Cách gửi tiền ở ngân hàng được an toàn

Thứ Tư, 28/02/2018, 07:46 [GMT+7]

Từ những vụ bị mất tiền tại ngân hàng gần đây, vấn đề nhiều người quan tâm là làm sao để tiền gửi ở ngân hàng được an toàn, nếu bị mất thì báo cho ai?
 
Chọn ngân hàng uy tín

Tại buổi giao lưu trực tuyến “Làm sao gửi tiền ở ngân hàng được an toàn” do  Cafef tổ chức chiều nay, (27/2) tại Hà Nội, nói về vai trò của tiền gửi đối với nền kinh tế, TS. Cấn Văn Lực-Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, trong năm 2017, tổng tài sản hệ thống tín dụng bao gồm ngân hàng và phi ngân hàng là 9 triệu tỷ. Trong đó, tiền gửi bao gồm người dân và doanh nghiệp và định chế tài chính khác ở mức khoảng 7 triệu tỷ. Với số tiền như vậy ngân hàng mới có thể cho vay và dư nợ cuối năm 2017 là 6,5 triệu tỷ. Ước tính, trong số 7 triệu tỷ huy động vốn dân cử khoảng 60%, tổ chức 40%. Tiền gửi của người dân chiếm 60% của 7 triệu tỷ (khoảng 4,2 triệu tỉ).
 

1
Khách hàng nên chọn ngân hàng uy tín để gửi tiền (Ảnh: KT)


Với nhu cầu gửi tiền của người dân rất lớn, hàng trăm ngân hàng đã “mọc” lên. Tuy nhiên, trước một “ma trận” ngân hàng như vậy, nhiều người băn khoăn, người có tiền nên chọn những ngân hàng như thế nào để gửi tiết kiệm?

TS. Đặng Anh Tuấn – Viện phó Viện Ngân hàng Tài chính – ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, khách hàng nên chọn ngân hàng để khi cần là có thể rút tiền ra nhanh chóng và an toàn cả gốc và lãi; chọn ngân hàng mà mình cảm thấy yên tâm khi gửi tiền vào đó, chọn ngân hàng có uy tín, có lịch sử quản lý ngân hàng an toàn, không có các vụ tranh chấp, sai phạm về quản lý tiền gửi.

Một trong những vấn đề khiến nhiều người quan tâm gần đây đó là, gửi tiết kiệm tại ngân hàng mà bị rút mất tiền, khách hàng có thể khởi kiện bằng cách nào và thời gian giải quyết là bao lâu? Trả lời vấn đề này, Luật sư Chu Mạnh Cường- Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, trưởng Văn phòng Luật sư Danh Chính cho biết, trong trường hợp khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng sau đó phát hiện ra số tiền trong tài khoản tiết kiệm của mình đã bị mất, mà xác định không phải do họ rút tiền thì việc đầu tiên, người gửi tiết kiệm nên thông báo và đến làm việc trực tiếp với ngân hàng để xác định chính xác nguyên nhân số tiền không còn trong tài khoản trong khi sổ tiết kiệm vẫn còn.

Trong trường hợp, sau quá trình xác minh, ngân hàng xác định việc mất tiền trong tài khoản là hoàn toàn do lỗi từ phía ngân hàng, các ngân hàng có uy tín nên chủ động bồi thường cho khách hàng.

Thực tế, các ngân hàng có xu hướng đổ lỗi cho khách hàng hoặc nhân viên. Khi ngân hàng và khách hàng không thỏa thuận được thì dựa vào các chi tiết phát sinh có thể xử lý như sau: Theo quy định tại quy chế về tiền gửi tiết kiệm quy định về trách nhiệm của tổ chức nhận tiền tiết kiệm; Quy định tổ chức nhận tiền gửi phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại, vi phạm, lợi dụng đối với tiền gửi tiết kiệm do lỗi của tổ chức nhận tiền tiết kiệm. Trong trường hợp này, ngân hàng sẽ trực tiếp thực hiện việc chi trả, bồi thường thiệt hại cho người gửi tiền.

Ngăn chặn lợi dụng kẽ hở rút tiền

Trong thời đại công nghệ bùng nổ, nhiều người thắc mắc, ngân hàng có thể thay đổi về công nghệ để ngăn chặn việc cán bộ ngân hàng lợi dụng kẽ hở để rút tiền. Vậy điều này có thể làm được không và nên áp dụng công nghệ kiểm soát ra sao?

Ông Lê Nguyên Khang-Trưởng phòng An toàn Thông tin VCCorp cho biết, ở Việt Nam  dùng core banking đời cũ để bảo mật, tài khoản giao dịch viên chiếm quyền giao dịch tiền gửi. Do đó nên dùng core banking đời mới để hạn chế kẽ hở rút tiền. Hiện nay ở Việt Nam nên dùng chữ ký điện tử, xác định giao dịch, khách hàng VIP.
 

1
Các ngân hàng đều chú trọng khách hàng VIP.


Trong trường hợp nếu cán bộ ngân hàng lừa dối cả khách hàng và ngân hàng thì trách nhiệm của ngân hàng với khách hàng ra sao?

Về vấn đề này, TS. Đặng Anh Tuấn – Viện phó Viện Ngân hàng Tài chính – ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, nếu có kết luận cán bộ cố tình lừa cả ngân hàng và khách hàng thì trước tiên ngân hàng có thể trả luôn tiền cho khách hàng và sau đó kiện cán bộ, nhân viên thực hiện hành vi lừa đảo đó. Về nguyên tắc, quản lý nhân viên ngân hàng là trách nhiệm của ngân hàng chứ không phải của người gửi tiền. Tuy nhiên, người gửi tiền cũng cần có trách nhiệm kiểm tra, giám sát đối với tiền gửi của mình và cùng với ngân hàng để ngăn chặn các rủi ro có thể xảy ra.

Một trong những vấn đề khiến nhiều người quan tâm, đó là các ngân hàng Việt Nam và thế giới đều chú trọng khách hàng VIP. Vậy làm thế nào việc giao dịch của khách VIP vẫn thuận tiện, không mất thời gian của khách mà vẫn an toàn? Tiến sĩ Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, khách hàng VIP là khách hàng quan trọng của các ngân hàng và ngân hàng phải có chính sách đặc biệt. Không chỉ riêng Việt Nam mà Quốc tế cũng có dịch vụ đặc biệt cho khách hàng đặc biệt.

Để an toàn, trước hết phía ngân hàng phải đúng quy định, quy trình. Khi đến nhà riêng khách hàng phải có ít nhất 3 người tham gia giao dịch, bao gồm 1 thủ quỹ, 1 nhân viên giao dịch và 1 người bảo vệ ( công an), hoặc 1 người kiểm soát hoặc trực tiếp phê duyệt.

“Một phần lỗi khách hàng do nhiều người vẫn còn e ngại và chỉ muốn giao dịch với một người duy nhất. Đó chính là kẽ hở của cả ngân hàng và khách hàng. Nhiều khách hàng nói rằng chỉ muốn giao dịch với 1 người nhưng khách hàng cũng cần phải giao dịch với nhiều người hơn để đảm bảo cho chính mình. Cần quan tâm hơn đến việc phối hợp với ngân hàng để theo dõi dòng tiền của mình và việc ủy quyền. Khách hàng cần phải chắc chắn về giấy ủy quyền của mình, không nên bỏ trống, sẽ là mối nguy hiểm cho khách hàng”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho hay./.

 

 

Theo Chung Thủy/VOV.VN

.