Kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm đối mặt nhiều thách thức

Thứ Năm, 09/08/2018, 07:40 [GMT+7]

Căng thẳng thương mại leo thang sẽ làm suy giảm về tăng trưởng, thương mại của toàn cầu và khi đó Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng lớn.

Ngày 8/8, tại Hà Nội, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế-xã hội (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức Tọa đàm khoa học Dự báo kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2018 và ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc.
 

1

Tọa đàm khoa học Dự báo kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2018 và ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc

.
Theo Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế-xã hội, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2018 đạt nhiều kết quả tích cực, GDP ước đạt 7,08%. Tăng trưởng kinh tế cả năm 2018 có thể đạt mức 6,71%; tăng trưởng xuất khẩu ở mức 12,11%; thặng dư thương mại dự báo ở mức 1,2 tỷ USD; lạm phát bình quân đạt 3,93%.

Dự báo kinh tế 6 tháng cuối năm, ông Đặng Đức Anh, Trưởng ban-Ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội quốc gia nhận định, diễn biến kinh tế thế giới có thể chịu ảnh hưởng bởi một số yếu tố. Đó là, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc còn diễn biến khó lường.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng gia tăng căng thẳng thương mại với một số đồng minh như EU, Canada… Ngoài ra, lộ trình tăng lãi suất ở Mỹ có thể bất định hơn, do chiến tranh thương mại gây ảnh hưởng đến lạm phát ở Mỹ.

Với nền kinh tế trong nước, dự báo sẽ có nhiều thách thức như, sức ép đến ổn định kinh tế vĩ mô ngày càng lớn (tỷ giá, lạm phát); Lực đẩy từ khu vực đầu tư nước ngoài mất dần, không có động lực mới bổ sung; Nền kinh tế tăng trưởng dựa chủ yếu vào vốn.

Theo phân tích của Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Trung Quốc, kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm đang tiềm ẩn nhiều thách thức. Hiện còn tồn tại một số vấn đề có thể tạo ra rủi ro và khó khăn cho công tác điều hành chính sách vĩ mô của Chính phủ trong thời gian tới.

Bởi vì: Thứ nhất, đóng góp của khu vực doanh nghiệp Nhà nước còn khá mờ nhạt. Nửa đầu năm nay, giải ngân vốn Nhà nước chỉ đạt 30%, đây là con số rất thấp, dẫn đến đóng góp của khu vực kinh tế nhà nước kém hiệu quả. Điều đó cho thấy nỗ lực tái cơ cấu, tái cấu trúc khu vực này trong giai đoạn 2011-2012 chưa tạo ra những chuyển biến tích cực. Nếu khu vực này không được cải thiện thì sẽ trở thành gánh nặng của nền kinh tế thay vì động lực.

 Thứ 2, tăng trưởng tín dụng là mục tiêu cần phải chú ý trong nửa cuối năm nay do mục tiêu đặt ra là phải đạt 17%. Trong khi đó, 6 tháng qua. tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 7,78%, thấp hơn nửa đầu năm ngoái (9%).

 Ông Thành quan ngại, tăng trưởng tín dụng thấp như vậy thì liệu với mô hình tăng trưởng dựa nhiều vào đầu tư như của Việt Nam có đạt được mục tiêu như đề ra hay không.

 Thứ 3, nửa đầu năm nay, có tới 59.400 doanh nghiệp đóng cửa, phá sản. Đây là tín hiệu không vui cho khu vực kinh tế tư nhân, thành phần đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế đất nước.

 Nói về những tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc, ông Thành cho hay, trong dài hạn, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi những tiêu cực từ căng thẳng của cuộc chiến này. Cụ thể, đó là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump trừng phạt áp thuế lên hàng hóa của Trung Quốc sẽ dẫn đến tăng trưởng của toàn cầu suy giảm theo biên độ rộng; đồng thời ảnh hưởng đến những nước tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu như Việt Nam.

 Trước một loạt thách thức mà kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong thời gian tới, TS. Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế-xã hội quốc gia cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cuối năm và ứng phó với những tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc trong thời gian tới, Việt Nam cần tạo môi trường đầu tư minh bạch, tăng cường thu hút FDI từ Mỹ; Tăng cường năng lực công nghệ để thu hút FDI công nghệ cao; Áp dụng biện pháp kiểm soát ngoại tệ đề phòng hiện tượng thoái vốn, chuyển vốn các nhà đầu tư nước ngoài ra khỏi Việt Nam. Đồng thời, kiểm soát lạm phát do giá cả hàng hóa tăng, chủ động đối phó với các biến động về tỷ giá./.

 

 

Theo Chung Thủy/VOV.

.