Công tác phòng chống rét cho trâu bò ở Mường Ảng

Thứ Bảy, 27/10/2018, 18:16 [GMT+7]

Điện Biên TV - Những năm gần đây, thời tiết luôn có những diễn biến thất thường, nhiệt độ mùa Đông thường xuống rất thấp so với trung bình nhiều năm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đối với chăn nuôi. Nhằm hạn chế những thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra, bà con nông dân tỉnh ta đã ngày càng chủ động hơn trong việc áp dụng các biện pháp phòng chống rét, bảo vệ an toàn cho đàn gia súc. 

Hiện nay, huyện Mường Ảng có tổng đàn trâu bò trên 13 nghìn con. Tốc độ tăng trưởng và chất lượng đàn năm sau đều tăng cao hơn so với những năm trước. Chính vì thế, ở huyện Mường Ảng, giá trị của lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nói chung, chăn nuôi trâu bò nói riêng vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế. Đặc biệt, sự gia tăng về số lượng của đàn trâu bò góp phần thiết thực và hiệu quả trong công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân địa phương.

1
Huyện Mường Ảng có tổng đàn trâu bò trên 13 nghìn con. ảnh Mô hình nuôi bò theo hướng gia trại của anh Lường Văn Tướng, bản Huổi Hom, xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng) phát triển ổn định. ảnh KT

 

Tuy nhiên, cứ mỗi mùa Đông qua đi, sản xuất nông nghiệp ở huyện Mường Ảng vẫn phải gánh chịu nhiều tổn thất nặng nề. Trong đó nghiêm trọng và thiệt hại lớn nhất là tình trạng gia súc bị chết rét. Thiếu kiến thức và sự chủ quan trong công tác phòng chống rét, nên khi nền nhiệt độ hạ xuống thấp đột ngột, kết hợp với nguồn thức ăn tự nhiên khan hiếm, khiến trâu, bò suy giảm sức đề kháng chết hàng loạt.

Chỉ tính riêng 2 đợt rét đậm, rét hại hồi đầu năm nay, huyện Mường Ảng đã có tới trên 300 con trâu, bò bị chết, trên 200 ha lúa đông xuân phải gieo cấy lại. Tổng thiệt hại ước tính xấp xỉ 5,1 tỷ đồng. Trong đó, riêng thiệt hại trên đàn gia súc lên tới gần 4 tỷ đồng. Dù huyện Mường Ảng đã có những biện pháp hỗ trợ kịp thời nhằm giúp bà con nông dân phục hồi sản xuất, chăn nuôi nhưng kết quả thì còn hạn chế. Điều này cho thấy, những tác động tiêu cực của thời tiết đối với sản xuất, chăn nuôi vào mỗi mùa đông không chỉ gây thiệt hại lớn đến kinh tế - xã hội nói chung mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của mỗi hộ nông dân.

Rút kinh nghiệm sâu sắc từ các đợt rét đậm, rét hại vừa qua, để hạn chế tối đa những thiệt hại có thể xảy ra, vào thời điểm này, huyện Mường Ảng đang quyết liệt chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chủ động phòng chống đói, rét cho đàn gia súc trong mùa đông sắp tới.

Ông Kiều Xuân Hoàng - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Hàng năm khi bắt đầu vụ Thu – Đông, đơn vị đều tham mưu cho UBND huyện tổ chức kiện toàn lại Ban Chỉ đạo phòng chống rét, vận động nhân dân trồng cỏ và tích trữ thức ăn cho đàn đại gia súc. Tuy nhiên, khác hẳn với mọi năm, việc hướng dẫn người dân cách chuẩn bị thức ăn cho trâu, bò trong mùa Đông tới đây đã được triển khai rốt ráo và từ rất sớm”.
 
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhận thức của các hộ chăn nuôi đã có những chuyển biến tích cực. Việc dự trữ thức ăn, phòng chống đói rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi được người dân thực hiện một cách chủ động hơn. Diện tích trồng cỏ bò từng bước được mở rộng. Rơm, rạ sau mỗi vụ thu hoạch không còn bị đốt bỏ mà đã được bà con tích trữ, bảo quản làm thức ăn thay thế cho trâu, bò vào những thời điểm nguồn cỏ tự nhiên khan hiếm. Cùng với đó, người chăn nuôi cũng đã biết chuẩn bị thêm thức ăn tinh như: Cám gạo, ngô, sắn và các khoáng chất cần thiết để nâng cao thể trạng, sức đề kháng cho đàn trâu, bò.

Bản Giảng, xã Ảng Cang – một trong những địa bàn dân cư có số lượng đàn trâu, bò khá lớn của huyện Mường Ảng. Gần 1 tháng nay, hầu hết các hộ chăn nuôi ở đây đã bắt tay vào công việc bảo vệ an toàn cho các “đầu cơ nghiệp” của mình. Mới cuối Thu nhưng thời gian ban ngày đã ngắn hơn, nhiệt độ cũng xuống thấp hơn, nên hàng ngày ông Lường Văn Sỹ chủ động đưa bò về nhà sớm. Chuồng bò cũng đã được gia cố chắc chắn. Rơm khô làm thức ăn cũng đang được tích trữ từng bước. Nhìn đàn bò khỏe mạnh, đầy sức sống có thể thấy được người chủ đã chăm sóc chúng tốt như thế nào!

