Cà phê Điện Biên giá trị đến từ chất lượng

Thứ Bảy, 19/01/2019, 16:05 [GMT+7]

 Điện Biên TV - Tỉnh Điện Biên có khí hậu lạnh do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc cùng lượng mưa lớn, mùa khô không rõ rệt, với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi, vùng đất Mường Ảng nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung phù hợp cho cây cà phê sinh trưởng, phát triển. Đến nay, cây cà phê dần khẳng định vị trí là cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói giảm nghèo, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông dân trong tỉnh; đồng thời, tạo ra sản phẩm có giá trị xuất khẩu, góp phần quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Với mong muốn tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo từ vùng nguyên liệu tới quy trình thu hái, chế biến và đóng gói, ông Phạm Mạnh Hùng ở tổ dân phố 1, Thị trấn Mường Ảng đã lựa chọn cách làm khác với nhiều hộ trong vùng. Đó là trồng cà phê dưới tán xạ, không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu. Cà phê là cây ưa bóng mát, do vậy vườn cà phê của gia đình ông trồng thêm các loại cây lớn để che phủ và điều hòa khí hậu.

Để giúp cho môi trường đất sạch, ông không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ hay phân bón hóa học; thay vào đó, cây chỉ được bón duy nhất loại phân được ủ từ vỏ của quả cà phê. Trong chuỗi công đoạn chế biến, theo ông Hùng, khâu rang hạt là khó khăn nhất. Cà phê có chất chống oxy hóa, tốt cho sức khỏe, nhưng nếu kỹ thuật rang không đảm bảo thì cà phê dễ bị cháy, khiến chất này bị mất đi. Việc rang cà phê đúng kỹ thuật giúp kiểm soát hàm lượng đường, chất béo, mùi hương cũng như lưu giữ được hợp chất có lợi.

1
Cây cà phê dần khẳng định vị trí là cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói giảm nghèo, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông dân huyện Mường Ảng. ảnh KT

 

Cà phê rang đạt chuẩn là khi hạt chuyển màu vàng cánh gián, trong và ngoài đồng đều giống nhau, không có các vết đen. Khi nguội, người thợ đổ hạt vào trong chum và ủ trong 30 ngày để ổn định mùi hương. Kết thúc quá trình ủ, nguyên liệu được lấy ra để rang xay và đóng gói. Nhờ kỹ thuật rang xay đạt chuẩn, không đấu trộn hay tẩm ướp phụ gia để tạo hương vị mà sản phẩm cà phê Mường Ảng của ông có đặc điểm khô tơi, màu cánh gián đồng nhất, là tổng hòa của vị ngọt, đắng dịu, chát, thơm nguyên bản. Và để làm được điều này thì một điều kiên quyết là khi thu hái, chỉ những quả cà phê chín hồng đào, đạt yêu cầu tiêu chuẩn mới được sử dụng.

Cà phê đạt tiêu chuẩn hái chọn trong vườn tiếp tục được sàng lọc thêm một lần nữa rồi mới đưa phơi, ngâm ủ lên men và cho ra cà phê thóc. Không như các hộ trồng cà phê khác, ông Hùng đã đầu tư làm nhà kính, lắp đặt hệ thống quạt gió để phơi cà phê. Giải pháp này đã làm giảm đáng kể chi phí cho nhiên liệu sấy cà phê, làm cà phê mau khô hơn, tiết kiệm được diện tích sân phơi, đồng thời tăng chất lượng cà phê chế biến.
 
Xác định Cà phê là cây trồng chủ lực, gắn với vấn đề giải quyết việc làm, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn, Huyện Mường Ảng đã đưa ra các giải pháp cụ thể như: Tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân giữ vững diện tích cây trồng hiện có và tích cực chăm sóc phục hồi 800ha vườn cà phê kém chất lượng; hướng dẫn người dân xây dựng quy trình sản xuất cà phê sạch, từ khâu chọn giống, trồng, chăm sóc đến thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm; chuyển giao kỹ thuật cho người sản xuất cà phê; vận động người làm cà phê chỉ thu hái quả chín từ 95% trở lên, không hái quả xanh đề đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến cà phê theo công nghệ tiên tiến.

