Điện Biên

Nông dân Điện Biên thời hội nhập

Thứ Bảy, 22/12/2018, 01:08 [GMT+7]

Điện Biên TV - Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các cấp hội nông dân xác định cần phải có những người nông dân “mới”, đáp ứng tốt cho công cuộc CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Không nằm ngoài xu thế tất yếu đó, thời gian qua, bà con nông dân ở tỉnh ta đã mạnh dạn đầu tư cho sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế. Chính sự năng động và sáng tạo đang giúp cho ngày càng nhiều nông dân có cuộc sống sung túc ngay trên những vùng đất còn nhiều khó khăn.

Hình mẫu người nông dân “mới” được xây dựng dựa trên cơ sở thực tiễn phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, giải pháp của Chính phủ, góp phần thực hiện quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Hình mẫu người nông dân trong thời kỳ CNH, HĐH sẽ có 5 cái mới, đó là: Tư duy mới, nhận thức mới, kiến thức mới, đời sống văn hóa mới và quyết tâm mới. Khi hội đủ những cái mới này sẽ mang lại cho người nông dân nguồn thu nhập mới.

Xác định được điều đó, thời gian qua, Hội nông dân tỉnh đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân phát huy nội lực, tích cực học tập, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi các mô hình kinh tế nhỏ lẻ, manh mún sang các mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển các loại hình kinh doanh tổng hợp, dịch vụ, chế biến, ngành nghề truyền thống.

Chị Hoàng Thị Hiên, Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Safe Green, Ðội 5, xã Thanh An (huyện Ðiện Biên) đã tiên phong trong áp dụng công nghệ cao vào sản xuất và hợp tác với nông dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn theo chuỗi ở Ðiện Biên

 

Cùng với đó là đẩy mạnh việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hiệu quả các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Gắn công tác tuyên truyền, vận động với các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề và hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập; hướng dẫn nông dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể, liên kết hợp tác trong phát triển kinh tế...

Vận động hội viên mạnh dạn chuyển đổi các loại cây cho giá trị kinh tế thấp sang trồng các loại cây phù hợp cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường...Tính đến năm 2018, toàn tỉnh có 7225 hộ đăng ký danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Thông qua phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, ở hầu hết các địa phương đều đã xuất hiện những nhân tố điển hình tiên tiến, minh chứng sinh động cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của giai cấp nông dân Việt Nam.
 
Gia đình bà Đỗ Thị Lành, thôn Hợp Thành, xã Núa Ngam là người đầu tiên lựa chọn làm giầu từ chăn nuôi lợn chất lượng cao bằng quy trình và công nghệ Thái Lan. Đây là phương thức chăn nuôi hoàn toàn mới, chưa từng có tiền lệ tại Điện Biên. Với quy mô 4 dãy chuồng và hơn 3 nghìn con lợn thịt, mạnh dạn tiên phong áp dụng kỹ thuật mới vào chăn nuôi, thành quả đã đến với gia đình bà Lành ngay từ lứa lợn đầu tiên.

Dù có những thời điểm giá lợn hơi biến động theo chiều hướng xấu, nhiều hộ chăn nuôi rơi vào tình trạng điêu đứng, thì mỗi lứa lợn xuất chuồng, gia đình bà Lành vẫn thu lãi hàng trăm triệu đồng. Từ kết quả đạt được, thời gian tới, trang trại này sẽ tiếp tục được mở rộng quy mô lên tới 5 nghìn con mỗi năm. Mô hình này đang mở ra hướng chăn nuôi mới theo theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch ở Điện Biên.

Đây là vườn bưởi của gia đình ông Hoàng Thái Sơn ở Đội C17C, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên. Chỉ với diện tích hơn 7 nghìn mét vuông, ông Sơn dành riêng khoảng 3 nghìn mét vuông đất để trồng bưởi da xanh và bưởi Thanh Hà. Diện tích còn lại được trồng các loại cây ăn quả gồm: nhãn, na, táo, ổi... Hiện tại, 30 gốc bưởi da xanh đã cho năng suất ổn định. Mỗi vụ - một cây sẽ có trung bình 50 quả.