Theo ông Lường Văn Sỹ, Bản Giảng – xã Ảng Cang - huyện Mường Ảng cho biết những năm gần đây mùa Đông nào trong bản cũng xảy ra tình trạng trâu, bò chết rét. Phần lớn đàn trâu bò vẫn vượt qua được các đợt rét đậm, rét hại nhưng hầu hết đều gầy yếu và suy giảm sức đề kháng. Phải rất lâu sau khi vụ rét đi qua, khi lượng cỏ tự nhiên phong phú trở lại, đàn trâu, bò mới có thể hồi phục như ban đầu. Chính vì thế, vì không muốn thời tiết gây ảnh hưởng xấu đến đàn bò của gia đình, ông Sỹ đã sửa sang lại chuồng cho chắc chắn, kín gió và dự trữ nhiều rơm rạ, đảm bảo đủ thức ăn cho đàn bò trong những ngày giá rét sắp tới.
 
Cũng ở bản Giảng - xã Ảng Cang, học tập theo gia đình ông Lường Văn Sỹ, dù mới chớm bước vào vụ rét nhưng ông Quàng Văn Chươi đã có kế hoạch đưa toàn bộ đàn trâu, bò đang thả rông trên rừng về nuôi tại nhà để tránh rét và tiện trông coi, chăm sóc. Nhận thức được đàn trâu, bò gần 20 con hiện đang sở hữu là khối tài sản lớn của gia đình, nên ông Chươi đã chuẩn bị đầy đủ vật liệu để che chắn chuồng trại, đảm bảo ngăn được gió lùa, sương muối.

Cùng với đó, thức ăn cho đàn trâu, bò cũng bắt đầu được ông Chươi tích trữ một cách có sự tính toán. Diện tích lúa mùa của gia đình sau khi gặt được vận chuyển hết về tuốt ngay tại nhà, rất thuận lợi cho việc phơi phóng. Toàn bộ bộ rơm rạ không bị bỏ phí ngoài ruộng hay đốt đi mà đã được tận dụng hết, phơi khô làm thức ăn dự trữ cho đàn trâu, bò trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, không thể đưa ra ngoài chăn thả.
 
Có thể thấy rằng, hiện nay tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện Mường Ảng, việc nuôi nhốt trâu, bò trong những ngày rét đã dần dần thành nếp. Trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, người dân đã biết tăng cường bổ sung thức ăn tinh cho gia súc; cho gia súc uống nước ấm và đốt trấu, ủ than củi trong chuồng trại. Song việc chủ động phòng chống rét cho đàn trâu bò mới chỉ được thể hiện ở những người chăn nuôi ở vùng thấp, vùng thuận lợi.

1
Người dân trên địa bàn đã chủ động chuẩn bị đầy đủ vật liệu để che chắn chuồng trại cho trâu bò, đảm bảo ngăn được gió lùa, sương muối

 

Tại các xã vùng cao, tập quán chăn thả rông trâu, bò còn khá phổ biến; người dân vẫn chưa có thói quen tích trữ thức ăn trong vụ Đông thì việc đảm bảo an toàn cho đàn trâu bò vẫn đang là những thách thức không nhỏ. Do vậy nhiều ngày nay, UBND huyện Mường Ảng đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn cử cán bộ xuống từng xã hướng dẫn bà con biện pháp chống đói, rét cho gia súc; vận động bà con tích trữ nguồn thức ăn cho đàn gia súc; chỉ đạo các xã có tập quán chăn nuôi thả rông tăng cường vận động người dân sớm di chuyển đàn trâu, bò về nơi nuôi nhốt tập trung để có thể dễ dàng kiểm soát, xử lý những diễn biến bất thường.

Công tác chỉ đạo tập trung vào một số biện pháp chính như: Che chắn chuồng chống rét; giữ nền chuồng sạch và khô; tích trữ thức ăn và chế biến thức ăn cho đàn trâu, bò. Cùng với đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn các hộ chăn nuôi biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; khuyến cáo người dân không thả rông gia súc trong những ngày nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 12 độ C.
 
Theo quy luật hàng năm, mỗi mùa Đông thường có khoảng 4-5 đợt rét đậm, rét hại. Trong đó sẽ có những đợt rét đậm, rét hại kéo dài nhiều ngày. Nhiệt độ xuống thấp là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát triển trên gia súc. Vấn đề đáng lo nhất ngại nhất hiện nay có thể dẫn đến tình trạng trâu, bò chết hàng loạt nhưng chưa có biện pháp giải quyết triệt để đó là: Tập quán chăn nuôi gia súc thả rông còn tương đối phổ biến; nguy cơ thiếu thức ăn cho đàn trâu, bò ở các xã vùng cao, nếu thời tiết rét đậm kéo dài.

Bởi vậy chính quyền các xã cần có biện pháp sát sao và kiên quyết hơn nữa để buộc người dân phải di chuyển đàn gia súc về nơi nuôi nhốt có thể kiểm soát được; đồng thời, nên hỗ trợ các hộ chăn nuôi về nguồn thức ăn tinh bổ sung cho đàn trâu, bò vào những thời điểm cần thiết. Đó phải chăng là những phương án mà huyện Mường Ảng cần tính đến./.


 

 

Ngọc Thượng/DIENBIENTV.VN

.