Bên cạnh đó Chính quyền huyện cũng đã kiến nghị với UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ cho người trồng cà phê, nhân tố quyết định đến việc duy trì và mở rộng diện tích vườn cà phê thay vì chỉ hỗ các hoạt động chế biến, sản xuất; xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Cùng với đó với quyết tâm phát triển vùng cà phê bền vững, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tiêu chuẩn chất lượng và lợi ích của việc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng để tạo ra sản phẩm cà phê sạch, giúp người dân hiểu và thực hiện nghiêm túc; đồng thời, tăng cường quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm; tích cực nghiên cứu lai tạo, chọn lọc những giống cà phê có sức kháng bệnh, năng suất, chất lượng cao để đưa vào sản xuất đại trà, góp phần phát triển vùng cà phê bền vững.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó bí thư TT huyện uỷ, Phó chủ tịch HĐND huyện Mường Ảng cho biết: Về chủ trương và định hướng phát triển cà phê trong những năm tới, huyện vẫn xác định cà phê là cây thế mạnh chủ đạo phát triển kinh tế xã hội và xoá đói giảm nghèo.

Huyện sẽ tập trung vào phát triể cà phê bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng thương hiệu, quan tâm chế biến sâu, tìm thị trường đàu ra ỏn định, duy trì và chăm sóc tốt diện tích cà phê hiện có, mở rộng diện tích và trên cơ sở quy hoạch, phát triển bền vững, đảm bảo theo tiêu chuẩn 4c, đẩy mạnh kêu gọi thu hút đầu tư, nhà máy chế biến để cây cà phê Mường Ảng thực sự là cây thế mạnh của huyện, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội của huyện mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khoá XX đã xác định.

1
Huyện Mường Ảng xác định cà phê là cây thế mạnh chủ đạo phát triển kinh tế xã hội và xoá đói giảm nghèo. ảnh KT


Với mục tiêu là tạo ra sản phẩm cà phê có chất lượng sạch, thân thiện với môi trường, có hiệu quả kinh tế và thị trường tiêu thụ ổn định, huyện Mường Ảng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để lựa chọn một số giống cà phê chè Arabica có ưu thế, phù hợp như TN1, TN2 và giống Catimor; trong đó các giống lai TN1 và TN2 được lai tạo giữa giống cà phê chè Catimor với loại cà phê chè có nguồn gốc hoang dại từ Etiopia (Bắc Phi) do Viện Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên thực hiện cho thấy loại cây này sinh trưởng khỏe, phân nhiều cành, đạt năng suất từ 4-5 tấn cà phê nhân/ha, kích cỡ hạt có trọng lượng 100 nhân/15-17g, không bị bệnh rỉ sắt.

Ngoài ra, huyện tăng cường công tác tuyên truyền về tiêu chuẩn chất lượng và lợi ích của việc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng như TCVN 4193:2005, UTZ, 4C, VietGAP... tạo ra sản phẩm cà phê sạch, để người dân hiểu và thực hiện nghiêm túc, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước về quản lý chất lượng sản phẩm.

Nghiên cứu lai tạo, chọn lọc những giống cà phê có sức kháng bệnh, có năng suất, chất lượng cao để đưa vào sản xuất đại trà; xem xét, nghiên cứu đưa các loại cà phê giống tốt từ nước ngoài về trồng thử nghiệm; tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy trình sản xuất cà phê sạch, chuyển giao kỹ thuật cho người sản xuất cà phê, khuyến khích và hỗ trợ người trồng cà phê sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm, đúng quy trình trong chăm sóc cây cà phê.

Ông Nguyễn Trọng Kính, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Điện Biên cho biết: Cây cà phê được mệnh danh là cây của người giầu, chính vì vậy mà những hộ kinh doanh, sản xuất cà phê, phần lớn là những hộ có điều kiện về mặt kinh tế và có trình độ trong canh tác, chính vì vây việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật được họ lựa chon rất kỹ qua các giai đoan sinh trưởng, phát triển của cây trồng cũng như sử dụng trên các đối tượng dịch hại khác nhau.

