Huyện Điện Biên

Nhiều giải pháp nâng cao thu nhập cho người nông dân

Thứ Hai, 24/09/2018, 16:13 [GMT+7]

Điện Biên TV - Thu nhập là một trong những tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới. Vì thế, trong những năm qua, huyện Điện Biên đã tích cực triển khai nhiều giải pháp phát triển sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm để nâng cao thu nhập cho người dân.
 
Là địa phương vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong tháng 8 vừa qua, đến nay thu nhập bình quân đầu người của xã Thanh Luông, huyện Điện Biên đạt 28 triệu đồng/người/năm. Với đặc thù là một xã thuần nông, nên khi thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, việc thực hiện tiêu chí Thu nhập của Thanh Luông đã gặp phải không ít khó khăn.

Năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của xã Thanh Luông mới đạt trên 15 triệu đồng/người/năm; trong khi đó, sản xuất nông nghiệp của xã còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa được đầu tư phát triển đồng bộ; công tác đào tạo nghề cho lực lượng lao động nông thôn cũng còn nhiều hạn chế.

1
Lễ công bố xã Thanh Luông huyện Điện Biên đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2018

 

Để tăng mức thu nhập cho người dân, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung hướng dẫn Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế vườn đồi; chăn nuôi kết hợp với làm trang trại tổng hợp; đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích cây ăn quả. Đồng thời, hỗ trợ các hộ phát triển sản xuất theo phương án đầu tư có thu hồi, tái đầu tư; tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế gia đình; mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho Nhân dân.v.v…

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp sát thực tế và hữu hiệu kể trên, đến đầu năm 2018, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM; thu nhập bình quân đầu người đạt 28 triệu đồng/người/năm. Đến nay, xã Thanh Luông đã “cán đích” NTM trong niềm hân hoan và phấn khởi của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Theo kế hoạch, cuối năm 2018 xã Noong Luống, huyện Điện Biên phấn đầu về đích xây dựng nông thôn mới. Hiện tại xã đang nỗ lực thực hiện các tiêu chí chưa hoàn thành, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc thực hiện tiêu chí số 10 về thu nhập cho người dân, bởi đây là một trong những tiêu chí khó thực hiện. Để thực hiện được mục tiêu về đích NTM, đặc biệt là tiêu chí số 10 về thu nhập, những năm qua xã Noong Luống đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn.

Trong quá trình triển khai, cùng với sự hỗ trợ của huyện, của tỉnh, xã Noong Luống đã ưu tiên các nguồn vốn đầu tư thực hiện các chương trình, các dự án đẩy mạnh phát triển sản xuất, chăn nuôi nhằm tăng thu nhập cho người dân. Đặc biệt vận động Nhân dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa, một trong những thế mạnh trong phát triển kinh tế trên địa bàn của xã hiện nay.
 
Ngoài đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, xã Noong Luống cũng đang tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất; đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, vận động Nhân dân sản xuất đa cây, đa con.

Trong đó chú trọng tập trung sản xuất các giống lúa chất lượng cao; trồng và phát triển các loại rau màu sạch theo hướng VietGap; triển khai các mô hình sản xuất hàng hóa theo hình thức liên kết để nâng cao giá trị và chất lượng của sản phẩm nông nghiệp. Các mô hình này đã mang tính bền vững, giúp người dân có thu nhập ổn định; thu nhập bình quân đầu người toàn xã hiện tại đã đạt 18 triệu đồng/người/năm .

1
Huyện Điện Biên là huyện có thế mạnh về phát triển nông nghiệp

 

Là huyện có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, thời gian qua huyện Ðiện Biên đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp cùng với huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Huyện vận dụng linh hoạt các chính sách của Nhà nước nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và đào tạo nghề.v.v…

Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền các xã khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng xã; vận động Nhân dân chuyển từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang thâm canh, hình thành những vùng sản xuất tập trung gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị sản phẩm. Cụ thể như: Trồng vú sữa tại xã Thanh Hưng; sản xuất rau an toàn tại các xã Thanh Yên, Thanh Hưng, Thanh Xương, Noong Luống; trồng cây ăn quả tại các xã Mường Phăng, Pá Khoang.v.v… Ðồng thời, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp liên kết với nông dân đảm bảo hài hòa lợi ích từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 2 cơ sở chế biến lúa gạo thực hiện hợp đồng bao tiêu lúa cho người dân. Đó là: Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương và Hợp tác xã Dịch vụ Tổng hợp Thanh Yên, 2 đơn vị này đang từng bước xây dựng thương hiệu lúa gạo Ðiện Biên chất lượng cao. Việc chuyển đổi mô hình sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp thời gian qua còn có sự tham gia tích cực của các tổ hợp tác, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng giá trị kinh tế trên cùng 1 đơn vị diện tích.

UBND huyện chỉ đạo chính quyền các xã, các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới để Nhân dân hiểu rõ và chủ động tham gia. Các phòng, ban chuyên môn tích cực phối hợp với cơ sở tháo gỡ khó khăn, đưa ra các giải pháp xây dựng NTM, phát triển sản xuất. Bên cạnh đó huyện ĐB còn chủ động rà soát, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư vào lĩnh lực nông - lâm - ngư nghiệp để nâng cao thu nhập cho nông dân và giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo.

Thời gian tới, để duy trì những kết quả đã đạt được trong xây dựng nông thôn mới, huyện Điện Biên sẽ đổi mới công tác lãnh đạo của cấp ủy, quản lý điều hành của chính quyền, phương pháp vận động quần chúng của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Trong đó phát huy vai trò của tập thể và đề cao trách nhiệm của cá nhân trong quản lý, điều hành.

mô hình nhãn ghép tại đội 13A, xã Thanh Luông (huyện Điện Biên)
Mô hình nhãn ghép tại đội 13A, xã Thanh Luông (huyện Điện Biên)

 

Huyện đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tăng cường liên kết 4 nhà trong sản xuất nông, lâm nghiệp theo chuỗi giá trị sản phẩm; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông - lâm nghiệp; nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tập trung phát triển đàn gia súc, gia cầm theo hướng trang trại, gia trại gắn với quy hoạch nông thôn mới. Cùng với đó, huyện Điện Biên tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn; đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho nông dân; hỗ trợ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững; từng bước hoàn thiện các thiết chế văn hóa nông thôn; phát triển văn hóa, thể thao ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Huyện tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với phát triển du lịch. Ngoài ra, để tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, huyện Điện Biên tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để phát triển sản xuất tập trung quy mô lớn. Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch an toàn thực phẩm; gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Rà soát, chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng lạc, trồng khoai và trồng cỏ phục vụ chăn nuôi.
 
Với kết quả đã đạt được trong những năm qua về phát triển KT - XH và xây dựng nông thôn mới, đã và đang tạo tiền đề thuận lợi để huyện Điện Biên tiếp tục gặt hái những thắng lợi mới. Từng bước hiện thực hóa các mục tiêu mà Nghị quyết Ðại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2016 – 2020 đã đề ra; tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện Điện Biên phát triển theo hướng bền vững trong những năm tới./.

                                                             

 

 

Trần Sơn/DIENBIENTV.VN

.