong quý I năm 2019, số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh internet tăng lần lượt 68,8% và 13,4% so với cùng kỳ năm 2018. Số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động tăng 97,7% và 232,3 % so với cùng kỳ năm 2018.

Từ những con số trên, ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đánh giá, thị trường thanh toán điện tử tại Việt Nam đang phát triển mạnh và rất tiềm năng.

Mặc dù tăng trưởng đang thuộc top đầu thế giới, song theo ông Hải, tỷ lệ thanh toán điện tử ở Việt Nam vẫn rất thấp so với nhiều nước. Cùng với đó, các mảng phát triển không đồng đều, thương mại điện tử phần lớn vẫn sử dụng tiền mặt với hình thức COD, nhận hàng rồi thanh toán bằng tiền mặt.

Cùng quan điểm, ông Phạm Trung Kiên, Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel nhận định, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực thanh toán điện tử rất nhanh, nhưng vẫn “không ăn thua” so với thế giới. Hiện, tiền mặt vẫn chiếm tới 90% giao dịch tại Việt Nam. Đến thời điểm này mới chỉ có khoảng vài chục công ty hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Hầu hết số liệu giao dịch mới chỉ tập trung vào giao dịch cơ bản như: chuyển tiền, đóng tiền điện, tiền nước, tiền truyền hình cáp…

Đề cập đến xu hướng chung hiện nay của thế giới, ông Kiên cho biết, thanh toán bằng tài khoản viễn thông – Mobile Money đang là phương thức được dùng phổ biến tại nhiều quốc gia.
 

1
Để bước chân vào cuộc chơi "thanh toán bằng tài khoản viễn thông", doanh nghiệp sẽ phải chịu nhiều tốn kém. (Ảnh minh họa: KT)

Tại Việt Nam, tài khoản viễn thông có vùng phủ rất lớn, điều này phù hợp cho một quốc gia mà phần trăm dân số có tài khoản ngân hàng còn chiếm tỷ lệ khá thấp.

Ông Kiên khẳng định, với phương thức này, Việt Nam hoàn toàn có thể đẩy mạnh hơn nữa việc thanh toán điện tử trên phạm vi cả nước. Việc sử dụng tài khoản viễn thông khá tiện ích bởi nó hướng đến việc thanh toán các giá trị giao dịch rất nhỏ, từ cốc trà đá, vé gửi xe, cốc cà phê… Thời gian tới, nếu đề án Mobile Money được Chính phủ phê duyệt thì thị trường này sẽ bùng nổ rất mạnh.

Bên cạnh sự tiện lợi của phương thức thanh toán bằng tài khoản viễn thông, nhiều người lo ngại những rủi có thể tiềm ẩn, ông Kiên khẳng định, với kinh nghiệm gần 10 năm, doanh nghiệp của ông luôn làm chủ công nghệ và luôn có các giải pháp tối ưu để bảo vệ an toàn cho người dùng.

“Để có thể hòa nhập với xu thế chung của thế giới và thu hút nhiều khách hàng sử dụng, các doanh nghiệp cần tích cực truyền thông tới khách hàng, tạo hấp dẫn trải nghiệm cho họ bằng những ưu đãi, khuyến mại, để từ đó tạo thói quen sử dụng. Khi họ đã có thói quen rồi thì cần giúp họ trải nghiệm ở mức độ cao hơn, khi khách hàng đã cảm nhận được lợi ích và có lòng tin thì thương mại điện tử mới thực sự phát triển mạnh và bền vững”, ông Phạm Trung Kiên cho hay.

Trong khi đó, ông Phùng Anh Tuấn, Tổng thư kí Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) thì cho rằng, giao dịch bằng bất kỳ phương thức nào cũng có những rủi ro nhất định, chủ yếu do cơ chế giám sát.

Để thay đổi thói quen tiêu dùng tiền mặt ở Việt Nam, theo ông Tuấn, cần có những quy định để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển trong lĩnh vực này. Bởi khi “đặt chân” vào cuộc chơi lớn - thanh toán bằng tài khoản viễn thông, doanh nghiệp sẽ phải cần rất nhiều vốn và không phải doanh nghiệp nào có tiềm năng tài chính mạnh như “đại gia” Viettel./.

 

 

Theo Chung Thủy/VOV

.