Lo cơ chế 'xin-cho' khi Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia quá nhiều quyền

Thứ Sáu, 25/05/2018, 09:45 [GMT+7]

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn lo hình thành cơ chế "xin-cho" khi trao quá nhiều quyền cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
 
Thảo luận tại Hội trường chiều ngày (24/5) về dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi), đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Bá Sơn (đoàn Đà Nẵng) bày tỏ lo ngại về bộ máy cồng kềnh của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng như nguy cơ tham nhũng chính sách khi trao quá nhiều quyền cho cơ quan này.
 

1
ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Ảnh: Quochoi.vn)


Theo ông Nguyễn Bá Sơn, cần xem xét lại quy đinh về bộ máy của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia vì như dự thảo, bộ máy này khá "đồ sộ, công kềnh", có nguy cơ làm phình to bộ máy của Bộ Công Thương.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn góp ý: Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) giao quá nhiều quyền cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Điều này dễ tạo ra cơ chế "xin-cho" và có nguy cơ xảy ra tham nhũng về chính sách.

Ông Sơn đề xuất, nên giao quyền điều tra hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh cho lực lượng công an và việc xử lý hành vi vi phạm cho toà án thay vì trao toàn bộ quyền điều tra, xử lý cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

ĐBQH Nguyễn Bá Sơn cũng đề nghị làm rõ các tiêu chí về ngưỡng thông báo tập trung kinh tế cũng như bổ sung quyền khởi kiện dân sự cho các tổ chức, doanh nghiệp bị thiệt hại vì hành vi cạnh tranh không lành mạnh để họ có thể đòi bồi thường thiệt hại.

Theo kế hoạch, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận, góp ý xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) và sẽ biểu quyết thông qua vào ngày 12/6 tới.

Theo dự luật cạnh tranh sửa đổi, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, có nhiệm vụ, quyền hạn sau:
Thu thập, tiếp nhận thông tin nhằm phát hiện dấu hiệu vi phạm quy định của Luật này;
Tổ chức điều tra các vụ việc cạnh tranh;
Kiến nghị áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh.../.

 

 

Theo Trần Ngọc/VOV.VN

.