Xã Phình Sáng, huyện Tuần giáo, tỉnh Điện Biên

Đi lên từ nghị quyết

Thứ Hai, 04/06/2018, 17:50 [GMT+7]

Điện Biên TV - Những cánh đồng lúa, nương ngô xanh mướt; những con đường êm thuận; những mái ngói đỏ tươi… là những hình ảnh chúng tôi ghi lại được trong một lần trở lại Phình Sáng – một xã khó khăn ở huyện Tuần Giáo. Thành quả đó không chỉ là sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương mà còn có sự chung sức đồng lòng của nhân dân trên địa bàn trong việc thực hiện các Nghị quyết mà Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra.

Như để minh chứng cho sự đổi thay của xã, Bí thư Đảng ủy xã Phình Sáng Thào Sính Chứ bảo với chúng tôi: “Trước kia bà con nơi đây nghèo lắm. Làm gì có cơm ăn. Ngô khi ấy nhiều nên cứ ăn trừ bữa. Vất vả là thế nhưng nay khác rồi. Đất nước ngày càng phát triển thì đời sống người dân cũng từng bước đi lên. Tư duy, nhận thức lạc hậu trong đời sống, phát triển kinh tế hộ cũng từ đó mà đổi thay theo hướng tích cực”.

Để cho lời nói như “khoe” của mình có căn cứ, Bí thư Đảng ủy xã dẫn chúng “tham quan” vài vòng thăm một số bản trên địa bàn xã. Và quả là như vậy, trước mắt tôi không chỉ những ngôi nhà gỗ, nhà sàn, nhà bê tông kiên cố, vững chắc mà còn là sự hăng say lao động sản xuất của bà con. Họ cẩn thận vun vén, xới cỏ cho từng gốc ngô như đang chăm sóc “gia tài” của gia đình.

11
Nông dân Phình Sáng chăm sóc ngô

 

Chưa để chúng tôi hỏi thêm, Bí thư Đảng ủy xã bảo: Ngô ở Phình Sáng là cây trồng chủ lực. Đất đai rộng dãi, chính vì thế chúng tôi luôn khuyến khích người dân tích cực áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Đưa các giống ngô lai vào trồng thay thế các loại ngô truyền thống, kém năng xuất. Hơn nữa, tại Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 – 2020, chúng tôi đã đưa cây ngô vào Nghị quyết, phấn đấu đến năm 2020 có 900ha diện tích trồng ngô. Tuy nhiên đến thời điểm này diện tích đó đã tăng lên gần 1.000ha. Tổng sản lượng lương thực chung hiện sấp xỉ 3.000 tấn, bình quân gần 650kg/người/năm. Đây là tính hiệu đáng mừng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của xã”.

Từ nguồn lương thực dồi dào, nhất là ngô. Do đó, Đảng ủy xã đã khuyến khích, động viên nhân dân trồng trọt kết hợp chăn nuôi đại gia súc. Để tránh chỉ đạo suông, Bban Chấp hành Đảng bộ xã đã thống nhất đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã mỗi năm tăng trưởng đàn gia súc, gia cầm từ 5 – 10%. Và theo tính toán của Văn phòng UBND xã, đến nay, toàn xã có trên 25.000 con gia súc, gia cầm. Riêng trâu, bò, ngựa dê và lợn có khoảng trên 17.000 con, tốc dộ tăng trưởng từ 6%/năm.

“Trồng trọt, chăn nuôi được xác định là ngành sản xuất chủ yếu để tăng thu nhập cho người dân, phát triển chăn nuôi có vai trò quan trọng, là hướng đột phá trong giảm nghèo nhanh, bền vững và xây dựng nông thôn mới. Chính vì thế, xã đã và đang tích cực hướng dẫn, vận động nhân dân tham gia phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, khuyến khích, hỗ trợ các mô hình chăn nuôi tập trung, bà con một số bản đã bắt đầu trồng phân tán các loại cỏ để phục vụ chăn nuôi” – Bí thư Đảng ủy xã Thào Sính Chứ nhấn mạnh.

Với số lượng gia súc, gia cầm lớn, Đảng ủy xã chỉ đạo UBND xã thường xuyên cử cán bộ chuyên môn xuống tận bản hướng dẫn người dân chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Hàng năm, triển khai từ 1 - 2 đợt phun phòng vệ sinh tiêu độc khử trùng và tiêm phòng vắc xin định kỳ… Chính vì thế, thời gian qua, trên tình hình dịch bệnh trên địa bàn được kiểm soát chặt chẽ, người dân luôn yên tâm lao động sản xuất.

Khi đời sống của người dân từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm dần thì tư duy, nhận thức của người dân cũng từ đó cũng đổi thay. Cùng nhau đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh. Như một sự khẳng định có căn cư, Bí thư Đảng ủy xã bảo với chúng tôi rằng: Nếu như trước đây, người ta chỉ lo đến cái ăn, cái mặc thì giờ đây công tác giáo dục đã được nhân dân quan tâm nhiều.

Nơi đây hàng năm gần như 100% con em trong độ tuổi đi học đều đến trường đầy đủ. Không những thế, nhiều cháu còn thi đỗ và theo học tại các trường chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh, như: Đại học Xây dựng, Đại học Luật, Học viện An ninh, các trường quân đội… Tiêu biểu như gia đình ông Thào Chống Làng ở bản Nậm Din, Sùng Vảng Vừ ở bản Phình Sáng… Mà chẳng nói đâu xa, ngay nhà ông Giàng A Dũng, Chủ tịch UBND xã có các con, cháu đều học cao, hiểu rộng, là tấm gương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã học tập.

Ông Thào Sính Chứ cho biết: “Từ các Nghị quyết của Đảng bộ xã, chúng tôi đã và đang cụ thể hóa thành hành động, từng bước đi vào cuộc sống. Ngay trong lĩnh vực giáo dục, chúng tôi đang cố gắng, phấn đấu giữ vững phổ cập cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục đúng độ tuổi mức độ 2; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở; hàng năm, tỷ lệ chuyển lớp đạt 100%... những mục tiêu đó, hiện nay chúng tôi đang tích cực chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả”.

Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Phình Sáng lần XXI đã đề ra 17 mục tiêu, chỉ tiêu. Thời gian đến cuối nhiệm kỳ chỉ còn gần 2 năm nữa. Chính vì thế, để hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đó, hiện nay, Đảng bộ xã đang tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ làm động lực nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị.

Cùng với đó, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, phong cách đạo đức Hồ Chí Minh; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn; khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Mặc dù trong tiến trình thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ xã đề ra đầu nhiệm kỳ còn khó khăn, tuy nhiên dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, việc xây dựng chương trình, hành động với những giải pháp cụ thể đưa nghị quyết đi vào cuộc sống đã và đang động viên mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân xã Phình Sáng hăng hái, ra sức thi đua lao động sản xuất, học tập và làm việc.

 

 

CTV - Văn Quyết

.