Hàng Việt tiếp cận nhà bán lẻ ngoại: Cần đầu mối trung gian

Thứ Hai, 14/05/2018, 06:50 [GMT+7]

 Nếu để doanh nghiệp tự mang hàng hóa sản phẩm đi giới thiệu và tìm kiếm đối tác phân phối sẽ vô cùng vất vả, tỷ lệ thành công lại không cao.
 
Theo thống kê, hiện nay tại Việt Nam đang có hơn 170 cơ sở bán lẻ thuộc các loại hình có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong đó có khoảng 110 cơ sở bán lẻ FDI có quy mô 500 m2 trở lên thuộc loại hình siêu thị, trung tâm thương mại của rất nhiều thương hiệu nổi tiếng như BigC, Lotte Mart, Aeon, Emart…

Không chỉ ưu tiên phân phối các sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt trong hệ thống của mình tại thị trường nội địa, các nhà bán lẻ “ngoại” còn tham gia xuất khẩu hàng hóa Việt Nam thông qua hệ thống phân phối của họ tại các thị trường nước ngoài. Theo các chuyên gia, đây không chỉ là kênh tiêu thụ quan trọng giúp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài, mà còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương hiệu Việt trên thị trường thế giới.
 

1
Sản phẩm hàng hóa tiếp cận các hệ thống phân phối nước ngoài là một cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. (Ảnh minh họa: Báo NLĐO)


Phía các doanh nghiệp cũng nhận định rằng, việc tiếp cận các hệ thống phân phối nước ngoài có trình độ tổ chức tiên tiến, hiện đại đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ. Tuy nhiên, với nguồn lực hạn chế nên các doanh nghiệp vẫn gặp những khó khăn nhất định.

Bà Nguyễn Hải Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Kim Dương Việt cho rằng, tiếp cận các hệ thống phân phối nước ngoài là một cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là những doanh nghiệp đã từng đặt nền tảng vững chắc.

“Kim Dương Việt là 1 doanh nghiệp sản xuất, khi mang sản phẩm ra giới thiệu với các đối tác phân phối vẫn phải nhờ qua các trung tâm xúc tiến thương mại như Trung tâm Xúc tiến thương mại Hà Nội đứng ra làm trung gian, làm đầu mối giới thiệu những đối tác mới. Đây là phần không thể thiếu được của các doanh nghiệp. Nếu cứ để doanh nghiệp tự mang hàng hóa sản phẩm đi giới thiệu và tìm kiếm đối tác sẽ vô cùng vất vả, tỷ lệ thành công lại không cao”, bà Hải Anh cho biết.

Chia sẻ quá trình hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài, ông Shiotani Yuichiro, Tổng Giám đốc Aeon cho biết, Aeon trong năm 2017 đã xuất khẩu khoảng 200 triệu USD các mặt hàng của Việt Nam. Aeon mong muốn trong năm 2018 sẽ tăng kim ngạch này lên cao hơn nên rất mong được sự hợp tác từ phía doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam.

“Đây là cơ hội lớn để tăng xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản, hai bên cần tăng cường hợp tác để cùng phát triển. Bản thân Aeon cam kết cùng Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh các hoạt động nâng cao việc hỗ trợ doanh nghiệp, qua đó tăng thị phần xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam sang nước ngoài”, ông Ghiotani Yuichiro khẳng định.

Hỗ trợ nâng cao kiến thức cho doanh nghiệp

Không chỉ các cơ quan quản lý nhà nước, nhiều tập đoàn truyền thông cũng mong muốn giúp doanh nghiệp ổn định thị trường trong nước, kết nối giữa doanh nghiệp và các nhà phân phối tạo nền tảng để xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài.

Bà Lê Thị Mai Linh, Phó Chủ tịch điều hành quan hệ đối ngoại và truyền thông Tập đoàn Central Group bày tỏ, từ tháng 10/2016, Central Group đã phát động chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tiếp cận hệ thống tiêu thụ nước ngoài.

“Khi doanh nghiệp Việt Nam tham gia chương trình này sẽ được hỗ trợ về các thông tin thị trường, sản phẩm cũng như có những nhận biết để thích ứng với chiến lược sản phẩm, xây dựng thương hiệu tại thị trường trong nước. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội xuất khẩu”, bà Linh cho biết.

Trong kế hoạch năm 2018, Bộ Công Thương dự kiến triển khai trong khuôn khổ Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020” gồm 3 loại hình hoạt động, đó là các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và các tập đoàn phân phối nước ngoài thông qua các hội thảo, các đoàn xúc tiến thương mại hay các hoạt động xúc tiến thương mại khác; Tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực tiếp cận các hãng phân phối ở nước ngoài cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam; Tiếp tục hoàn thiện và cập nhật cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và các hàng phân phối nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Đỗ Thắng Hải khẳng định, từ nhiều năm nay, xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối hiện đại được coi là hình thức xuất khẩu hiệu quả, bền vững được nhiều doanh nghiệp theo đuổi. Tuy nhiên, để các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam thâm nhập được vào hệ thống phân phối của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, từ đó phục vụ người tiêu dùng trong nước cũng như có thể xuất khẩu ra nước ngoài, trước hết phải đảm bảo về chất lượng, mẫu mã cũng như thị hiếu.

Chính vì vậy, theo ông Hải, một trong những nội dung hết sức quan trọng của Đề án, đó là tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, hội thảo để các chuyên gia của các tập đoàn phân phối có thể hướng dẫn cho các doanh nghiệp Việt Nam những kiến thức về thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng. Đồng thời phải đáp ứng được các yêu cầu của các thị trường doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang muốn nhắm tới./.

 

 

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV

.