Triển vọng các mô hình ngô lai ở Điện Biên Đông

Thứ Bảy, 17/02/2018, 08:21 [GMT+7]

Điện Biên TV - Vài năm trở lại đây, việc đưa các mô hình ngô lai, như: CP888, LVN 855 vào sản xuất tại một số xã ở Điện Biên Đông bước đầu đã cho thấy hiệu quả kinh tế. Các hộ tham gia thực sự đã thay đổi nhận thức trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Xác định đặc thù của huyện vùng cao, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào điều kiện khí hậu thời tiết, đầu tư thâm canh còn hạn chế, chăn nuôi gia súc gia cầm còn ở mức thấp, ngành nghề phụ chưa phát triển... chính vì thế, một trong các giải pháp mà cấp ủy chính quyền huyện Điện Biên Đông đề ra là phải chuyển đổi sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng về đất đai, khí hậu, thời tiết, nhân lực lao động.

1
Người dân xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông thu hoạch ngô lai CP855

 

Nếu như những năm trước đây, người dân chủ yếu sử dụng các giống ngô địa phương vào trồng, hiệu quả năng suất thấp (bình quân 21,3 tạ/ha), thì từ năm 2016 đến nay, sau khi khảo sát nguyện vọng của người dân, sự đồng thuận của chính quyền địa phương, Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thông) triển khai các mô hình, mô hình trình diễn mở rộng kỹ thuật trồng Ngô lai tại một số xã, như: Mường Luân, Chiềng Sơ, Luân Giói, Phì Nhừ. Theo đó, các hộ tham gia mô hình được tập huấn chuyển giao kỹ thuật mới, được hỗ trợ đồng bộ về giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Ngoài các hộ tham gia mô hình, nhiều người dân cũng được tham gia tập huấn các kỹ thuật trồng ngô lai. Trong thời gian này, cán bộ khuyến nông thường xuyên bám sát cơ sở hướng dẫn nông dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật làm đất, kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, bón phân, kỹ thuật thu hoạch và bảo quản giống ngô. Theo dõi phát hiện, dự báo sâu bệnh kịp thời để phòng trừ có hiệu quả theo từng giai đoạn phát triển của cây ngô. Trong năm 2016, mô hình trồng ngô lai CP888 tại xã Mường Luân đã đạt kết quả khả quan. Riêng từ năm 2017 đến nay, với tổng diện tích gần 6ha, mô hình trồng ngô lai LVN 855 tại 3 xã: Luân Giói. Chiềng Sơ, Phì Nhừ đạt năng suất cao (45 tạ/ha).

Là một trong những hộ được tham gia mô hình mở rộng ngô lai CP888, anh Chá A Cứ, bản Từ Xa B, xã Phì Nhừ rất hài lòng và phấn khởi với mô hình. Anh Cứ chia sẻ: “Sau khi tham gia mô hình, gia đình đã thu hoạch giống ngô lai và cho năng suất rất cao. Với 2.000m2 gia đình đã thu hoạch được gần 1 tấn ngô. Cao hơn nhiều so với những năm trước khi trồng các giống ngô địa phương”. Dù chưa đưa giống ngô lai vào trồng thử nghiệm, song sau khi được cán bộ khuyến nông – khuyến ngư huyện tập huấn kỹ thuật trồng, cùng với kết quả của mô hình, anh Lầu A Sùng khẳng định thời gian tới sẽ đưa giống ngô lai này vào trồng để thay các giống ngô địa phương kém năng suất.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Điện Biên Đông, cho biết: Thời gian qua, các mô hình ngô lai triển khai tại một số xã trên địa bàn cho thấy cây ngô sinh trưởng phát triển tốt, các chỉ tiêu kỹ thuật của mô hình đều đạt và vượt các mục tiêu đề ra. Nông dân tham quan mô hình phấn khởi nhiệt tình. Thông qua mô hình bà con nông dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào trồng giống ngô lai. Qua đó, giúp nông dân có định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp, ổn định lâu dài trong những năm tiếp theo.

 

 

CTV - Văn Quyết

.