Huyện Điện Biên đẩy mạnh phát triển sản xuất và tiêu thụ gạo

Thứ Hai, 19/08/2019, 17:22 [GMT+7]

Điện Biên TV - Huyện Điện Biên có cánh đồng Mường Thanh rộng lớn, khoảng 3.600ha rất thuận lợi để sản xuất lúa gạo. Vì vậy, trong những năm qua, huyện đã chủ động kêu gọi, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư vào phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng cánh đồng lớn, phấn đấu đến năm 2020 sản phẩm gạo của huyện đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 

Lợi thế của địa phương

Huyện Điện Biên có địa hình chia thành 2 vùng, trong đó vùng lòng chảo (12 xã) tương đối bằng phẳng, ít bị chia cắt, độ dốc nhỏ dưới 15 độ, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa ruộng; Vùng ngoài (13 xã) phân bố quanh vùng lòng chảo có địa hình núi cao chia cắt mạnh, xen giữa các dãy núi cao là các vùng đất bằng nhỏ hẹp hình thành các khu dân cư và vùng sản xuất nông nghiệp của nông dân.

Thêm vào đó, huyện Điện Biên số người trong độ tuổi lao động dồi dào với 71.569 người; Lao động trong lĩnh vực nông nghiệp có khoảng 40.234 người; Thu nhập bình quân của người dân nông thôn đến năm 2018 đạt trên 19 triệu đồng/người/năm, lương thực bình quân hàng năm đạt trên 790 kg/người/năm.

Ngoài lợi thế về địa hình, lao động, cấp ủy chính quyền trên địa bàn huyện ngày càng quan tâm, chú trọng đến phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa. Năng lực, trình độ, vai trò chỉ đạo sản xuất của các cơ quan chuyên môn, cán bộ xã, trưởng các thôn bản ngày càng được nâng cao, thống nhất phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện nhiều giải pháp như bố trí cơ cấu giống lúa, thời vụ hợp lý, chỉ đạo, đôn đốc gieo cấy tập trung, đảm bảo lúa trỗ vào thời điểm an toàn. Công tác dự tính, dự báo tiếp tục được củng cố và phát triển, các biện pháp phòng trừ sâu bệnh luôn được triển khai kịp thời.

v
Trên địa bàn huyện đã có 3 hợp tác xã, 2 doanh nghiệp tham gia đầu tư vào phát triển liên kết sản xuất, xây dựng cánh đồng lớn

Bên cạnh đó, nông dân trong huyện đã chú trọng hơn đến việc đầu tư thâm canh, tăng năng suất; Chủ động tiếp cận và mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các chính sách được đầu tư, hỗ trợ kịp thời tạo điều kiện thúc đẩy và nâng cao hiệu quả sản xuất. Hệ thống kênh mương thủy lợi được ưu tiên đầu tư, đảm bảo tưới tiêu chủ động phục vụ sản xuất; hệ thống đường giao thông nội đồng được quan tâm đầu tư.

Trên địa bàn huyện đã có một số doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kêt sản xuất, xây dựng cánh đồng lớn, đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, thu mua lúa gạo cho nông dân.

Kết nối tiêu thụ

Ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cho biết: Trên địa bàn huyện đã có 3 hợp tác xã, 2 doanh nghiệp tham gia đầu tư vào phát triển liên kết sản xuất, xây dựng cánh đồng lớn; Thực hiện ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho các hộ dân tham gia.

Tổng diện tích thực hiện hợp đồng liên kết khoảng 170ha, với trên 350 hộ dân tham gia. Điển hình là Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên đã thực hiện ký hợp đồng liên kết với tổng diện tích 130ha lúa với trên 230 hộ dân tham gia.

Việc các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện liên kết sản xuất đã góp phần nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất lúa gạo, giúp người sản xuất ổn định giá cả, không bị ép giá và bán được giá cao hơn so với thị trường từ 1.000 đồng/kg trở lên./.

 

Nguyễn Xuân/DIENBIENTV.VN

.