Điện Biên

Nguồn vốn xây dựng cơ bản giải ngân chậm

Thứ Bảy, 29/12/2018, 09:56 [GMT+7]

Điện Biên TV - Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các ngành, địa phương nhằm giải ngân nguồn vốn xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, vì nhiều lý do cả khách quan lẫn chủ quan nên trên thực tế, các nguồn vốn xây dựng cơ bản vẫn chậm được giải ngân. Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, chậm giải ngân không chỉ gây lãng phí vốn mà còn ảnh hưởng đến tiến độ tăng trưởng kinh tế, dẫn đến thu ngân sách đạt thấp.

1
Nguồn vốn xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Điện Biên giải ngân còn chậm


Những nguyên nhân khiến việc giải ngân chậm xuất phát từ những yếu kém cố hữu trong quản lý xây dựng cơ bản như: Chậm trễ trong thực hiện các thủ tục đầu tư; vướng mắc trong giải phóng mặt bằng các dự án; tiến độ thi công chưa đảm bảo kế hoạch; chậm hoàn thiện hồ sơ thanh toán vốn; công tác chuẩn bị đầu tư còn mất nhiều thời gian.

Thời gian từ khi triển khai lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu đến tổ chức thi công, thanh, quyết toán do chủ đầu tư còn lúng túng, thiếu chủ động trong việc thực hiện theo trình tự quy định.

Một nguyên nhân khác dẫn đến việc giải ngân chậm là các chủ đầu tư không chủ động được nguồn vốn cho đầu tư công trình mới, mà phải đợi tỉnh phân bổ theo kế hoạch. Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách cấp xã, do các xã làm chủ đầu tư, UBND cấp xã phải thực hiện uỷ thác, ký hợp đồng quản lý dự án cho ban quản lý dự án để quản lý thực hiện. Điều này phần nào đã quản lý tốt chất lượng, tiến độ các dự án đầu tư xây dựng tại các địa phương.

Tuy nhiên, thực tế triển khai đang gặp một số khó khăn vướng mắc, do quy mô các dự án này thường nhỏ nhưng số lượng lại rất nhiều. Trong khi đó, các thủ tục liên quan đến quản lý dự án, công trình vẫn phải thực hiện đúng các bước theo quy định, nhưng đội ngũ cán bộ của các ban quản lý dự án của các địa phương phần nào chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý này.

Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị và thẩm định hồ sơ công trình của một số chủ đầu tư và của các cơ quan chức năng còn chậm. Công tác chỉ đạo, điều hành, tinh thần trách nhiệm của một số địa phương, ban quản lý dự án một số chủ đầu tư chưa sâu sát, chưa chặt chẽ, còn nể nang và chưa chủ động đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng, hoàn thành các thủ tục, hồ sơ thanh toán đảm bảo tiến độ. Năng lực của tư vấn một số dự án còn thấp, trong quá trình triển khai thi công phải điều chỉnh dự án, dẫn đến tăng tổng mức đầu tư và kéo dài thời gian thi công.

Ngoài ra, việc phối hợp giữa các chủ đầu tư với huyện, xã trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chưa đồng bộ, nhất là những dự án do các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng của tỉnh làm chủ đầu tư nhưng mặt bằng do UBND huyện, xã phụ trách giải phóng mặt bằng thực hiện còn chậm. Nhiều nhà thầu mặc dù đã có khối lượng nhưng chưa tiến hành nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán. Một số dự án phải đến điểm dừng kỹ thuật thì mới lập hồ sơ thanh toán.

Cần có phương án rút ngắn các thủ tục
 
Năm 2018 đã hết, do đó nếu các thủ tục đầu tư vẫn giữ đúng theo những quy định hiện nay và được các ngành chức năng liên quan thực hiện một cách “máy móc” thì chắc chắn sẽ không thực hiện giải ngân được. Cần phải có giải pháp mạnh tay đối với các chủ đầu tư thiếu quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư XDCB. Bởi trong thực tế, hiện có nhiều chủ đầu tư, nhà thầu dây dưa, không thực hiện các cam kết như hồ sơ thầu hoặc giao nhà thầu phụ thi công cẩu thả, kém chất lượng dẫn đến việc kéo dài thời gian thi công, thời gian nghiệm thu, ảnh hưởng đến thời gian giải ngân chung.

Chủ đầu tư đóng vai trò rất quan trọng trong triển khai các dự án nói chung và giải ngân vốn nói riêng. Do vậy, phải tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh thi công các công trình dở dang. Vào cuối năm, các công trình không có khả năng giải ngân, hoặc giải ngân thấp, đề nghị UBND tỉnh kiên quyết không bố trí vốn năm 2019. Mặt khác, cần cắt giảm đối với các dự án hiện chưa có phê duyệt kế hoạch đấu thầu thi công, chưa có báo cáo thẩm tra quyết toán của Sở Tài chính, để chuyển vốn cho các công trình khác cấp thiết hơn và chủ đầu tư có năng lực hơn.

 Ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa cho biết: Huyện cũng đã tập trung chỉ đạo đối với các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án đã được đầu tư trong năm 2018 và kịp thời nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành. Hàng tháng trong các phiên họp của UBND huyện, chúng tôi đều yêu cầu các chủ đầu tư báo cáo về tiến độ triển khai dự án cũng như giải ngân các nguồn vốn. Thông qua đó đã kịp thời chỉ đạo các cơ qua chuyên môn phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Trong năm 2018, huyện Mường Nhé được hỗ trợ, phân bổ 113 tỷ, Ngay từ đầu năm UBND huyện đã giao cho các cơ quan, đơn vị, UBND các xã tổ chức triển khai thực hiện. Đế thời điểm này đã giải ngân được trên 70%, trong đó có 22 danh mục dự án khởi công mới của năm 2018. Để tập trung giải quyết, giải ngân cao nhất, chúng tôi đã tiến hành chỉ đạo các chủ đầu tư, các đơn vị tiến hành già soát các danh mục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến hồ sơ giải ngân của các chủ đầu tư, năm nay chusg tôi sẽ giải ngân đạt 100%.

Thực tế cho thấy, dự án chậm tiến độ sẽ làm cho tổng mức đầu tư tăng do giá nhân công, vật liệu, giá đền bù giải phóng mặt bằng tăng. Chính vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan tập trung giải quyết vướng mắc về giải phóng mặt bằng cho các công trình, dự án trọng điểm.

Tỉnh Điện Biên đã mạnh dạn cắt bỏ những dự án đầu tư kém hiệu quả và không đạt những yêu cầu về thủ tục cũng như các dự án có vốn đầu tư quá lớn, chưa thật cấp bách, chỉ khởi công mới các dự án thực sự có ý nghĩa quan trọng đối với dân sinh và phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, phải dựa trên cơ sở bảo đảm khả năng cân đối của ngân sách, tránh để phát sinh tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản./.

 

 

Tuấn Trung/DIENBIENTV.VN

.