Giá bán dao động từ 100 – 170 nghìn đồng 1 quả tùy thuộc vào trọng lượng, chỉ tính riêng cây bưởi da xanh đã mang lại cho gia đình ông Sơn thu nhập hàng năm sau khi đã trừ chi phí trên 100 triệu đồng. Tuy nguồn thu hiện vẫn còn khiêm tốn, nhưng ngoài những cây đang cho thu hoạch, ông Sơn hiện đã trồng thêm được 50 gốc bưởi da xanh khác. Chỉ 3 năm nữa, khi lứa cây này đơm hoa, kết trái thì chắc chắn hiệu quả kinh tế cũng sẽ tăng lên tương ứng.

Tại xã Nậm Khăn, huyện Nậm Pồ để giải bài toán giảm nghèo nhanh và bền vững, cấp ủy, chính quyền ở đây xác định hướng phát triển kinh tế chính sẽ chủ yếu dựa vào rừng. Vì vậy, muốn phát triển kinh tế dựa vào rừng thì phải bảo vệ rừng thật tốt và tận dụng tối đa những nơi có điều kiện mở rộng diện tích ruộng nước.

Chỉ tính riêng 4 năm gần đây, xã Nậm Khăn đã khai hoang, mở rộng thêm 10 ha ruộng nước có thể sản xuất lúa hai vụ. Trong đó, gia đình bà Lường Thị Thắm là một trong những hộ tiêu biểu. Với hướng đi khá táo bạo nhưng hợp lý, gia đình bà Thắm đã bỏ hẳn canh tác nương rẫy chuyển sang sản xuất lúa nước; kết hợp với đó là phát triển chăn nuôi, gia tăng số lượng đàn gia súc, gia cầm và đào ao thả cá... để nâng cao thu nhập.
 
Ý chí và quyết tâm làm giàu giờ đây không chỉ có ở người lớn tuổi, giờ đây hiệu ứng của “Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” đã lan tỏa mạnh mẽ đến cả những người trẻ. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông tại xã Búng Lao, huyện Mường Ảng. Hoàn cảnh gia cảnh khó khăn đã tôi luyện thêm nghị lực và sự quyết tâm vượt khó, làm giàu của chàng thanh niên mang tên Bạc Cầm Sáng.

Ngay từ khi tốt nghiệp THPT, anh Sáng dành rất nhiều thời gian đi tìm hiểu thực tế để lựa chọn cách thoát nghèo cho gia đình. Vài năm trở lại đây, anh luôn duy trì diện tích 4.000m2 trồng mía, 2.000 m2 ao nuôi cá và 6ha trồng cà phê. Riêng đối với diện tích cà phê được anh Sáng trồng xen chuối và cây ăn quả để nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhờ sự chịu thương, chịu khó, ham học hỏi và có cách làm khoa học, bước đầu, mô hinh trang trại tổng hợp của anh Sáng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm sau, khi đã trừ mọi chi phí.
 
Cũng xuất thân từ một gia đình thuần nông như anh Sáng, Anh Lường Văn Huỳnh, bản Xuân Tre, xã Búng Lao thường chỉ cùng bố mẹ tập trung sản xuất nương rẫy, nên thu nhập không cao. Sau khi lập gia đình, bằng nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện 30 triệu đồng, anh mạnh dạn chuyển sang phát triển mô hình chăn nuôi lợn thịt. Sau gần 3 năm đầu tư công sức, đến nay, mô hình của anh Huỳnh đã và đang duy trì với quy mô đàn lợn mỗi lứa từ 30 đến 40 con.
 
Trong những năm gần đây, thấy hiệu quả kinh tế từ cây dứa đem lại hơn hẳn so với những cây trồng khác, người dân huyện Mường Chà không ngừng mở rộng diện tích trồng loại cây hoàn toàn mới mẻ này. Với khí hậu thổ nhưỡng tương đối phù hợp, dứa Mường Chà có vị ngọt đậm, chắc quả, được thị trường ưa chuộng.

