Dự án "đắp chiếu", người dân mòn mỏi ngóng trông

Chủ Nhật, 15/07/2018, 15:42 [GMT+7]

Điện Biên TV - Dự án phát triển sản xuất các sản phẩm từ giấy dó do Chi cục Phát triển Nông thôn triển khai thực hiện từ tháng 12/2014. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện dự án đến nay vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, dẫn tới dự án không hiệu quả, không triển khai thực hiện đúng như mục tiêu của dự án. 

Dự án phát triển sản xuất các sản phẩm từ giấy dó với mục tiêu xây dựng cơ sở sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người dân tại Hợp tác xã dệt thổ cẩm Na Sang II, nhưng cho tới thời điểm này dự án còn sót lại là những hình ảnh tiêu điều không thể hoạt động được mà nhà xưởng sản xuất Giấy dó theo như thiết kế ban đầu đã nhanh chóng được chuyển sang mục đích khác. Phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, phông bạt, bát đĩa, bàn ghế...v..v.. tất cả đều được cất chứa ngổn ngang tại kho này. Nó đã được biến thành nhà kho của hộ gia đình ông Lò Văn Thoong - Chủ nhiệm Hợp tác xã dệt thổ cẩm Na Sang II. Còn máy móc, thiết bị đầu tư cho dự án đã được thanh lý với giá sắt vụn cách đây không lâu mặc dù chưa hề được vận hành lần nào.
 

1
Khu nhà xưởng còn lại của dự án: “Phát triển sản xuất các sản phẩm từ Giấy Dó” tại xã Na Sang II

 

Dự án này được thực hiện theo Quyết định số 501 ngày 12/12/2014 của Sở Khoa học và Công nghệ về việc phê duyệt kinh phí thực hiện dự án: “Phát triển sản xuất các sản phẩm từ Giấy Dó” và Hợp đồng thực hiện dự án khoa học và công nghệ số 581 ngày 31/12/2014 giữa Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Điện Biên và Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên.

Chi cục Nông thôn đã triển khai thực hiện dự án với thời gian 24 tháng với tổng kinh phí thực hiện là: 755 triệu đồng. Mục tiêu của dự án là nhằm: Xây dựng được cơ sở sản xuất giấy dó và phát triển các sản phẩm từ giấy dó tại hợp tác xã dệt thổ cẩm Na Sang II, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên; sản xuất hơn 70 nghìn sản phẩm các loại từ giấy dó; phát triển các sản phẩm thương mại trên chất liệu giấy dó có tính cạnh tranh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm

Dự án đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm ổn định cho 20 lao động tại địa phương, tăng thu nhập hàng tháng từ 1,5 - 2 triệu đồng/lao động, hạn chế việc đốt rừng làm nương. Tập dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương, phát triển bền vững; hay như việc trồng mới 0,2ha cây dướng tại bản Na Sang II nhằm tạo vùng nguyên liệu để phát triển sản xuất, hạn chế việc khai thác trực tiếp từ rừng tự nhiên.

Đây cũng chính là những mong muốn cùng với những luận cứ chắc chắn để khẳng định tính khả thi của dự án trong thuyết minh dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh do chủ nhiệm Đặng Thị Nhung thuộc Chi cục Phát triển Nông thôn thực hiện nghiên cứu và được Hội đồng Khoa học đánh giá.

Có thể nói, quá trình triển khai thực hiện, dự án này đã hoàn thành việc: Điều tra, khảo sát địa điểm thực hiện, xây dựng nhà xưởng; mua sắm lắp đặt trang thiết bị, hệ thống máy móc; trồng thử nghiệm cây nguyên liệu. Kinh phí thực hiện và kinh phí được chấp nhận quyết toán đến năm 2015 là hơn 550 triệu đồng. Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại thì ưu điểm vẫn chưa thấy đâu, còn nhược điểm của dự án này đã bộc lộ rõ.

Theo lý giải của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì trong quá trình triển khai thực hiện dự án một số nội dung, nhiệm vụ chưa đảm bảo theo tiến độ đã ký theo hợp đồng như: Xây dựng nhà xưởng; mua sắm trang thiết bị; tập huấn kỹ thuật sản xuất và tạo các sản phẩm giấy dó; tạo nguyên liệu giấy dó từ cây dướng. Tỷ lệ cây dướng trồng thử nghiệm sống thấp.

