Mua-bán 100 USD hay 100.000 USD mức phạt như nhau: Bất cập lớn

Thứ Sáu, 26/10/2018, 15:51 [GMT+7]

Chuyện một cá nhân bị phạt 90 triệu đồng vì đổi 100 USD ra tiền Việt tại tiệm vàng đang gây xôn xao dư luận.
 
Xử phạt cần cân bằng giữa lý và tình

Ngày 4/9, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ” đối với anh Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, ngụ phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ).

Anh Rê là người mang 100 USD đến tiệm vàng Thảo Lực (ở khu thương mại Cái Khế, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều) đổi và bị cơ quan chức năng phạt 90 triệu đồng và bị tịch thu hơn 2,2 triệu đồng.

Dưới góc độ của một luật sư, ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho rằng, xét về mặt pháp luật, UBND TP Cần Thơ ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 90 triệu đồng đối với ông Nguyễn Cà Rê là không sai.

Tuy nhiên, việc Nghị định 96 chỉ quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm mà không tính tới số tiền vi phạm. Ví dụ, người dân bán 100 USD cũng như bán 100.000 USD thì cũng bị xử lý cùng mức phạt như vậy là rất phi lý.
 

1
Việc xử phạt việc đổi ngoại tệ cần nghiêm khắc nhưng vẫn phải hợp tình, hợp lý. (Ảnh: KT)


Bên cạnh đó, việc vì sao UBND TP Cần Thơ lại lựa chọn mức phạt 90 triệu đồng mà không phải là 80 triệu đồng cũng đặt ra câu hỏi cho nhiều người, bởi người bán chỉ bán có 100 USD,  lại là lần đầu tiên, vậy việc xử phạt mức tiền như vậy có hợp lý không?

Luật sư Hà phân tích, trong trường hợp này, 100 USD thì số tiền đổi được khoảng 2,3 triệu đồng, nếu đổi 100 USD mà phạt 90 triệu đồng thì chẳng khác nào đổi 50.000 đồng ra 2 USD cũng giống như đổi 1 triệu USD ra tiền Việt, ở nơi không được phép đều bị phạt như nhau, đều bị áp mức phạt 90 triệu đồng. Việc xử phạt gấp gần 40 lần tang vật vi phạm như vậy là bất hợp lý.

Luật xử phạt vi phạm hành chính 2012 quy định tại Điều 21, các hình thức xử phạt hành chính bao gồm, cảnh cáo, phạt tiền. Trong đó, hình thức xử phạt cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo.

Do đó, "trường hợp ông Nguyễn Cà Rê đổi 100 USD chỉ cần xử phạt cảnh cáo là  phù hợp", Luật sư Hà nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Cà Rê có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính đối với quyết định xử phạt hành chính về hành vi bán 100 USD trái quy định. Tuy nhiên, ở đây cần nhìn nhận rằng, UBND TP. Cần Thơ đã căn cứ vào điểm a khoản 3 điều 24 Nghị định 96/2014/NĐ-CP để ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với Ông Nguyễn Cà Rê là hoàn toàn đúng quy định pháp luật.

“Trong trường hợp này, cần xem xét lại số tiền xử phạt. Việc anh Nguyễn Cà Rê bị xử phạt dù biết là hợp lý, đúng quy định, nhưng thật khó để người dân chấp nhận là hợp tình”, Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho hay.

Có chế tài mạnh để dẹp “thị trường ngoại tệ đen”

Từ câu chuyện của anh thợ điện Nguyễn Văn Rê, đặt ra vấn đề về sự quản lý của các cơ quan chức năng trong việc quản lý việc thu đổi ngoại tệ. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu các cơ quan chức năng quyết liệt hơn trong suốt thời gian qua thì có lẽ rất nhiều vụ việc đã bị xử lý và người dân không phải ngỡ ngàng khi anh Nguyễn Cà Rê bị xử phạt.
 
Với góc nhìn khách quan của một chuyên gia kinh tế, ông Cấn Văn Lực-chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, trong nhiều trường hợp, người chưa hiểu hết về pháp luật, qua vụ việc này, cần phải kiểm tra, điều tra xem đây là nguyên nhân chủ quan hay khách quan, cố ý hay vô tình để có hình thức, chế tài xử phạt cho phù hợp, vừa hợp lý vừa hợp tình.

