Việt Nam cần phương án ứng phó tác động bất lợi từ CPTPP

Chủ Nhật, 11/11/2018, 09:06 [GMT+7]

Khi CPTPP được phê chuẩn, Việt Nam cần phải có những bước cải cách đột phá mạnh mẽ trong nhiều các lĩnh vực nhằm hóa giải những thách thức đặt ra.

Đối với Việt Nam, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có ý nghĩa bước ngoặt quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Khi được phê chuẩn và đi vào thực thi Hiệp định CPTPP, Việt Nam có khá nhiều những thuận lợi nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức ở góc độ quốc gia, đó là cải cách thể chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và minh bạch.

Nhiều ngành hàng còn yếu thế

Thời gian qua, với quyết tâm của Chính phủ trong việc đổi mới về thể chế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bỏ giấy phép con để tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho doanh nghiệp… đã tạo ra động lực lớn để các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng Việt Nam đã có những bước đi rất mạnh mẽ và quyết liệt.

Tuy nhiên theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, những nỗ lực ấy mới chỉ là bước đầu, Việt Nam cần phải cải cách sâu rộng hơn nữa để cải thiện căn bản môi trường kinh doanh, đáp ứng với những yêu cầu của cam kết và hội nhập quốc tế, đặc biệt là các cam kết trong Hiệp định CPTPP.
 

1
Xuất xứ hàng hóa là một trong những thách thức lớn của Việt Nam khi tham gia CPTPP.


Theo ông Đào Phan Long, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), khi Việt Nam gia nhập CPTPP, ngành cơ khí bị xem là yếu thế hơn, do nội lực của ngành này trong nước vẫn còn hạn chế nên khó khăn, tác động tiêu cực sẽ là nhiều hơn do sự cạnh tranh quyết liệt từ các nước trong nhóm này.

Do đó, ngành cơ khí Việt Nam sẽ đi theo 2 hướng, một là Việt Nam sẽ tiếp tục việc làm gia công, “làm thuê” cho các nước phát triển; hai là sẽ kết hợp với các nước, thông qua quá trình hội nhập để tận dụng công nghệ, quản lý, và cả thị trường, để tham gia vào chuỗi giá trị của họ. Có như vậy cơ khí Việt Nam mới đi lên được.

“Điều này phụ thuộc nhiều vào ý chí, định hướng phát triển của Chính phủ và sự thực hiện của các bộ ngành, cộng đồng doanh nghiệp. Ngành cơ khí Việt Nam sau nhiều năm phát triển vẫn còn non trẻ, cả về công nghệ, nhân lực... còn yếu. Do vậy, nhiều doanh nghiệp nhỏ, nếu không biết liên kết, tìm thị trường, sẽ có khả năng bị xóa sổ”, ông Long cho biết.

PGS.TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, Việt Nam cần có phương án hạn chế đến mức thấp nhất những tác động bất lợi có thể mang lại đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước.

Cụ thể theo PGS.TS. Hoàng Văn Cường, trong thỏa thuận của Hiệp định CPTPP có một điều kiện để các hàng hóa được tham gia, đó là quy tắc xuất xứ hàng hóa tính hàm lượng giá trị khu vực được gọi là RVC, tính bằng giá trị hàng hóa trừ đi phần nguyên liệu mà không có xuất xứ trong khối trên tổng giá trị hàng hóa, nên đây là thách thức rất lớn đối với các hàng hóa của Việt Nam.

“Đơn cử như ngành dệt may được cho là ngành có lợi thế của Việt Nam trong CPTPP, nhưng thực tế nguyên liệu xuất xứ của ngành này phần lớn không nằm trong khối CPTPP. Nếu tính tiêu chí về quy tắc xuất xứ, có khả năng chúng ta sẽ có nhiều sản phẩm dệt may không thỏa mãn các điều kiện để đưa vào trong khối”, PGS.TS. Hoàng Văn Cường lưu ý.
 
Yêu cầu cải cách đột phá

Để giảm thiểu những tác động tiêu cực khi tham gia CPTPP, PGS.TS. Hoàng Văn Cường đặt ra vấn đề hết sức cấp bách, đó là Việt Nam phải có lộ trình nhanh chóng, sớm chuyển đổi các nguồn nguyên liệu đang nhập khẩu từ các quốc gia trong khối để chuyển thành sản xuất nguyên liệu ngay tại trong nước hoặc nhập của các quốc gia trong khối này, khi đó Việt Nam mới đảm bảo đủ điều kiện về quy tắc xuất xứ.

Ở phạm trù rộng hơn, TS. Võ Trí Thành cho biết, CPTPP là Hiệp định chất lượng cao, đòi hỏi Việt Nam cần phải có những bước cải cách đột phá mạnh mẽ trong rất nhiều các lĩnh vực cho môi trường đầu tư kinh doanh trở nên thuận lợi hơn. Việc cải cách này cũng gắn với những cải cách của Chính phủ, giúp chi phí giao dịch giảm, tạo ra được những tiền đề tốt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho phong trào khởi nghiệp thực chất sẽ đi lên.

Từ thực tế đó, TS. Võ Trí Thành mong muốn, khi CPTPP được phê chuẩn và thực thi, Việt Nam rất cần cải cách mạnh mẽ từ bên trong, vì đây là thời điểm rất cần cho yêu cầu tự thân của dân tộc. Tuy nhiên, thời gian qua Việt Nam đã tham gia vào rất nhiều Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do chất lượng cao. Do đó, việc kết hợp hài hòa giữa cải cách bên trong, đặc biệt là cải cách thể chế với cam kết hội nhập là điều cực kỳ quan trọng, là ưu tiên số một.

“Cho đến nay, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách bộ máy hành chính nhưng chưa đủ. Bởi thể chế rộng hơn rất nhiều nên những nỗ lực đó mới chỉ là bước đầu, vẫn cần phải đi sâu vào cải cách thể chế để thực sự đạt được bộ máy nhà nước chuyên nghiệp, minh bạch, có tính giải trình cao và chất thị trường ở Việt Nam phải hiện đại và đầy đủ để hội nhập tốt hơn trong CPTPP”, TS. Võ Trí Thành bày tỏ.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, do phần lớn nội dung quan trọng của Hiệp định TPP vẫn được giữ nguyên trong Hiệp định CPTPP, cho nên CPTPP vẫn là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có tiêu chuẩn cao, là sự khích lệ lớn với quá trình tự do hóa thương mại đang gặp nhiều trắc trở hiện nay.

“Với quyết tâm của các quốc gia tham gia CPTPP, dù lợi ích mà Hiệp định CPTPP đem lại không còn lớn như TPP nhưng đây vẫn là yếu tố quan trọng với tiến trình đổi mới thúc đẩy kinh tế, đặc biệt ảnh hưởng lớn tới môi trường kinh doanh tại Việt Nam”, Thứ trưởng Khánh nêu rõ./.

 

 

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV

.