Các nội dung tiếp theo của dự án chưa triển khai thực hiện được do chưa có điện sản xuất, thị trường tiêu thụ hạn chế. Nguyên nhân được đưa ra cho những tồn tại nêu trên là do: Dự án có hợp phần xây dựng cơ bản phải thực hiện theo quy trình thủ tục phức tạp; Luật xây dựng mới thay đổi, các văn bản hướng dẫn Luật mới ban hành, đòi hỏi cán bộ thực hiện cần có thời gian nghiên cứu tìm hiểu; hệ thống máy móc thiết bị phục vụ sản xuất Giấy dó của dự án là máy đặc thù, chi cục phải tìm hiểu, liên hệ đặt hàng ngoại tỉnh

Các hộ dân trồng cây nguyên liệu phân tán theo quỹ đất của từng hộ gia đình nên chưa đảm bảo điều kiện chăm sóc, bảo vệ, đồng thời do tình trạng đốt nương sản xuất lan sang khu vực trồng cây nên cây chết nhiều, tỷ lệ cây sống đạt thấp...vv. Đáng chú ý phải kể đến đó là thị trường tiêu thụ sản phẩm hạn chế, sản phẩm khó tiêu thụ, thu nhập từ việc sản xuất các sản phẩm giấy dó thấp, không thu hút được lao động. Ông Phan Mạnh Kha - Chi cục trưởng Chi cục phát triển Nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho rằng đây là vấn đề mấu chốt khiến cho dự án này bất thành.

1
Người dân nghèo xã Na Sang mong có nghề mới từ dự án: “Phát triển sản xuất các sản phẩm từ Giấy Dó” xong cho đến nay dự án đã không thành công

 

Hầu như tất cả những lí do đưa ra đều là yếu tố khách quan mang lại. Trong khi, theo như ghi nhận một số ý kiến của những người có liên quan thì cho rằng, thất bại của đề tài khoa học này chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân chủ quan. Đó là việc thiếu tính toán đến nguồn điện 3 pha phục vụ cho hoạt động của hệ thống máy móc ngay từ khi thiết kế ban đầu. Cho đến nay, sau khi tiến hành các thủ tục khảo sát thì để đầu tư nguồn điện này, chi phí sẽ mất khoảng gần 600 triệu đồng. Số kinh phí trên là cao so với tổng kinh phí ban đầu của dự án và khả năng huy động vốn của các bên tham gia dự án.

Từ những tồn tại xung quanh vấn đề về điện, vấn đề thị trường tiêu thụ sản phẩm... bế tắc, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang đề xuất với UBND tỉnh xem xét các phương án xử lý đối với dự án này. Có 2 phương án được đưa ra. Phương án thứ nhất đó là: Tạm dừng dự án đến khi hệ thống điện trên khu vực đủ khả năng cung cấp điện sản xuất sẽ tiếp tục triển khai thực hiện. Trong thời gian tạm dừng, bàn giao tạm thời nhà xưởng cho hợp tác xã quản lý và tiếp tục sản xuất giấy dó bằng phương pháp thủ công.

Còn phương án thứ 2 đó là: Dừng dự án, nhà xưởng bàn giao cho hợp tác xã dệt thổ cẩm Na Sang II để sử dụng vào việc sản xuất các sản phẩm giấy dó bằng phương pháp thủ công; đối với máy móc đã trang bị giao cho cơ quan chức năng xử lý tài sản bán đấu giá. Cho đến nay thì cơ bản dự án này đang được giải quyết theo phương án thứ 2. Tài sản đã được thanh lý. Nhà xưởng đã được bàn giao cho Hợp tác xã dệt thổ cẩm quản lý; hệ thống máy móc bao gồm máy nghiền vỏ nguyên liệu, máy khuấy bột giấy, máy cắt giấy được mua sắm với tổng trị giá hơn 130 triệu đồng, được thanh lý với giá hơn 14 triệu đồng mặc dù chưa một ngày hoạt động.
 

 

 

 Minh Thịnh - Anh Tuấn/Dienbientv.vn

.