Tăng lương tối thiểu: Các bên tranh cãi gay gắt, chưa có tiếng nói chung

Thứ Năm, 26/07/2018, 17:00 [GMT+7]

Đại diện người lao động cho rằng cần thiết phải tăng lương cho người lao động thêm 8%, còn phía doanh nghiệp vẫn chưa nhượng bộ.

Sáng nay (26/7), Hội đồng Tiền lương Quốc gia họp phiên thứ 2 về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019.

Dù đến phiên thương thảo lần thứ 2, song phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) và giới chủ doanh nghiệp VCCI vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
 

1
Chủ doanh nghiệp và người lao động vẫn chưa có tiếng nói chung về mức tăng lương tối thiểu vùng. (Ảnh minh họa: KT)


Trao đổi với báo chí, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) cho biết, mức tăng lương năm 2019 phải hài hòa để đến năm 2020 tiền lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu. Nếu đề xuất năm nay không tăng là không hợp lý.

Theo ông Quảng, một trong những yêu cầu của phiên đàm phán hôm nay là phải tìm được sự đồng thuận và cách xác định các yếu tố của mức sống tối thiểu. Trong đó, yếu tố “rổ hàng hoá” có tính then chốt để hình thành nên mức sống tối thiểu.

Song vấn đề này đang có những mâu thuẫn. Trong khi giá cả thị trường tăng theo từng năm, thì việc xây dựng “rổ hàng hóa’ cho người lao động với định lượng 54 mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống lại giảm.

Cụ thể, “rổ hàng hóa” những năm trước được xác định ở mức 720.000 đồng, nhưng đến nay lại giảm xuống còn 660.000 đồng.

Nói thêm về vấn đề này, ông Ngọ Duy Hiểu, Trưởng ban Quan hệ Lao động (TLĐLĐVN) cho biết “rổ hàng hóa” để đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động đang rất được đơn vị này quan tâm.

Ông Hiểu chỉ rõ, cách xác định “rổ hàng hóa” hiện nay đang có vấn đề: “Do đặc thù về lứa tuổi, lao động hầu hết là thanh niên, tỷ lệ chi phí dành cho lương thực thực phẩm chỉ chiếm khoảng 45%, còn lại là các nhu cầu phi lương thực thực phẩm như vui chơi, giải trí".

Về mức tăng lương tối thiểu vùng, ông Hiểu khẳng định, TLĐLĐVN vẫn sẽ giữ mức đề xuất là 8%.

“Tình hình kinh tế tăng trưởng 6 tháng đầu năm tương đối khả quan, GDP năm 2017 cao nhất trong 7 năm trở lại đây, chỉ số CPI đang phấn đấu kìm chế ở mức 4%. Các đánh giá đều cho thấy tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đang khởi sắc, thể hiện ở con số 64.000 doanh nghiệp được thành lập mới, nhiều dự án kinh tế mới. Trong khi đó, ngày càng khan hiếm lao động hơn. Nhiều doanh nghiệp khó tuyển lao động. Trong bối cảnh kinh tế phát triển, người lao động cần được hưởng lợi", ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Về phía giới chủ doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, có thể sẽ thay đổi mức đề xuất không tăng lương tối thiểu năm 2019. "Nhưng mức thay đổi còn tùy thuộc vào diễn biến cụ thể, nhưng sẽ phải thay đổi" - ông Hoàng Quang Phòng nói.

Sau hơn 4 giờ thương lượng căng thẳng, cả phía người lao động và chủ doanh nghiệp vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về mức tăng lương tối thiểu vùng. Phiên đàm phán vẫn chỉ dừng lại ở mức các bên cùng thảo luận về các yếu tố liên quan đến đời sống tối thiểu của người lao động, tình hình phát triển của doanh nghiệp...

Trước đó, trong phiên thảo luận lần thứ nhất diễn ra vào 9/7, TLĐLĐVN đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng 2018 là 8%. Phía VCCI đề xuất không tăng lương trong năm 2019 để đảm bảo sức doanh.

Dự kiến, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ phải họp phiên thứ 3 vào khoảng trung tuần tháng 8 để tiếp tục bàn thảo về vấn đề này./.

 

 

Theo VOV

.