Đối với thuốc bảo vệ thực vật thì hiện nay ở Mường Ảng cũng có các đại lý kinh doanh chính thống và được cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh và các hộ trồng cà phê thường mua thuốc ở các địa điểm này cho lên cũng đảm bảo về mặt nguồn gốc cũng như chất lượng của thuốc.

Tận dụng lợi thế về địa hình và khí hậu, những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các địa phương trong vùng quy hoạch trồng cà phê xây dựng hệ thống sản xuất, cung ứng giống tại chỗ, khuyến khích thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển cà phê; đồng thời, cùng với chính sách của Trung ương, tỉnh cũng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất, phát triển cà phê theo hướng bền vững.

Tuy nhiên, việc sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, như: Canh tác cà phê còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, địa hình phức tạp gây khó khăn trong việc áp dụng các quy trình kỹ thuật, xây dựng địa bàn sản xuất tập trung mang tính bền vững; mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, kiểm soát chất lượng và thương mại còn nhiều hạn chế; chưa hình thành được mối liên kết trong phát triển vùng nguyên liệu; hoạt động thu mua, sơ chế sản phẩm chủ yếu còn nhỏ lẻ, việc phơi sấy còn thủ công.

Đặc biệt, chưa có nhà máy chế biến các sản phẩm từ cà phê có quy mô lớn, thân thiện với môi trường, việc tiêu thụ sản phẩm thiếu tính bền vững và phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu, sản phẩm chủ yếu xuất hạt thô, tỷ lệ tiêu thụ tại địa phương và trong nước không đáng kể. Nhằm từng bước khắc phục những bất cập và bảo đảm về chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, tỉnh ta đang tập trung thực hiện các giải pháp phát triển cà phê theo hướng bền vững.

1
Cafe Mường Ảng đang dần khẳng định vị trí trên thị trường. ảnh KT

 

Quy hoạch những diện tích cà phê  lâu năm theo hướng sản xuất tập trung; thực hiện tái canh cây cà phê, áp dụng tiến bộ khoa học vào quá trình trồng, chăm sóc nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cà phê. Tập trung kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cà phê cho người dân, tiến tới xây dựng thương hiệu cà phê Điện Biên nói chung và cà phê Mường Ảng nói riêng.

Tăng cường tìm kiếm thị trường thông qua việc tổ chức, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm hàng hóa thương hiệu cà phê. Tập trung các nguồn lực đầu tư để phát triển xây dựng hình thành vùng sản xuất cà phê tập trung, chuyên canh theo phương án cánh đồng lớn tuân thủ các tiêu chuẩn, nguyên tắc 4C, UTZ, VietGap... để đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm phục vụ xuất khẩu. Tiếp tục kế thừa và thực hiện tốt về liên kết “4 nhà”, “5 nhà” để bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
 
Sở dĩ, cà phê Điện Biên nói chung và cà phê Mường Ảng nói riêng có được hương vị và chất lượng riêng biệt một phần là nhờ địa hình, đất đai, khí hậu của khu vực địa lý thích hợp với giống cà phê Arabica. Cùng với đó, kinh nghiệm được tích lũy lâu đời của những người dân địa phương từ khâu chọn giống, chọn đất trồng đến quá trình chăm sóc, thu hoạch cũng làm tăng chất lượng của cà phê.

Về chế biến, tất cả cà phê trên địa bàn tỉnh được chế biến bằng phương pháp chế biến ướt giúp đảm bảo phẩm chất nội tại của hạt cà phê, cho ra sản phẩm cà phê nhân có màu sắc và chất lượng đồng nhất nên cà phê luôn có chất lượng tốt và giá trị thương mại cao. Ngoài ra, người dân còn chủ động đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng, đưa sản phẩm cà phê Điện Biên phát triển một cách bền vững và ngày càng được nhiều người ưa chuộng./.

 

 

 

Tuấn Trung/DIENBIENTV.VN

.