Tăng thuế đối với thuốc lá lên kịch khung: Lợi cả đôi đường

Thứ Tư, 16/05/2018, 07:10 [GMT+7]

 Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng thuốc lá là cần thiết để giảm sức tiêu thụ mặt hàng này, đồng thời, tăng thu cho ngân sách nhà nước.
 
Tại Dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi, Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh phương án tính thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá theo 2 phương án.

Phương án 1: áp dụng thu thuế TTĐB theo phương pháp hỗn hợp (kết hợp thu theo thuế suất tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối). Theo đó, bổ sung mức thu thuế tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu và 10.000 đồng/một điếu xì gà. Quy định này áp dụng từ ngày 1/1/2020.
 

1
Tăng thuế đối với thuốc lá lên kịch khung: Lợi cả đôi đường (Ảnh minh họa: KT)


Phương án 2: tăng thuế suất theo lộ trình: từ ngày 1/1/2020 tăng từ mức thuế suất 75% lên 80%; từ ngày 1/1/2021 tăng từ mức thuế suất 80% lên mức 85%.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, mức tăng này vẫn còn thấp và đề nghị mức thuế tuyệt đối cần tăng thêm 2.000 đến 5.000 đồng/bao.

Giá thuốc lá tại Việt Nam thấp nên nhiều người hút

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm thuốc lá gây ra 6 triệu ca tử vong trên thế giới. Trong đó, 600.000 ca là do hút thuốc lá thụ động, 64% số này là phụ nữ. Tổn thất do sử dụng thuốc lá của Việt Nam trung bình hàng năm lên tới hơn 1,1 tỷ USD (24.679 tỷ đồng), trong đó, bao gồm các chi phí y tế cho một loạt các bệnh như: ung thư phổi, ung thư đường hô hấp, tiêu hóa, đột quỵ…

Thống kê của WHO và Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy, tăng thuế thuốc lá có tác động đến hành vi tiêu thụ thuốc lá. Cụ thể, khi tăng thuế để giá tăng 10% thì sẽ giảm tiêu dùng khoảng 4% ở các nước phát triển và 5% ở các nước đang phát triển. Đặc biệt, sẽ giảm tiêu thụ thuốc lá tới 10% ở trẻ em và người nghèo. Giá thuốc lá cao cũng có tác dụng ngăn ngừa trẻ bắt đầu hút thuốc. Đặc biệt, trên phạm vi toàn cầu khi tăng thuế thuốc lá lên 10% sẽ làm tăng thu ngân sách cho chính phủ các nước trung bình khoảng 7%.

Dẫn chứng tại một số nước, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia WHO tại Việt Nam chia sẻ, tại Pháp và Mỹ thông qua việc tăng thuế lên 2 lần, hiện giá thuốc lá đã tăng tới 3 lần, nhờ đó, lượng tiêu thụ cũng đã giảm 1/2. Còn tại một số nước Đông Nam Á như Philipines, Thái Lan, việc tăng thuế thuốc lá qua nhiều năm đã góp phần giảm tiêu dùng, tăng thu ngân sách, nhưng cũng không làm gia tăng tình trạng buôn lậu thuốc lá.

“Năm 2017, tỷ lệ thuế của Việt Nam trong giá bán lẻ thuốc lá đang ở mức chỉ 35%, trong khi trung bình thế giới là 58,6%. Tỷ lệ thuế và giá bán thấp là nguyên nhân chính khiến lượng người sử dụng thuốc lá ở Việt Nam lớn”, ông Lâm chỉ rõ.

Đồng tình với quan điểm này, ThS Đào Thế Sơn, Đại học Thương mại cho rằng, lộ trình tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá ở Việt Nam còn chậm. Cụ thể, năm 2008 mức thuế là 65%, năm 2016 là 70% và năm 2019 dự kiến là 75%. Ông Sơn cho rằng, mức tăng giá thuốc lá vẫn chưa theo kịp lạm phát và không theo kịp mức tăng thu nhập của người dân.

“Khoảng cách giữa những lần tăng thuế là quá giãn, trong khi mức điều chỉnh thấp, chỉ 5% mỗi đợt. Mặt khác, thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá lại tính trên giá xuất xưởng, nên mỗi lần tăng thuế, giá một bao thuốc lá chỉ tăng khoảng 2,6-2,7%. Mức tăng này thấp hơn nhiều so với mức tăng thu nhập bình quân đầu người của người dân”, ThS Đào Thế Sơn phân tích.

Đề xuất tăng thuế thuốc lá 2.000 – 5.000 đồng/bao

Theo ông Đào Thế Sơn, tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá là cần thiết nhằm giảm chênh lệch giá giữa các dòng sản phẩm thuốc lá; đồng thời, giúp cơ quan nhà nước dễ quản lý và dự đoán về mức thu ngân sách từ thuế. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, mức đề xuất thuế tuyệt đối 1.000 đồng/bao là thấp do mới chỉ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc đi 1,5% (trong khi mức cần giảm là 6,5%).
 
“Để việc tăng thuế giúp đạt được mục tiêu của chiến lược quốc gia thì thuế thuốc lá cần tăng đủ cao để có thể tác động làm giảm 3% (tuyệt đối) tỷ lệ hút thuốc vào năm 2020. Do vậy, trong phương án 1 của Bộ Tài chính, cần quy định, từ 1/1/2020, bên cạnh biểu thuế theo tỷ lệ hiện hành, bổ sung thuế tuyệt đối với thuốc lá ở mức 2.000 đồng/bao. Trong phương án 2, chúng tôi khuyến cáo mức thuế tối ưu Việt Nam nên áp dụng là tăng thuế TTĐB ở mức 5.000 đồng/bao. Cụ thể, từ 1/1/2020, bên cạnh biểu thuế theo tỷ lệ hiện hành, bổ sung thuế tuyệt đối với thuốc lá ở mức 5.000 đồng/bao”, ông Sơn đề xuất.

Theo tính toán của ông Sơn, với phương án 1 của Bộ Tài chính, mỗi năm Việt Nam sẽ giảm được 180.000 người hút thuốc, tránh được 90.000 ca tử vong và tăng thu khoảng 3.900 tỷ đồng/năm. Trong khi với phương án 2 và bổ sung thuế tuyệt đối 5.000 đồng/bao từ 1/1/2020, thì sẽ giảm được 1,8 triệu người hút thuốc, tránh được 900.000 ca tử vong và tăng thu cho NSNN tới 10.700 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, vấn đề gây lo ngại hiện nay là liệu tăng thuế TTĐB có khiến gia tăng tình trạng buôn lậu thuốc lá không? Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm cho rằng: “Buôn lậu thuốc lá ít liên quan tới tăng thuế TTĐB ở Việt Nam. Thậm chí, dù có buôn lậu thì việc tăng thuế TTĐB với thuốc lá vẫn giúp Chính phủ đạt được các lợi ích lâu dài khác”.

Do đó, đại diện WHO tại Việt Nam đưa ra đề nghị, cần tăng thuế thuốc lá thường xuyên trong những năm tới với mức tăng cao hơn lạm phát và tăng trưởng GDP.

“Việc tăng thuế thuốc lá nhằm đạt mục tiêu quốc gia về tỷ lệ hút thuốc và giảm thâm hụt ngân sách quốc gia. Việt Nam nên cân nhắc mô hình thuế hỗn hợp: theo tỷ lệ + tuyệt đối, cùng với đó, sớm phê chuẩn nghị định thư nhằm loại trừ buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá”, ông Lâm nêu ý kiến./.

 

 

Theo VOV

.