Điện Biên Đông khó khăn về phát triển hạ tầng giao thông

Thứ Sáu, 26/10/2018, 15:53 [GMT+7]

Điện Biên TV - Thời gian qua, với nỗ lực của chính quyền địa phương, huyện Điện Biên Đông đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ đang là trở ngại lớn đòi hỏi sớm được hỗ trợ nhằm xây dựng hệ thống giao thông hoàn chỉnh, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Giao thông khó khăn nhất ở huyện Điện Biên Đông phải kể đến các xã vùng sâu, vùng xa như: Tìa Dình, Háng Lìa, Sa Dung, Pú Hồng. Hiện nay, phần lớn các tuyến đường liên xã, liên bản ở các xã này chưa được đầu tư chỉ là đường cấp phối, đường đất tạm đã xuống cấp nghiêm trọng. Tại xã vùng xa Háng Lìa 100% các tuyến đường liên xã, liên bản đều chưa được đầu tư xây dựng mà chỉ là đường tạm hoặc những lối mòn được hình thành từ việc đi lại thường xuyên của người dân.

1
Giao thông chưa được đầu tư xây dựng, khiến xã Háng Lìa gần như “giẫm chân tại chỗ” trong phát triển kinh tế, xã hội

 

Trên địa bàn xã Háng Lìa, phần lớn các bản đều cách xa trung tâm xã từ 5 - 20 km đường dân sinh nên việc đi lại của người dân, nhất là vào mùa mưa gặp rất nhiều khó khăn. Nhu cầu đầu tư hệ thống đường giao thông ở xã Háng Lìa là rất lớn nhưng còn nhiều trở ngại. Thực tế này, khó khăn cho người dân trong việc đi lại, trẻ em đến trường học, hay giao thương hàng hóa. Giao thông chưa được đầu tư xây dựng, khiến địa phương này gần như “giẫm chân tại chỗ” trong phát triển kinh tế, xã hội.
 
Còn tại xã Na Son, địa phương nằm gần trung tâm của huyện nhưng hạ tầng giao thông của xã này cũng còn nhiều hạn chế. Hiện nay, tỷ lệ đường nhựa hoặc bê tông ở các tuyến đường giao thông của Na Son đạt tỷ lệ thấp. Đơn cử như tuyến đường liên xã Na Son nối trung tâm huyện hàng ngày luôn có hàng trăm lượt người qua lại nhưng chỉ là con đường cấp phối, nhiều năm nay chưa được cải tạo, nâng cấp. Vào mùa mưa thì thường xuyên bị sạt lở gây ách tắc, mùa khô thì bụi bay mịt mù. Điều này, đã ảnh hưởng lớn đến vấn đề phát triển sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Điện Biên Đông là một huyện vùng cao nằm phía Đông của tỉnh, địa hình chủ yếu là đồi núi, bị chia cắt mạnh, dân cư đa phần là hộ nghèo và sống rải rác. Mạng lưới đường giao thông còn thiếu và lạc hậu, quy mô kỹ thuật nhiều tuyến đường chưa đạt tiêu chuẩn, đã quá chu kỳ cải tạo, chất lượng các tuyến đường còn thấp, chủ yếu là đường đất, đặc biệt là các tuyến đường giao thông nông thôn.

Nhiều năm qua, huyện đã lồng ghép nhiều dự án, chương trình để xây dựng hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, trên thực tế hạ tầng giao thông của huyện Điện Biên Đông còn gặp nhiều khó khăn, trong khi nguồn kinh phí lại eo hẹp, gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư, nâng cấp các tuyến đường.  Hạ tầng giao thông kém phát triển đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

1
Địa bàn 5 xã giao thông đi lại rất khó khăn, trong mùa mưa hầu như các tuyến đường này bị sạt lở kéo dài không thể đi lại được

 
Hiện nay, huyện Ðiện Biên Ðông có 12 tuyến đường nội thị, liên xã với tổng chiều dài 226km; trong đó chỉ gần 100km rải nhựa, đạt 32%,  hơn 21km đường bê tông xi măng đạt 6,9%, 128km đường rải cấp phối chiếm hơn 41% và còn 59km đường đất chiếm 19%. Số xã có đường ô tô đi được 2 mùa đến trung tâm xã là 9/14 xã, thị trấn trong đó có 5 xã được hưởng lợi bởi Quốc lộ 12 kéo dài, 5 xã vào mùa mưa đi lại rất khó khăn, trong mùa mưa hầu như các tuyến đường này bị sạt lở kéo dài không thể đi lại được.

