Điện Biên

Nỗ lực thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Thứ Sáu, 19/10/2018, 15:32 [GMT+7]

Điện Biên TV - Các địa phương trong tỉnh Điện Biên đang tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Đó cũng là một trong các nội dung quan trọng trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về XDNTM.

Đề án tái cơ cấu nông nghiệp được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh đến nay đã được 3 năm. Đề án được gắn với chương trình XDNTM theo hướng: Thực hiện tốt các chương trình, dự án phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, chất lượng gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Đề án được các huyện, thị, thành phố nỗ lực thực hiện nhằm tạo bước đột phá về kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống và thu nhập người dân nông thôn.

1
Người dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên luôn tăng cường ứng dụng KHCN, kỹ thuật từ đó giá trị sản xuất nông nghiệp tăng cao (ảnh Kt)

 

Huyện Điện Biên là huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. 12 xã vùng lòng chảo của huyện từ lâu đã được coi là vùng chuyên canh lúa gạo, rau màu và chăn nuôi phát triển. Một số xã vùng ngoài của huyện cũng có các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tăng thu nhập cho người dân như: Cây dong riềng ở Nà Tấu ; thủy sản ở Pá Khoang ; cây ngô ở Núa Ngam.

Thực hiện tốt tái cơ cấu nông nghiệp trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh, nhiều xã trên địa bàn huyện đã sớm cán đích NTM. Tính đến nay, huyện Điện Biên có 9 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 1 xã cơ bản đạt 15-18 tiêu chí, 4 xã đạt từ 10-14 tiêu chí NTM.

Để đạt được kết quả này, huyện đã khuyến khích các xã có thế mạnh về cây lúa tập trung xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, liên kết sản xuất theo chuỗi nhằm phát triển sản phẩm lúa gạo hàng hóa chất lượng cao, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Các xã vùng ngoài của huyện khuyến khích phát triển các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp, gắn với công nghệ chế biến nông sản và phát triển du lịch, dịch vụ.
 
Với huyện Tuần Giáo, tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được thực hiện theo hướng: Áp dụng khoa học kỹ thuật chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế từng vùng. Với các xã vùng cao huyện khuyến khích người dân phát triển rừng và các loài cây phù hợp như: Sa nhân, thảo quả, sơn tra ở các xã Tênh Phông, Tỏa Tình.

Thay thế lúa nương kém hiệu quả sang trồng các cây có giá trị kinh tế cao hơn như mía, dứa ở Pú Nhung. Ở các xã vùng thấp, huyện khuyến khích chuyển đổi từ chăn nuôi hộ gia đình sang chăn nuôi trang trại. Ðiển hình như trang trại lợn thịt tại xã Rạng Ðông ; trang trại nuôi bò sinh sản và bò thịt tại xã Quài Nưa ; trang trại nuôi cá hồi, cá tầm tại xã Tênh Phông.

Kinh tế dần khởi sắc, thu nhập người dân được nâng lên, chương trình NTM của huyện được triển khai ngày càng thuận lợi. Ðến nay 17/19 xã trên địa bàn có đường nhựa hoặc đường bê tông đến trung tâm xã. Huyện cũng đã có 5 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí nông thôn mới.

1
Mô hình trồng rau an toàn bằng phân bón sinh học hữu cơ được thực nghiệm tại gia đình anh Ngô Văn Bính (Đội 15, Xã Thanh Hưng – Huyện Điện Biên)


Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển nông thôn mới đang giúp nhiều xã trên địa bàn tỉnh ta từng bước thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp liên kết với nông dân trong nhiều mô hình sản xuất, đang tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao có đầu ra đảm bảo, giúp giá trị hàng hóa tăng và thu nhập của người nông dân vì vậy cũng tăng lên.

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh ta ước đạt 15 triệu đồng/người/năm, tăng gần 5 triệu đồng/người/năm so với năm 2015. Toàn tỉnh đã có 16/116 xã đạt tiêu chí số 10 về thu nhập trong XDNTM. Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp đã và đang tạo ra động lực mạnh mẽ, giúp các xã nông thôn miền núi tỉnh ta thêm tiềm lực vững vàng để cán đích NTM theo đúng lộ trình./.

                                                                                

 

 

Minh Giang/DIENBIENTV.VN

.