Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Bờ biển không phải của riêng doanh nghiệp nào

Thứ Ba, 05/06/2018, 07:13 [GMT+7]

Trả lời phiên chất vấn chiều 4/6, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, bờ biển là của nhân dân chứ không phải của riêng doanh nghiệp, cá nhân nào.
 
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, biểu hiện ở Đà Nẵng khá rõ ràng cho hiện tượng “quây bờ biển” mà đại biểu đề cập. Vừa qua tỉnh uỷ, HĐND thành phố Đà Nẵng đã giải quyết rốt ráo việc này. Nguyên lý áp dụng là tạo hành lang từ 100m sát bờ biển trở ra không được đầu tư xây dựng. Xử lý như Đà Nẵng để lập lại trật tự là cần thiết.
 

1
Bờ biển Đà Nẵng (Ảnh minh họa)


"Bờ biển là để sử dụng chung, là của nhân dân chứ không phải của một doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nào cả", Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, khiếu nại đất đai tập trung vào 3 nhóm vấn đề. Nhóm vấn đề thứ nhất là về giá. Nhóm thứ 2 là về trình tự thủ tục xử lý. Đó chính là vấn đề liên quan đến quyền lợi của người dân. Nhóm thứ 3 là về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì liên quan đến nghĩa vụ tài chính của người dân.

Nguyên nhân các khiếu kiện là vì chính sách nhiều, thường xuyên thay đổi, giao thoa, có chính sách sau lại chặt hơn, quyền lợi ít hơn trước đó hoặc ngược lại nên người dân thắc mắc. Theo Bộ trưởng, trường hợp này, các bước giải quyết khiếu nại tố cáo nên xác định giới hạn sau cùng, nếu không được thì phải khởi kiện và giải quyết tại toà án chứ không thể đẩy lên các cấp chính quyền cao hơn.

"Thu hồi đất giá rẻ mà giao cho doanh nghiệp rồi giá đẩy lên rất cao thì cần có chính sách để ngăn chặn việc thay đổi giá trị gia tăng qua việc thu hồi đất mà người dân không được hưởng", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương chất vấn: “Bộ trưởng đánh giá thế nào về việc quản lý sử dụng đất đai ở đô thị hiện nay để gây nên tình trạng lãng phí đất đai ghê gớm”.

Đại biểu Sỹ Cương cũng nêu Hà Nội vừa phát hiện gần 500 điểm trông giữ xe trái phép mà không biết khoản tiền này chảy đi đâu. Không những thế, các trường học trong nội thành hầu hết cũng biến thành bãi trông giữ xe.

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng cho rằng, vai trò quản lý đất đô thị thuộc UBND các tỉnh, thành phố, cấp quận/huyện, phường/xã. Việc này phải căn cứ theo quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết của đô thị.

"Hà Nội chỉ có 7,5% quỹ đất cho giao thông tĩnh và giao thông động. Vì thế nhu cầu bãi đỗ xe tại đô thị rất lớn. Có nhiều quỹ đất thực tế có thể sử dụng vào mục đích làm bãi đỗ xe được nhưng vì quản lý yếu kém nên đã để cho đất được sử dụng với mục đích khác", ông Trần Hồng Hà cho biết.

Bộ trưởng cũng cho rằng, việc trường học bị biến thành bãi đỗ xe đêm ngày là không hợp lý, không đảm bảo an toàn cho các hoạt động đặc thù ở đây.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phan Anh Khoa (Phú Yên) về tình trạng thu hồi đất kéo dài, “treo” vô hạn, ảnh hưởng đời sống người dân, Bộ trưởng TN&MT phân tích, các quy chế như trung tâm phát triển quỹ đất đã thúc đẩy quá trình giải quyết việc đền bù, giải phóng mặt bằng.

Theo Bộ trưởng, vấn đề lớn nhất ở đây là phương pháp xác định giá đất khiến thực tế giá đất đền bù thường thấp hơn rất nhiều giá đất thị trường. Việc xác định quỹ đất cũng chưa làm được đầy đủ, nhiều khu giải phóng mặt bằng chưa được làm hạ tầng đảm bảo đã bán đất. Dẫn đến việc sau giải phóng mặt bằng, với mức tiền được đền bù người dân không mua nổi đất ở khu tái định cư.

Bộ trưởng xác định các giải pháp là định giá sát thị trường, đưa hoạt động trung tâm phát triển quỹ đất hiệu quả hơn để chuẩn bị đất sạch ở nơi tái định cư, giúp đảm bảo cuộc sống người dân tái định cư./.

 

 

Theo VOV

.