Kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2018 dưới 18%: Khả thi

Thứ Bảy, 08/09/2018, 06:35 [GMT+7]

Việc bảo đảm mục tiêu kiểm soát tín dụng dưới 18% có thể đạt được vì thời điểm cuối năm nền kinh tế luôn có nhu cầu vốn rất cao.
 
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến thời điểm 30/8, tăng trưởng tín dụng đạt 8,5%, tương ứng với 50% chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của năm nay là 17%. Như vậy, trong 4 tháng còn lại của năm 2018, mức tăng trưởng tín dụng (TTTD) phải đạt được 9% nữa.
 

1
Mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng dưới 18% mà CP đề ra có thể thực hiện được. (Ảnh minh họa: KT)


Theo các chuyên gia kinh tế, năm nay, tuy sức ép TTTD giảm, nhưng mục tiêu TTTD mà NHNN đưa ra vẫn ở mức 17-18% nhằm bảo đảm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Yêu cầu “siết” dòng vốn đi đúng hướng được nhà điều hành đưa ra không gây bất ngờ đối với các ngân hàng thương mại bởi ngay từ đầu năm, chỉ tiêu TTTD đã được phân bổ cụ thể về từng ngân hàng dựa trên các điều kiện thực tế cũng như đánh giá cân đối tài chính của mỗi đơn vị. Đặc biệt, ở thời điểm này, NHNN không thực hiện nới “room” tín dụng cho bất cứ ngân hàng nào.

Động thái này được các chuyên gia tài chính-ngân hàng đánh giá là sát với tình hình thị trường, khi những biến động của thị trường tài chính thế giới có nhiều diễn biến khó lường, tiềm ẩn rủi ro cho điều hành chính sách vĩ mô.

Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường bất động sản trong nước có tín hiệu tăng trưởng nóng, việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng cũng đang được đẩy mạnh quyết liệt. Vì vậy, việc đưa dòng vốn đi đúng hướng, đúng mục tiêu TTTD sẽ góp phần quan trọng bảo đảm các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, số lượng tín dụng quyết định định mức tín dụng đối với NHNN, NHTM, đây là điều hết sức quan trọng bởi nếu vượt qua mức đề ra sẽ tạo lượng cung tiền lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới lạm phát.

“Việc Chính phủ quyết định mức kiểm soát tín dụng ở mức dưới 18% là hợp lý và việc thực hiện không quá khó khăn, vì thông qua hạn mức cho vay của các ngân hàng có thể xác định được mức độ tín dụng đang tăng đến đâu. Điều cần quan tâm hiện nay đó là, trong giới hạn TTTD đó thì chất lượng tín dụng như thế nào, những lĩnh vực, ngành hàng nào được đầu tư và liệu có gây ra nợ xấu hay hệ lụy khác của nền kinh tế hay không?”, ông Ngô Trí Long chia sẻ.

Nhiều ý kiến lo ngại, nếu tín dụng năm nay không điều chỉnh về mức thích hợp, có thể dồn tụ tín dụng của những năm trước sẽ gây sức ép lớn cho việc kiểm soát lạm phát năm 2019.

Với cái nhìn lạc quan, ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, việc linh hoạt trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, mức tăng trưởng tín dụng bao giờ cũng được đặt ra một cách khá thận trọng. Trong năm 2018, do áp lực lạm phát, áp lực lên tỷ giá cao hơn nên mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô gắn với mục tiêu tăng trưởng tín dụng càng phải chặt chẽ hơn.

Theo ông Thành, trong vòng 2-3 năm trở lại đây, mức tăng trưởng tín dụng chỉ loanh quanh ở mức 17-18%. Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5-6,7% thì việc đảm bảo mục tiêu kiểm soát tín dụng ở mức dưới 18% chắc chắn sẽ đạt được, bởi cuối năm nền kinh tế luôn có nhu cầu vốn rất cao.

Kiểm soát tín dụng, nhất là vốn cho những lĩnh vực không khuyến khích, là một trong những mục tiêu trọng tâm mà NHNN vừa đưa ra tại Chỉ thị 04/CT-NHNN. Theo đó, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã yêu cầu, kiểm soát chặt chẽ tốc độ TTTD và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống cũng như từng tổ chức tín dụng theo đúng mục tiêu, định hướng đề ra; không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu TTTD.

Đặc biệt, các NHTM cần tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông…/.

 

 

Theo Chung Thủy/VOV

.