Tủa Chùa phát triển cây trồng chủ lực để xóa nghèo

Chủ Nhật, 16/09/2018, 16:22 [GMT+7]

Điện Biên TV - Cây ngô, cây lúa ruộng là hai loại cây lương thực chủ lực được Đảng bộ huyện Tủa Chùa đưa vào Nghị quyết quy hoạch phát triển cho hai khu vực cụm xã phía Bắc và phía Nam của huyện. Cây ngô, lúa ruộng ở Tủa Chùa không chỉ canh tác một vụ như những năm trước đây. Hiện nay hai loại cây này đã được Nhân dân giao trồng hai vụ, góp phần hiệu quả trong công tác xóa đói giảm nghèo, mang lại cuộc sống ngày một no ấm cho nhân dân.
 
Sính Phình là xã có diện tích lớn thứ 2 của huyện Tủa Chùa về trồng ngô. Đến năm 2018, toàn xã gieo trồng được 530ha ngô, ngoài diện tích ngô tròng vụ mùa, hiện Sính Phình còn phát triển diện tích ngô xuân, với trên 140ha. Cùng với việc tích cực chuyển đổi cơ cấu giống ngô phù hợp, việc áp dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh ngô đã góp phần nâng cao năng suất và sản lượng cây ngô trên địa bàn xã.

Ông Sùng A Khày, Chủ tịch UBND xã Sính Phình cho biết: Sính Phình là xã sản xuất nông nghiệp, trong đó chủ yếu là lúa ruộng 1 vụ và ngô trên nương. Cấp ủy, chính quyền địa phương nhận thấy rằng, ngoài cây công nghiệp lâu năm như cây chè thì cây ngô là loại cây giúp Nhân dân xóa đói giảm nghèo phù hợp nhất mà không loại cây trồng nào thay thế được. Chính vì vậy, xã đã quyết định đưa cây ngô xuống canh tác tại những chân ruộng 1 vụ. Có thể khẳng định, cây ngô đã từng bước giúp người dân trong xã giảm bớt những khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cũng vì thế mà giảm qua từng năm.

1
 Năm 2018 xã Sính Phình gieo trồng được 530ha ngô có năng suất cao

 
Đã nhiều năm nay, gia đình ông Giàng A ký, bản Háng Đề Dê, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa được Nhà nước hỗ trợ giống ngô lai và được cán bộ khuyến nông của huyện hướng dẫn cách gieo trồng cũng như chăm sóc. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, mỗi vụ gia đình ông Ký gieo trồng 40kg ngô giống, tương đương với hơn 2ha ngô. Giống ngô lai đưa vào trồng không chỉ phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, khả năng chịu hạn và kháng bệnh cao nên năng suất ngô của gia đình ông Ký luôn đạt cao hơn rất nhiều so với giống ngô địa phương. Do đó một số diện tích trồng lúa, sắn kém hiệu quả gia đình Ông đã chuyển đổi sang trồng ngô.
 
Cùng nằm trong khu vực với các xã Sính Phình, Tả Sìn Thàng và Sín Chải. Tả Phìn nằm trên độ cao hơn 1000m so với mực nước biển, diện canh tác chủ yếu trên nương rãy, nên những năm qua, cây ngô được cấp ủy, chính quyền địa phương xác định là cây trồng chính cùng với cây chè và cây lúa. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây ngô lai thay thế cho một số loại cây trồng năng suất bấp bênh, kém hiệu quả đã mở ra hướng sản xuất mới, nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, giúp người dân không chỉ canh tác hiệu quả trên diện tích đất dốc mà cả trên diện tích núi đá.

Hàng năm, năng suất, sản lượng từ cây ngô lai đã và đang mang lại nguồn lương thực và cũng là nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Theo đánh giá của xã Tả Phìn, hàng năm, ngô lai trồng trên đất nương rẫy đã đem lại thu nhập trung bình cho bà con từ 10 đến 20 triệu đồng/vụ. Trong cơ cấu mùa vụ, xã Tả Phìn đã đưa cây ngô vào trồng vụ đông, nhằm chuyển đổi có hiệu quả cơ cấu cây trồng, từng bước nâng cao năng xuất và sản lượng các loại cây trồng, tạo vùng chuyên canh hàng hóa.

Thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, những năm gần đây, huyện Tủa Chùa đã tập trung đưa giống ngô mới cho năng suất cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, đất đai khí hậu địa phương vào sản xuất. Từ các mô hình thử nghiệm đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Tủa Chùa đã chỉ đạo Nhân dân nhân rộng diện tích. Đồng thời huyện cũng đã tập trung triển khai nhiều chính sách, chương trình dự án, trong đó, hỗ trợ giống, vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân tiếp cận và từng bước chuyển đổi cơ cấu giống ngô phù hợp. Từ những giải pháp được triển khai đồng bộ có hiệu quả, diện tích cây ngô lai ở Tủa Chùa ngày càng được mở rộng.
 
Để khuyến khích, động viên Nhân dân mở rộng diện tích trồng ngô, huyện tập trung vào việc hỗ trợ nguồn giống. Đối với cây ngô xuân và ngô mùa, huyện đảm bảo hỗ trợ 100% về giống cho Nhân dân để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Tính đến thời điểm này, huyện có khoảng gần 5000ha đất được sử dụng gieo trồng ngô. Trong đó, trên 90% diện tích được trồng bằng các giống ngô lai, như: LVN10, DK888, 9698. Đây là các giống ngô lai có thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chịu hạn, chống chịu sâu bệnh tốt, cho năng suất cao và trồng được 2 vụ mỗi năm. Những năm gần đây, huyện Tủa Chùa cũng đã và đang hình thành các vùng sản xuất ngô hàng hóa mang lại thu nhập ổn định cho nông dân.

