Nuôi cá hướng thoát nghèo ở xã Noong Luống

Thứ Hai, 12/02/2018, 07:48 [GMT+7]

Điện Biên TV- Là một trong những địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất huyện Điện Biên, hiện nay xã Noong Luống có 73 ha diện tích nuôi trồng các loại thủy sản. Nhờ biết tận dụng tiềm năng, khai thác lợi thế sẵn có, giờ đây nhiều nông dân ở xã Noong Luống đã vươn lên thoát nghèo với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nghề nuôi cá.

Tiếp chúng tôi, ông Trần Thế Hoàn phó chủ tịch UBND xã Noong Luống cho biết: Do đặc thù ở xã Noong Luống chủ yếu là làm kinh tế, nguồn thu nhập chính từ ao hồ nên chúng tôi luôn xác định, nuôi trồng thủy sản là nghề mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương, không chỉ giúp bà con tận dụng thời gian rảnh tại địa phương mà còn tạo thêm việc làm tại chỗ cho người dân.

1
Noong Luống là địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản nhiều nhất huyện Điện Biên với 73 ha.

 

Để khuyến khích người dân nuôi trồng thủy sản và giúp các hộ nâng cao thu nhập từ nghề, thời gian qua cấp ủy, chính quyền địa phương xã đã chủ động phối với Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện, trung tâm Phát triển thủy sản tỉnh tổ chức mô hình trình diễn, tập huấn kiến thức kỹ thuật nuôi thủy sản cho bà con.

Đồng thời mở hội “nghề cá” cho những hộ nuôi cá trên địa bàn tham gia để có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức, học hỏi lẫn nhau trong việc nuôi trồng thủy sản và nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi. Đứng đầu tổ chức này do Hội Nông dân huyện Điện Biên phát động, hàng năm Hội đã có những buổi hội thảo để tạo điều kiện giúp đỡ lẫn nhau vay vốn.

Hiện tại toàn xã Noong Luống có hơn 450/1.382 hộ nuôi trồng thủy sản, những hộ nuôi trồng nhiều nhất tại đội 7, 8 và 9, những hộ này đều có đời sống gia đình kinh tế khá giả, ổn định, có điều kiện chăm lo cho con em học hành. Các hộ đã mạnh dạn đầu tư vốn, thuê máy móc, nhân công đào ao, mở rộng diện tích, nắm bắt nhu cầu tiêu thụ trên thị trường, từ năm 2010 bà con nông dân trên địa bàn xã đã chuyển sang chuyên nuôi cá rô phi đơn tính, đây là giống chủ lực và thả xen một số loài cá khác có giá trị kinh tế cao như: cá chép; trắm; chim trắng...

Có diện tích nuôi thả cá lớn nhất xã đơn cử là gia đình ông Đinh Văn Hoàn với diện tích gần 1ha. Trước đây kinh tế gia đình còn gặp nhiều khó khăn nên ông Hoàn chỉ nuôi ít cá trong ao nhỏ phục vụ nhu cầu gia đình, nhưng từ năm 2005, khi có nhu cầu tiêu dùng lớn, ông đã mua thêm đất ruộng gần nhà thuê máy xúc đào ao, be bờ mở rộng diện tích nuôi cá.

Trung bình một năm gia đình ông xuất bán 3 lứa cá, mỗi lứa từ 4-5 tấn cá trở lên, trừ mọi khoản chi phí thu về hơn trăm triệu đồng. Ông Đinh Văn Hoàn- đội 12 xã Noong Luống- huyện Điện Biên chia sẻ: Gia đình tôi nuôi trồng thủy sản từ năm 2005 đến nay, ban đầu do chưa có vốn, lại không có kinh nghiệm nên đầu tư không đạt hiệu quả cao. Sau vài năm nuôi trồng thủy sản có thêm kinh nghiệm, từ đó nguồn thu nhập dồi rào, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước về nguồn vốn, kết hợp sự mày mò học hỏi thêm, nên kinh tế gia đình tôi ngày một ổn định.

Giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập từ nghề nuôi cá, chính quyền xã Noong Luống đã khuyến khích bà con tập trung nuôi những loài cá có giá trị kinh tế cao trên thị trường, cùng với đó chuyển đổi từ quy mô nhỏ lẻ sang nuôi trồng theo hướng thâm canh hàng hóa. Nhờ biết đầu tư đúng hướng, đến nay, đời sống của người dân xã Noong Luống đã có nhiều thay đổi từ nghề nuôi trồng thủy sản./.
                                                                                             

 

 

Thúy Hằng

.