Truy xuất nguồn gốc nông sản: Minh bạch, quản lý theo chuỗi

Thứ Ba, 06/11/2018, 08:05 [GMT+7]

Truy xuất nguồn gốc sẽ là "chìa khóa" khởi tạo lại niềm tin cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và cho chính nông sản, thực phẩm Việt Nam.

Hiện cả nước có 13,8 triệu hộ nông dân với 78 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ. Muốn phát triển nông nghiệp thành công, một trong các giải pháp quan trọng là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, ứng dụng truy xuất nguồn gốc sẽ giúp nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh tốt trên thị trường trong nước và từng bước tiến ra những thị trường khó tính ở nước ngoài.
 

1
Xoài, thanh long... thuộc số ít nông sản đã ứng dụng blockchain trong truy xuất nguồn gốc.


Ông Võ Việt Hưng, Giám đốc HTX xoài Mỹ Xương ở xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, trước đây quả xoài khi đưa ra thị trường mà không có nhãn mác thì chưa thành hàng hóa thực sự, giá thành rất bấp bênh.

Kể từ khi xoài Cát Chu và xoài Cao Lãnh đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã được dán nhãn chung đại diện cho cả tỉnh. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, trên thị trường đã có tem hàng giả nhái thương hiệu xoài của địa phương.

"Thị trường hiện nay, khách hàng cần sự minh bạch, rõ ràng đối với sản phẩm hàng hóa mình mua. Đặc biệt là đối với các sản phẩm thực phẩm như trái thanh long, trái xoài...khách hàng muốn biết rõ hàng hóa xuất xứ từ đâu, trồng trọt canh tác thế nào, thu hái thời điểm nào... Vấn đề này trên thị trường là vàng, thau đang lẫn lộn", ông Hưng cho hay.

Tuy nhiên từ khi Hợp tác xã ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đã quản lý được chất lượng sản phẩm từ khi bao ni-lon trái xoài đến khi đưa trái xoài ra thị trường.

Thông qua hệ thống blockchain, người tiêu dùng, đại lý phân phối...có thể dễ dàng kiểm soát chất lượng trái xoài, thời điểm sử dụng tốt nhất phù hợp với bản thân. Không chỉ lấy được chỗ đứng thị trường trong nước, HTX xoài Mỹ Xương cũng xuất khẩu được vào nhiều thị trường khó tính
 
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Kim Ngân, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD) cho rằng, cần ứng dụng công nghệ mới vào để minh bạch hóa việc truy xuất nguồn gốc.

Theo bà Ngân, việc truy xuất nguồn gốc không phải là dán tem đơn thuần mà cần phải quản lý được toàn bộ từ khâu sản xuất đến cung ứng sản phẩm. Truy xuất nguồn gốc làm theo chuỗi tức toàn bộ quá trình tạo ra sản phẩm đó (mua miếng thịt biết lô heo nào, do đơn vị nào sản xuất, ăn thức ăn gì...), có cơ sở đảm bảo thông tin minh bạch.
 
"Công nghệ blockchain hiện nay đã ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc quả xoài, quả thanh long của nước ta đưa đi xuất khẩu và tiêu thụ rất tốt. Đây có thể là giải pháp hữu ích trong việc thúc đẩy triển khai rộng rãi truy xuất nguồn gốc, từ đó nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản", bà Ngân nhấn mạnh.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, các công ty trong nước có đầy đủ khả năng và giải pháp công nghệ để thực hiện minh bạch hóa việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tuy nhiên, cần có quy định pháp lý cũng như quy chuẩn rõ ràng để tạo điều kiện ứng dụng công nghệ cũng như đảm bảo dữ liệu đưa vào hệ thống truy xuất nguồn gốc được chính xác, minh bạch.

Ông Đỗ Văn Long, Giám đốc Chiến lược IBL cho rằng, ứng dụng blockchain trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa đang trong giai đoạn hoàn thiện, vì thế cần giải pháp tổng thể để có định hướng chiến lược lâu dài.
 
Blockchain vẫn là công nghệ mới ở Việt Nam, do đó nguồn lực đầu tư kể cả về công nghệ, nhân lực và thủ tục triển khai còn nhiều hạn chế, nhất là rất thiếu các quy chuẩn thống nhất để thực hiện.

"Công nghệ nào cũng vậy, muốn phát triển cần có các quy chuẩn. Khi có quy chuẩn, các hệ thống mới xử lý tự động. Hiện nay, giữa các doanh nghiệp ở Việt Nam, chuẩn kết nối và chuẩn dữ liệu vẫn chưa được thống nhất và rõ ràng. Đây là rào cản cần sớm giải quyết", ông Long kiến nghị.

Mặt khác, truy xuất nguồn gốc phải hỗ trợ được giao thương, xuất nhập khẩu và buôn bán trao đổi thông tin thương mại. Đồng thời, phải tạo được hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường trong nước, đảm bảo thị trường lành mạnh, đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

Có thể nói, truy xuất nguồn gốc nếu làm đúng sẽ là "chìa khóa" khởi tạo lại niềm tin cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và cho chính nông sản, thực phẩm Việt Nam, góp phần phát triển nền nông nghiệp sạch, minh bạch tiến tới xây dựng nền nông nghiệp thông minh trong kỷ nguyên số./.

 

 

Theo Vân Anh/VOV

.