1
Ngô lai trồng trên đất nương rẫy đã đem lại thu nhập trung bình cho bà con từ 10 đến 20 triệu đồng/vụ

 
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, định hướng phát triển diện tích trồng ngô trên đất dốc tại các địa bàn vùng cao của tỉnh ta nói chung và huyện Tủa Chùa nói riêng là rất phù hợp. Với giá thu mua ngô thành phẩm trên thị trường hiện nay, bình quân mỗi ha ngô, trừ chi phí người dân thu về trên dưới 10 triệu đồng. Trong điều kiện địa hình núi cao, đất dốc như huyện Tủa Chùa, cây ngô lai đã khẳng định sự phù hợp và ưu thế mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho bà con các dân tộc vùng cao. Qua đó, việc mở rộng diện tích trồng ngô lai trên địa bàn huyện Tủa Chùa đang tiếp tục nhận được sự đồng tình của Nhân dân.

Bên cạnh cây ngô, huyện Tủa Chùa đã có nhiều giải pháp hỗ trợ Nhân dân cải tạo đất, trong đó cách làm đang được người dân hưởng ứng tích cực nhất là khai hoang, phục hóa ruộng bậc thang, tạo thêm nhiều diện tích đất để trồng cây lúa nước.

Những thửa ruộng bậc thang xếp tầng xanh mướt, đang độ phát triển này thuộc bản Đun, xã Mường Đun. Năm 2013, nơi đây vẫn là nương ngô, nương sắn của người dân trong bản. Đất bạc màu, thu hoạch không được bao nhiêu. Nhưng đến đầu năm 2014, một vài hộ gia đình đầu tư tiền của, dùng sức người và máy móc để đào đất, san ủi tạo ruộng bậc thang, chuyển sang trồng lúa nước. Đến nay, cả bản có gần 20 hộ tham gia khai hoang ruộng bậc thang với diện tích trên 20ha. Trong đó, 100% đã gieo trồng được 2 vụ lúa. Vụ đầu tiên, người dân không đầu tư phân bón, năng suất lúa kém xa vùng thấp nhưng vẫn được đánh giá hiệu quả hơn trồng lúa nương, cây ngô, cây sắn.
 
Không chỉ ở xã Mường Đun mà tại nhiều xã vùng cao huyện Tủa Chùa, từ lâu người dân đã nhận thức được ưu thế của canh tác lúa nước, việc mở rộng diện tích ruộng bậc thang được nhiều người dân hưởng ứng. Từ khi chính sách hỗ trợ phục hóa, cải tạo ruộng bậc thang được triển khai, người dân có thêm nhiều động lực thực hiện công tác này.

Theo Quyết định số 2227 ngày 29/7/2014 của UBND huyện Tủa Chùa, về việc phê duyệt dự toán, diện tích, danh sách các hộ tham gia phục hóa, cải tạo ruộng bậc thang tại các xã trên địa bàn huyện năm 2014, có 1.480 gia đình thuộc 10 xã đã đăng ký tham gia với diện tích trên 83ha ruộng bậc thang phục hóa, hơn 100ha ruộng cải tạo.

1
Huyện Tủa Chùa đã khai hoang, phục hóa, cải tạo được hơn 200ha ruộng bậc thang

 

Theo quyết định, mỗi 1ha ruộng khai hoang hoặc cải tạo thành ruộng bậc thang được hỗ trợ 15 triệu đồng, 1ha ruộng phục hóa được hỗ trợ 10 triệu đồng. Số tiền của Nhà nước hỗ trợ đã giúp nhiều hộ dân có thêm điều kiện về kinh phí cho việc khai hoang ruộng nước. Cùng với sự tuyên truyền, vận động của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn trân địa bàn, đã thúc đẩy việc mở rộng diện tích ruộng bậc thang trở thành một phong trào, đạt được hiệu quả thiết thực. Nhiều hộ gia đình đã không ngần ngại bỏ ra hàng chục đến cả trăm triệu đồng để thuê máy ủi san gạt tạo thành ruộng bậc thang.
 
Hiện nay, toàn huyện Tủa Chùa đã khai hoang, phục hóa, cải tạo được hơn 200ha ruộng bậc thang, năng suất vài vụ đầu được trồng trên đất mới, ít được chăm bón đạt từ 40-50 tạ/ha (thấp hơn so với năng suất bình quân cây lúa nước, nhưng vẫn cao hơn sản lượng lúa nương mà người dân trồng trước đây từ 3 – 4 lần.

Chênh lệch năng suất giữa cây lúa nước và lúa nương là điều ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy. Việc tạo ruộng bậc thang sẽ giúp giữ nước và giữ màu cho đất để cây có điều kiện sinh trưởng, phát triển tốt hơn. Nhận thức được điều ấy, nhiều diện tích nương rửa trôi, bạc màu tại Tủa Chùa vẫn đang được người dân làm mới bằng những ruộng bậc thang tầng tầng, lớp lớp.

Những thửa ruộng ấy mang cả công sức, niềm tin và mong ước đủ đầy của người dân. Chỉ ít lâu nữa màu xanh mạ non này đã và đang được đổi bằng màu vàng lúa chín, một mùa vụ thu hoạch mới chắc chắn sẽ không phụ công cấy cày của người nông dân vùng cao./.

                                                               

 

 

 Trần Sơn/DIENBIENTV.VN

.