Chi thường xuyên cứ phình to, chi đầu tư phát triển ngày càng teo tóp

Thứ Ba, 22/05/2018, 15:15 [GMT+7]

 Theo ĐBQH Trần Văn Tiến, định hướng là giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển, nhưng hiện nay đang là nghịch lý, đi theo chiều ngược lại.
 
Cơ cấu thu chưa bền vững

Trong phiên thảo luận tại Tổ 3 sáng 22/5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, thu nội tại của nền kinh tế chưa bền vững, phụ thuộc lớn vào đất đai, tài nguyên, cổ tức... Số thu từ các doanh nghiệp, từ nước ngoài thấp hơn so với dự toán.
 

1
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên thảo luận tại Tổ 3 sáng nay (22/5) - gồm đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam, Vĩnh Phúc, Quảng Bình và Cần Thơ.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nêu thực trạng: Giải ngân vốn xây dựng cơ bản năm nay tiếp tục chậm, năm 2017 còn chậm hơn cả 2016. Phân bổ vốn, giao vốn còn bất cập. Công trình sử dụng vốn ODA đã được phê duyệt, địa phương đã bố trí vốn đối ứng nhưng chưa được bố trí trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn. Điều này dẫn đến vừa phải trả phí cam kết vay nợ vừa chậm tiến độ dự án, đội vốn...
 
Đồng quan điểm này, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Văn Quyền (đoàn Cần Thơ) cho biết, giải ngân vốn ngân sách để đầu tư quá chậm, thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng.

Nhiều nơi có chủ trương đầu tư nhưng rất lúng túng trong giải ngân, kể các các dự án trọng điểm quốc gia, như dự án sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc Nam...

Ông Quyền kiến nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, tránh tình trạng cứ xin ngân sách rồi "đóng băng" để đấy.

ĐBQH Trần Văn Tiến, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, bội chi ngân sách tăng trong khi cơ cấu thu chưa bền vững, chủ yếu thu từ nguồn tài nguyên và đất đai.
 
"Thu nội địa chiếm 80% ngân sách, chưa đạt yêu cầu đề ra là 84-85%. Chi đầu tư cho phát triển trên 23%, thấp hơn mục tiêu 25-26% tỷ lệ chi trong gia đoạn 2016-2020. Tỷ lệ chi thường xuyên tiếp tục tăng, chiếm 63,5% tổng chi. Định hướng là giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển, nhưng hiện nay đang là nghịch lý, đi theo chiều hướng ngược lại", ông Tiến nêu rõ.

ĐBQH Trần Văn Tiến đề xuất cơ cấu lại, kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước, tinh giản biên chế, đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Chi thường xuyên tăng cao do chưa tinh giản bộ máy

Đề cập vấn đề tinh giản biên chế, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình khẳng định, bộ máy cồng kềnh đã có từ lâu. Hơn 15 năm nay thực hiện nhưng chưa dứt điểm, chưa mạnh mẽ, chưa táo bạo.
 
Theo ông Phương, từ chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ, hiện nay các giải pháp giảm chi thường xuyên đã mạnh mẽ hơn, có tính đột phá, đặc biệt qua dự luật xây dựng khu hành chính kinh tế đặc biệt. Đây là điểm mới ở Việt Nam, dù thế giới đã thực hiện từ lâu.

"Việc xây dựng khu hành chính kinh tế đặc biệt là điểm sáng, hy vọng sẽ tạo bước đột phá trong chiến lược phát triển nền kinh tế. Nếu phát huy hiệu quả sẽ dẫn đường phát triển cho Việt Nam trong thời gian tới", ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương chia sẻ.
 
ĐBQH Trần Xuân Hùng (đoàn Hà Nam) cho rằng, chi thường xuyên tăng cao là do chưa tinh giản bộ máy, chưa làm đến nơi đến chốn trong cải cách hành chính. Vì vậy, bộ máy cứ gọn vào rồi lại phình ra.

Để tăng nguồn thu cho ngân sách, ông Hùng kiến nghị, một trong những giải pháp hiệu quả là phải thu hồi tài sản tham nhũng, mặc dù việc này là rất khó, nhất là án dân sự trong hình sự.

"Trên thực tế đã xảy ra các vụ án lớn gây thất thoát tài sản rất lớn nhưng không thể thu hồi được. Đã thành lập ban chỉ đạo thi hành án nhưng hiện vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn", ông Hùng thông tin./.

 

 

Theo Trần Ngọc/VOV.VN

.