Điện Biên duy trì và phát triển làng nghề truyền thống

Thứ Bảy, 12/05/2018, 10:42 [GMT+7]

Điện Biên TV - Duy trì và phát triển làng nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số là mục tiêu nhiệm vụ Đảng bộ tỉnh Điện Biên đã đề ra, nhằm từng bước góp phần phát triển kinh tế du lịch trên địa bàn tỉnh

Bám sát đặc điểm của một tỉnh miền núi đa dân tộc với những sắc thái văn hóa độc đáo, phong phú, trong những năm qua, tỉnh Điện Biên đã đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát triển các làng nghề thủ công truyền thống, qua đó thiết thực góp phần nâng cao đời sống của người dân

1
Các sản phẩm thêu và dệt thổ cẩm là những sản phẩm thủ công điển hình của vùng Tây Bắc

 

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 7 làng nghề và hơn 1500 cơ sở sản xuất kinh doanh ngành nghề nông thôn thuộc các lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến nguyên liệu phục vụ ngành nghề nông thôn, gây trồng kinh doanh sinh vật cảnh…

Theo định hướng trong Quy hoạch Phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Điện Biên đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tỉnh Điện Biên sẽ phát triển thêm nghề làm giấy dó tại làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm bản Na Sang 2; phát triển vùng nguyên liệu và nghề làm miến dong tại làng nghề xã Nà Tấu (huyện Điện Biên).

Huyện Tủa Chùa xây dựng làng nghề truyền thống thêu dệt thổ cẩm ở thôn Tà Là Cáo; xây dựng và phát triển làng nghề trồng, chăm sóc, chế biến chè cổ thụ kết hợp với du lịch ở xã Sín Chải và Tả Sìn Thàng. Huyện Mường Chà quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu song, mây, tre để cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề mây tre đan tại các xã Pa Ham, Mường Mươn, Hừa Ngài…

Thị xã Mường Lay xây dựng lại các làng nghề mây, tre đan tại phường Sông Đà; cơ sở sản xuất và chế biến nấm; làng nghề sản xuất bánh Khẩu Xén. Thành phố Điện Biên Phủ khôi phục làng nghề dệt thổ cẩm tại bản Him Lam 2…

Đây là nhóm những sản phẩm phục vụ nhu cầu trang trí làm đẹp, làm quà tặng, là sản phẩm du lịch hấp dẫn mang đặc trưng vùng miền, phù hợp với sở thích của khách du lịch trong và ngoài nước. Thực tế cho thấy, đa số các sản phẩm truyền thống trên địa bàn tỉnh tiêu thụ khá chạy do gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc địa phương và phù hợp với thị hiếu của du khách

Phát triển các làng nghề thủ công truyền thống, vừa gìn giữ, phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc đồng thời góp phần tích cực tạo động lực thúc đẩy xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế trên địa bàn./.

 

 

Hương Trà/Dienbientv.vn

.