Chiết khấu siêu thị quá cao, doanh nghiệp vừa và nhỏ lo bị "ra rìa"

Thứ Năm, 16/08/2018, 07:35 [GMT+7]

Doanh nghiệp chế biến lương thực thực phẩm nhỏ dễ bị đẩy ra ngoài do chiết khấu siêu thị quá cao.

Ngành chế biến lương thực thực phẩm TPHCM luôn có tốc độ tăng trưởng cao. Đây cũng là một trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố. Tuy nhiên, ngành này cũng đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh từ thủ tục hành chính đến việc tiếp cận vốn kích cầu, thị trường tiêu thụ sản phẩm và việc đổi mới công nghệ sản xuất.

Trước thực trạng này ngày 14/8, Chủ tịch UBND TPHCM đã làm việc với nhiều doanh nghiệp ngành tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc để kịp thời tháo gỡ những khó khăn.
 

1
Doanh nghiệp chế biến lương thực thực phẩm nhỏ dễ bị đẩy ra ngoài do chiết khấu siêu thị quá cao. (Ảnh minh họa: Trần Ngọc)


Trước hết về thủ tục hành chính, nhiều doanh nghiệp cho rằng, một số cán bộ quận, huyện còn quan liêu nhũng nhiễu, gây khó dễ cho doanh nghiệp trong khâu tiếp nhận và xử lý hồ sơ. Gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi của thành phố không dễ tiếp cận do thủ tục phức tạp. Nhiều doanh nghiệp cũng phàn nàn về thủ tục thuế phức tạp, gây phiền hà. Một số doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền ở TPHCM đã đóng một số loại thuế ở Hà Nội nhưng khi về làm thủ tục thuế ở TPHCM thì thủ tục nhiêu khê.

Cụ thể, như trường hợp của Công ty Công ty Cổ Phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (VISSAN) có những quy định không hiểu rõ về thuế có văn bản hỏi thì 4 tháng thuế mới tra lời và trả lời cũng chung chung không giải đáp được thắc mắc của doanh nghiệp. Và những hồ sơ thủ tục đóng thuế trước đó thuế lưu trữ đáng lẻ trích lục cho các doanh nghiệp nhưng vẫn yêu cầu doanh nghiệp tìm lại để chứng minh đã đóng thuế trước đó rồi.

Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty VISSAN phàn nàn: Trong khi đó ngành thuế có thể lục lại sao kê trong hệ thống mà doanh nghiệp đã đóng thuế trước đó, nhưng lại yêu cầu doanh nghiệp phải lục lại doanh  nghiệp rất bức xúc.

Một khó khăn khác của doanh nghiệp là hàng vào siêu thị mức chiết quá cao từ 15 đến 35%, mức này thì doanh nghiệp rất khó có lợi nhuận, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, trong khi chưa kể các doanh nghiệp còn bị cạnh tranh với những nhãn hàng riêng của siêu thị, khi đó doanh nghiệp bị ép giá gia công lợi nhuận rất thấp.

Ông Trương Phú Chiến, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần bánh kẹo Bibica cho hay: Ngoài việc siêu thị nhập bánh kẹo về bán đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa ra ngoài, có cả siêu thị nội. Hiện nay có xu hướng làm nhãn hàng riêng mà phần lớn như vậy sẽ bóp chết doanh nghiệp sản xuất nhỏ.

Một khó khăn nữa là hiện nay thành phố có hơn 87% là doanh nghiệp siêu nhỏ. Chính vì vậy việc đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất cần hỗ trợ việc nghiên cứu chế tạo những trang thiết bị, dây chuyền sản xuất phù hợp với loại hình và mô hình này.

Tuy nhiên, hoạt động của các trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, việc kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với doanh nghiệp sản phẩm đầu cuối chưa hiệu quả. Do đó máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại của ngành lương thực - thực phẩm phải nhập từ nước ngoài và giá thành cao. Trong khi, doanh nghiệp cơ khí trong nước vẫn sản xuất tốt các thiết bị này. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp vừa thì cũng muốn đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại theo cách mạng 4.0 thì cũng rất cần hỗ trợ.

Ông Nguyễn Văn Tường, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn Food kiến nghị, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lương thực phẩm đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ 4.0 hay phát triển thương hiệu sản phẩm tầm quốc gia.

Trước khó khăn của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu ngành thuế kiểm tra trả lời UBND thành phố trong tuần sau về những phàn nàn của doanh nghiệp để xử lý dứt điểm tình trạng này. Thành phố khẳng định luôn hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp phát triển ổn định.

Về đổi mới công nghệ, ông Phong gợi ý, có thể Hiệp hội Lương thực, thực phẩm TPHCM gắn kết ngành cơ khí với phát triển ngành lương thực thực phẩm, qua đó có thể thay thế phần nào máy móc nước ngoài.

Về việc hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, ông Nguyễn Thành Phong Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, Trung tâm xúc tiến thương mại phải nâng tầm hơn nữa để gắn kết các doanh nghiệp. Mỗi năm phải tổ chức một chuyến xúc tiến thương mại nước ngoài cho doanh nghiệp, còn xúc tiến nước nào thì phải lắng nghe doanh nghiệp.

Nền kinh tế của Việt Nam có độ mở rất lớn, trước tác động của những biến đổi của kinh tế thế giới doanh nghiệp ngành chế biến lương thực, thực phẩm Việt Nam chịu sức ép rất lớn về cạnh tranh. Tuy nhiên, với sự lắng nghe của lãnh đạo UBND thành phố để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của doanh sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao nâng lực cạnh tranh phát triển vững vàng, mạnh mẽ trên sân nhà và vươn ra sân chơi lớn./.

 

 

Theo VOV

.