Lợi ích kép từ Chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Điện Biên

Thứ Bảy, 09/02/2019, 15:24 [GMT+7]

Điện Biên TV - Chi trả Dịch vụ Môi trường rừng (DVMTR) là một trong những nguồn tài chính quan trọng của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng. Sau 2 năm thực hiện thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng tại 2 tỉnh Sơn La và Lâm Đồng có hiệu quả, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/NĐ-CP về chính sách chi trả DVMTR có hiệu lực từ ngày 1/1/2011. Cũng từ đó, chính sách được áp dụng ở tỉnh Điện Biên và đã đem lại lợi ích kép cho địa phương nói chung, người dân nói riêng.

Sau 8 năm triển khai thực hiện Nghị định 99 của Chính phủ và sau 6 năm chính thức chi trả tiền DVMTR, đến nay cho thấy sự thay đổi lớn nhất ở tỉnh ta đó là: Ý thức, trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của người dân được nâng cao; số hộ tham gia trực tiếp bảo vệ rừng tăng dần hàng năm. Nếu như năm 2013, toàn tỉnh có gần 34 nghìn hộ tham gia thì đến nay đã lên đến hơn 40 nghìn hộ; đồng thời, huy động được một nguồn nhân lực lớn cho công tác tuần tra bảo vệ rừng một cách thường xuyên.

1
Trung bình mỗi năm, tiền chi trả Dịch vụ Môi trường rừng của tỉnh Điện Biên dao động trên dưới 100 tỷ đồng.


Anh Hồ A Dia - Người dân xã Huổi Lèng - Mường Chà cho biết: Bảo vệ rừng là có lợi cho cả dân và Nhà nước. Với lại bảo vệ được rừng thì có tiền chi trả DVMTR thì bà con có thể mua gạo, thức ăn. Vào mùa khô thì đi tuần tra xem có ai chặt phá hay không? nếu có mà phá nhiều mà tổ bảo vệ không giải quyết được thì báo với xã, với kiểm lâm để giải quyết cụ thể. Cái nữa là đi xem có cháy rừng không, nếu có thì phải làm đường băng cản lửa. Tổ bảo vệ rừng cứ tháng nào cũng đi tuần rừng,  trong tổ có 12 người thì chia ra thành 2 đội để đi.

Dù trước khi thực hiện chi trả DVMTR, tỉnh Điện Biên cũng đã nỗ lực bằng nhiều cách, tác động từ nhiều phía để người dân nhận thức rõ về lợi ích của rừng, từ đó có ý thức bảo vệ, phát triển rừng. Tuy nhiên trên thực tế nhiều người dân không thật sự mặn mà với rừng, nhất là trong việc trồng rừng. Đó cũng là lí do khiến cho bao năm qua, tỉnh ta luôn rơi vào tình trạng: Không hoàn thành kế hoạch trồng rừng hàng năm. Tình trạng đó đã được khắc phục và có sự thay đổi rõ rệt từ khi nguồn tiền của Chính sách chi trả DVMTR được chi trả đến tay các chủ rừng.
 
Nhờ thực hiện Chính sách Chi trả DVMTR nên công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở tỉnh ta những năm gần đây đã có hiệu quả rõ nét hơn. Diện tích rừng trồng được tăng dần qua các năm. Gần đây nhất là năm 2016, toàn tỉnh trồng được trên 1 nghìn 580 ha rừng, đạt hơn 400% kế hoạch năm và cao hơn 140% so với năm 2015.

Năm 2017, toàn tỉnh trồng được hơn 2.200 ha và năm 2018 trồng được gần 3 nghìn ha. Kết quả trồng rừng mới ở tỉnh ta còn thể hiện sự tích cực từ phía các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến xã. Nhất là với cấp xã đã quyết liệt chỉ đạo bà con trồng rừng để phủ xanh đất trống đồi trọc ở mỗi địa phương; đồng thời, trồng rừng mới đồng nghĩa với việc tăng diện tích được hưởng Dịch vụ Môi trường rừng và các lợi ích bền vững khác từ rừng.

1
Nhờ thực hiện Chính sách Chi trả DVMTR nên công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở tỉnh ta những năm gần đây đã có hiệu quả rõ nét hơn.


Ông Lò Văn Thoạn, Chủ tịch UBND xã Ẳng Tở - Mường Ảng cho biết: Chúng tôi cũng đã xây dựng kế hoạch cụ thể từng năm, những diện tích đồi trọc, diện tích nương bạc màu không sản xuất lúa nương được nữa thì tuyên truyền vận động bà con trồng rừng sản xuất. Phát triển rừng, gắn với phát triển kinh tế xã hội, nhằm xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người dân.