1
Huyện Mường Chà hiện đã lên tới gần 200 ha diện tích trồng dứa

 

Từ vài ha ban đầu, diện tích trồng dứa ở huyện Mường Chà hiện đã lên tới gần 200 ha. Sau nhiều năm gắn bó với cây ngô, cây lúa nương mà cuộc sống không khá lên được, ông Giàng Seo Hồ ở bản Na Sang, xã Na Sang quyết định lên huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai mua 1 vạn cây dứa giống về trồng. Với việc sử dụng đúng các biện pháp kỹ thuật trong quá trình trồng và chăm sóc, cây dứa đã không phụ công người. Từ 5000 m2 ban đầu, đến nay diện tích dứa của gia đình được mở rộng lên 2ha. Mỗi một vụ thu hoạch đem lại thu nhập cho gia đình 140 triệu đồng.
 
Nhiều năm trở lại đây, những người nông dân ở xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé đều biết đến ông Khoàng Văn Phánh là người chuyển đổi thành công mô hình trồng giống cam cũ của địa phương sang trồng cây cam Vinh. Với gần 200 gốc cam hơn 4 năm tuổi, mỗi năm trừ hết chi phí gia đình ông cũng thu về hơn 150 triệu đồng.

So với nhiều địa phương có điều kiện thuận lợi thì mức thu nhập này còn khiêm tốn, nhưng đối với địa bàn huyện biên giới và khó khăn như huyện Mường Nhé thì đây đã được coi là kỳ tích. Bắt đầu tham gia mô hình trồng cam Vinh do Hội Nông dân huyện, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trạm bảo vệ thực vật huyện triển khai từ năm 2013, nhờ áp dụng đúng cách chăm sóc và phòng bệnh, ông Khoàng Văn Phánh đã chứng minh cho mọi người thấy: Cây cam Vinh hoàn toàn có khả năng thích nghi cao với điều kiện khí hậu của địa phương.

1
Cây cam Vinh hoàn toàn có khả năng thích nghi cao với điều kiện khí hậu trên địa bàn tỉnh Điện Biên

 
Một trong những điển hình trong phát triển kinh tế theo hướng trang trại của nông dân huyện Tủa Chùa những năm gần đây là mô hình của gia đình chị Giàng Thị Vang, thôn Từ Ngài 1, xã Mường Báng. Trên diện tích gần 4ha đất đồi, rừng được gia đình chị Vang xây dựng thành mô hình trang trại tổng hợp. Trong đó điểm nhấn chính của mô hình này là chăn nuôi trâu, bò tập trung. Luôn duy trì sự phát triển ổn định của đàn trâu, bò trên 30 con và hơn 10 con lợn thịt, mô hình trang trại của chị Vang hiện đang cho hiệu quả kinh tế nổi trội so với những người dân trong khu vực.
 
Chị Giàng Thị Vang, Thôn Từ Ngài 1, xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa cho biết: Trước đây gia đình chỉ làm nương cuộc gặp rất nhiều khó khăn, muốn chăn nuôi thì không có vốn, đến năm 2008 được sự quan tâm của Hội nông dân huyện, nông dân xã tạo điều kiện cho gia đình tôi vay vốn, gia đình mua một con bò sinh sản để nuôi, qua từng năm bò phát triển tốt cùng đồng vốn tích lũy được gia đình mua thêm trâu. Gần 10 năm chăn nuôi gia đình đã phát triển được đàn bò và trâu trên 30 con, 2 năm nay mỗi năm gia đình bán 2 đến 3 con, đến nay đời sống gia đình đã khá hơn trước nhiều.

Có thể thấy, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" được lan tỏa mạnh mẽ và sâu rộng. Những điển hình tiên tiến xuất hiện từ các phong trào thi đua do Hội nông dân phát động chính là những tấm gương sáng của tinh thần bền bỉ vượt khó, không cam chịu đói nghèo, quyết chí làm giàu chính đáng cho chính mình và giúp đỡ người khác cùng vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Sự phát huy mạnh mẽ tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của những người nông dân đang góp phần quan trọng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, ổn định tình hình chính trị ở nông thôn, từng bước xây dựng nông thôn mới ở tỉnh ta hiện nay./.
 

 

Ngọc Thượng/DIENBIENTV.VN

.