Nếu là lần đầu tiên, thông thường cơ quan chức năng sẽ tịch thu số tiền đó, tương ứng với nó là áp dụng chế tài phạt công ty kinh doanh mua bán vàng. Đối với cá nhân người đổi tiền, việc phạt 90 triệu đồng phải cân nhắc thận trọng, nếu đây là nông dân nghèo thì họ khó có đủ điều kiện để mà nộp phạt. Còn phải đi vay tiền để mà nộp phạt thì lại là vấn đề thiếu tính khả thi. Phải cân nhắc sao cho cân bằng giữa lý và tình, đồng thời có hình thức, chế tài xử phạt nhất định.

Nghị định 96/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đã được Chính phủ ban hành cách đây hơn 4 năm và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/12/2014. Tuy nhiên, trên thực tế ngoài các tổ chức tín dụng, cơ quan, doanh nghiệp có liên quan đến lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng thì hình như người dân vẫn còn chưa biết hoặc chưa quan tâm đến các chế tài rất mạnh được quy định tại Nghị định 96.

Theo ông Lực, cần tuyên truyền tốt hơn để người dân và doanh nghiệp nắm bắt được các thông tin của pháp luật, đặc biệt liên quan đến các biện pháp chế tài. Thứ 2, cần sớm sửa đổi nghị định 96, nghị định này được ra đời trong bối cảnh thị trường ngoại tệ, ngoại hối và thị trường vàng biến động mạnh. Chính phủ phải muốn có chế tài mạnh để ổn định và giữ trật tự thị trường. Hiện nay, thị trường ngoại hối, thị trường vàng đã tương đối ổn định thì nên cân nhắc để sửa đổi nghị định đó theo hướng phù hợp hơn.  

Theo số liệu từ NHNN, tính tới ngày 30/9/2018, trên cả nước có khoảng 580 đại lý được phép thu đổi ngoại tệ với doanh số 213 triệu USD/năm. Tuy vậy, số lượng người đến giao dịch tại những điểm thu mua hợp pháp này không nhiều bởi thủ tục rườm rà, không tiện lợi. Điều này đã và đang tạo điều kiện để thị trường ngoại tệ đen phát triển và tồn tại trong nhiều năm gần đây.

Sau sự việc vừa rồi tại Cần Thơ, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần có chế tài, cần có giải pháp nghiêm minh để hạn chế tình trạng ngoại tệ đen; tăng cường kiểm tra, thanh tra giám sát và đặc biệt cần có sự phối hợp vào cuộc của các cơ quan như: công an, thanh tra giám sát, ngân hàng, chính quyền địa phương…

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, pháp luật quy định, chỉ có các ngân hàng mới được cấp phép mua, bán, trao đổi, giao dịch ngoại tệ. Một số ít tiệm vàng được phép làm đại lý đổi ngoại tệ theo ủy quyền của ngân hàng nhưng cũng chỉ được mua vào ngoại tệ, không được bán ra. Ngoài ra, mọi giao dịch ngoại tệ với các tổ chức khác là trái luật.

Hiện nay, hệ thống ngân hàng chỉ làm việc trong những ngày, giờ hành chính và trụ sở tập trung tại các thành phố lớn, còn ở tỉnh lẻ chưa nhiều.

Do đó, cần có các điểm thu đổi ngoại tệ, với điều kiện kinh doanh minh bạch, có kiểm soát, đặt tại những nơi tham quan du lịch hoặc các tỉnh thành khác; cần có biện pháp mạnh, nhất quán triệt tiêu những điểm kinh doanh USD lớn, có đường dây ngầm chi phối thị trường nhằm trục lợi, làm rối thị trường.

“Tại các điểm kinh doanh USD vừa và nhỏ phải được duy trì đúng quy luật thị trường có định chế, kiểm tra kiểm soát một cách minh bạch, nếu không tuân thủ khi phát hiện thì sẽ thu hồi giấy phép và phạt nặng.

Nếu cấm kinh doanh thu đổi USD thị trường tự do thì có thể xảy ra mua chui, bán chui bất kể địa điểm nào, thời gian nào mà người dân có nhu cầu, điều này dẫn đến khó kiểm soát và càng rối rắm hơn, phần thua thiệt thuộc về khách hàng và Nhà nước. Đồng thời, Nhà nước phải có chính sách nhất quán, đồng bộ hợp lòng dân và đúng quy luật thị trường, thực thi đến nơi, đến chốn”, luật sư Nguyễn Thanh Hà cho biết./.

 

 

Theo Chung Thủy/VOV

.