Không chỉ tích cực trong trồng rừng mới, việc bảo vệ diện tích rừng hiện có ở tỉnh ta cũng có nhiều chuyển biến tích cực; diện tích rừng bị lấn chiếm và bị đốt phá toàn tỉnh giảm hẳn so với trước. Nếu như năm 2016, toàn tỉnh bị thiệt hại hơn 1 nghìn ha rừng thì năm 2017, con số này giảm còn hơn 200 ha và đến năm 2018, số rừng bị thiệt hại toàn tỉnh chỉ chưa đầy 40 ha.

Nạn phá rừng thuyên giảm một phần là do người dân không còn phải "kiếm cơm" từ việc khai thác các sản phẩm từ rừng. Họ cũng không còn lâm vào cảnh túng thiếu mà bất chấp pháp luật để khai thác gỗ trái phép. Đặc biệt là nguồn chi trả Dịch vụ Môi trường rừng đã góp phần hạn chế được nạn phá rừng làm nương. Bởi từ nguồn kinh phí này, người dân có thêm điều kiện về vốn để đầu tư phát triển kinh tế hộ. Từ đó, bà con yên tâm lao động sản xuất để phát triển kinh tế ngoài rừng.
 
Bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả, người dân không chỉ có thêm thu nhập mà còn tạo được môi trường sinh thái, môi trường sống cho chính con người cân bằng và bền vững hơn. Mặt khác, khi rừng phát triển thì các loại lâm sản tự sinh sôi, phát triển, đem lại nhiều lợi ích cho người dân.

Lợi ích kép từ Chi trả Dịch vụ Môi trường rừng còn thể hiện ở việc: Góp phần quan trọng vào việc quản lý, khai thác hiệu quả, bền vững tài nguyên đất đai trong lâm nghiệp, phục vụ cho phát triển kinh tế của mỗi địa phương cũng như của đất nước. Góp phần cải thiện điều kiện sống, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn người trên địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh Điện Biên và thực hiện thành công chính sách giảm nghèo, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Chính sách chi trả Dịch vụ Môi trường rừng đã tạo nguồn tài chính góp phần đầu tư trực tiếp vào việc bảo vệ và phát triển rừng. Qua đó giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước và thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa nghề rừng. Đồng thời, Chính sách này của Chính phủ còn nâng cao nhận thức của người dân trong việc phát triển tài nguyên rừng, cải thiện môi trường sống, hạn chế các hành vi gây tổn hại đến rừng.

1
Chi trả Dịch vụ Môi trường rừng cho các chủ rừng ở huyện Nậm Pồ tỉnh Điện Biên


Bà Đặng Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc Phụ trách Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biêt: Khi có tiền từ DVMTR thì bà con mới thấy rõ được lợi ích của việc bảo vệ rừng, từ đó hạn chế phá rừng, đồng thời có thêm điều kiện để phát triển kinh tế ngoài rừng. Để nguồn kinh phí này phát huy được hiệu quả, chúng tôi cũng kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn bà con sử dụng vào những việc hợp lý ngoài việc đầu tư cho bảo vệ và trồng rừng.

Trong số gần 370 ha rừng hiện có của tỉnh thì, đã có đến gần 320 ha rừng được chi trả tiền Dịch vụ Môi trường rừng. Các diện tích được chi trả đều nằm trong lưu vực các sông, suối như: Sông Đà, sông Mã; Nậm Rốm; suối Nậm Cản, Nậm Hua, Pu Ca và suối Nậm Khẩu Hu. Tùy thuộc vào khu vực mà mức chi trả khác nhau theo quy định của Chính sách. Trung bình mỗi năm, tiền chi trả Dịch vụ Môi trường rừng của tỉnh Điện Biên dao động trên dưới 100 tỷ đồng.

Cùng với việc hướng dẫn người dân sử dụng tiền chi trả Dịch vụ Môi trường rừng đúng mục đích, đem lại hiệu quả tích cực, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành đảm bảo thu đúng, thu đủ tiền DVMTR. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách chi trả Dịch vụ Môi trường rừng, để mọi hoạt động thực hiện Chính sách này của Nhà nước đảm bảo đúng, đủ và kịp thời, để Điện Biên có nhiều hơn nữa màu xanh của những cánh rừng./.
 

 

Lê Dung - Minh Tuấn/DIENBIENTV.VN

.