Ðối với các tuyến đường do cấp xã quản lý, đến nay toàn huyện có 528km đường dân sinh nối trung tâm xã với các bản và nối các bản với nhau trong đó chỉ có gần 24km đường bê tông xi măng chiếm 4,5%, còn lại hơn 500km là đường đất chiếm trên 95%. Ðiển hình là các tuyến: Na Son - Sa Dung - Mường Lạn với tổng chiều dài 28km hiện nay mặt cấp phối hầu như đã bị trôi gần hết, công trình thoát nước chưa được đầu tư kiên cố, mùa mưa lũ hầu như không đi lại được

Tuyến Pá Vạt - Háng Lìa - Tìa Dình với tổng chiều dài 23km, năm 2009 có dự án đầu tư nâng cấp với tổng vốn 32 tỷ đồng nâng cấp đoạn từ Pá Vạt đi đến trung tâm xã Háng Lìa dài 10km, tuyến đường này đã thi công được khoảng 30% nhưng do không bố trí được nguồn vốn công trình này đã tạm dừng thi công từ năm 2012 cho đến nay. Ngoài ra các tuyến đường khác như: Na Son – Sa Dung, Phì Nhừ - Sa Dung cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Trên các tuyến đường này cứ vào mùa mưa hầu như bị ách tắc hoàn toàn, ảnh hưởng đến việc đi lại, giao lưu, trao đổi hàng hóa của Nhân dân.
 
Có thể thấy thực trạng cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện Điện Biên Đông còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Hàng năm, địa phương này đều đề xuất các cơ quan có thẩm quyền bố trí nguồn vốn đầu tư nâng cấp nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Trên địa bàn còn 7 tuyến đường huyện đến trung tâm xã có chiều dài 143km và trên 70 tuyến đường xã, thị trấn dài hơn 532km chưa được cứng hóa với nhu cầu nguồn vốn thực hiện trên 1.500 tỷ đồng.

Trong khi mỗi năm Nhà nước chỉ đầu tư được khoảng 20 - 30 tỷ đồng, có nghĩa là phải cần trên 50 năm mới hoàn thành cứng hóa. Đặc biệt, việc khắc phục thiệt hại do mưa, lũ gây sạt lở, ách tắc giao thông, phá hủy kết cấu mặt đường, hệ thống thoát nước đối với đường tỉnh và đường giao thông nông thôn cũng gặp nhiều khó khăn về vốn.
 
Bên cạnh hệ thống giao thông liên xã, liên bản của huyện gặp nhiều khó khăn thì tuyến Quốc lộ 12 kéo dài qua huyện Điện Biên Đông hiện cũng xuống cấp, nhất là đoạn từ trung tâm xã Suối Lư đi các xã Mường Luân, Chiềng Sinh nhiều đoạn mặt đường bị bong tróc xuống cấp khiến cho các phương tiện lưu thông gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt tại khu vực đỉnh đèo Keo Lôm vào mùa mưa thường xuyên bị sạt lở gây ách tắc giao thông nhiều giờ; khu vực đỉnh Chóp Ly cũng thuộc địa bàn xã Keo Lôm tình trạng đá rơi luôn rình rập gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông qua đoạn đường này.
 
Do mạng lưới giao thông của huyện Điện Biên Đông rộng, nên mặc dù được các cấp quan tâm đầu tư song chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn. Trong khi đó thu nhập của người dân còn thấp, khả năng đóng góp có hạn, chủ yếu là đóng góp ngày công lao động. Mặt khác, do công tác tuyên truyền còn hạn chế chưa làm chuyển biến nhận thức đối với một bộ phận cán bộ cơ sở và người dân nông thôn.

1
Huyện Ðiện Biên Ðông còn 59km đường đất giao thông đi lại khó khăn

 

Vì vậy, đối với việc bảo dưỡng đơn thuần như phát quang, nạo vét rãnh thoát nước, quản lý hành lang an toàn đường bộ, bảo đảm mỹ quan về vệ sinh môi trường còn một vài xã vẫn chưa tổ chức thực hiện được, cộng đồng dân cư cũng chưa thật sự quan tâm.

Chất lượng một số dự án giao thông nông thôn chưa cao, nhất là các dự án, tuyến đường giao thông do Nhà nước và Nhân dân cùng làm; địa hình đồi núi phức tạp, nhiều nguy cơ hư hỏng nặng vào mùa mưa lũ, khả năng ngân sách và đóng góp của dân để tu sửa có hạn. Mặt khác, việc sửa chữa, khắc phục những hư hỏng nhỏ không kịp thời đã dẫn đến những hư hỏng lớn làm tăng kinh phí sửa chữa, ảnh hưởng đến an toàn giao thông và nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống của Nhân dân.
 
Giao thông đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương. Do đặc thù là huyện miền núi, địa hình phức tạp, có nhiều bản cách trung tâm hành chính huyện hàng chục kilomet nên phát triển giao thông tại huyện Điện Biên Đông đòi hỏi mức đầu tư rất lớn. Trong khi đó, huyện còn nghèo, khả năng tự lo vốn hạn chế, huyện mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp ngành của tỉnh và Trung ương, hỗ trợ, bố trí kinh phí, từng bước nâng cấp hạ tầng giao thông, tạo điều kiện cho huyện vùng cao Điện Biên Đông phát triển kinh tế - xã hội /.

 

 

 

Hoàng Hảo/DIENBIENTV.VN

.