Chuyên gia kinh tế: Tính thuế thu nhập cá nhân mới phải nghĩ đến dân

Thứ Hai, 15/01/2018, 07:40 [GMT+7]

Chuyên gia kinh tế cho rằng, thuế ổn định thể hiện sự ổn định của kinh tế vĩ mô, người dân đỡ 'còng lưng' đóng thuế tăng thêm để bù đắp ngân sách.
 
Bộ Tài chính vừa đề xuất 2 cách tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN), trong đó những người có thu nhập tính thuế dưới 10 triệu đồng sẽ giữ nguyên mức thuế hiện hành, còn thu nhập cao hơn mức chịu thuế có thể sẽ thay đổi.
 

1
Người dân mong muốn chính sách thuế ổn định (Ảnh minh họa: KT)


Với cả 2 phương án, số bậc tính thuế sẽ đều giảm từ 7 bậc hiện hành xuống 5 bậc, tuy nhiên bậc tính thuế và mức chịu thuế lại khác nhau.

Tính toán của Bộ Tài chính cho thấy, nếu áp dụng phương án thứ nhất, thu ngân sách nhà nước sẽ bị giảm 3.100 tỷ đồng, trong khi đó ngân sách sẽ có thể tăng thêm 500 tỷ đồng nếu áp dụng phương án thứ hai.

Cả hai phương án đều chưa hợp lý

Chia sẻ trên The Leader, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cả hai cách tính thuế thu nhập cá nhân mới đều bất hợp lý.
TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), phân tích: Bất hợp lý thể hiện cả về mức khởi điểm, khoảng cách giữa các bậc trong biểu thuế luỹ tiến từng phần, thuế suất cũng như mức thu nhập cao nhất dùng để xét thuế thu nhập cá nhân.
Ông Long đề nghị biểu thuế suất lũy tiến nên thay đổi từ 7 bậc thành 6 bậc theo biểu đồ dưới đây:
 

1


Thu ngân sách phải nghĩ đến dân


Đồng tình với  TS. Ngô Trí Long về sự quan trọng của việc ổn định chính sách thuế, chia sẻ trên Zing, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, không riêng gì thuế thu nhập cá nhân, các sắc thuế khác nếu cứ thay đổi liên tục thì rất khó cho các chủ thể của xã hội.
Thuế ổn định cũng thể hiện sự ổn định của kinh tế vĩ mô, thu ngân sách, người dân đỡ còng lưng đóng thuế tăng thêm để bù đắp ngân sách. Tôi nghĩ quan trọng nhất là thu ngân sách phải nghĩ đến dân, nền kinh tế nói chung chứ không chỉ thuận lợi cho cơ quan Nhà nước, bà Lan chia sẻ.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đề xuất tăng một số sắc thuế cũng có thể được nhìn nhận ở giác độ lo sức ép nguồn thu ngân sách không đủ, bội chi cao nên tăng thuế. Tuy nhiên, Bộ lại không tính là trong khi bao năm nay nguồn thu hàng năm vẫn tăng thế mà bội chi ngân sách tăng là do chi tiêu ngân sách quá lớn.
 

1
Ảnh minh họa: KT


"Đó mới là phần cần kiểm soát cho tốt chứ không phải tăng thuế. Nếu chỉ phân phối mà không có đề xuất về việc tiết kiệm chi tiêu, sử dụng minh bạch tiền thu ngân sách từ thuế của người dân thì không giải quyết được. Bộ Tài chính nên minh bạch, có phương án về tiết kiệm chi hơn là chú trọng tận thu của dân hay doanh nghiệp", bà Lan thẳng thắn cho biết.

Bà Lan có quan điểm là tăng thuế này chỉ khổ người nghèo, thu nhập thấp và khu vực sản xuất nhỏ vốn đang gặp nhiều khó khăn.

Thuế thu nhập cá nhân ở các nước thế nào?

Một số nước cũng thu thuế thu nhập cá nhân theo bậc nhưng phân hoá rõ ràng giữa người giàu và người nghèo theo xu hướng người càng giàu càng phải đóng thuế nhiều lên.

Thuế thu nhập cá nhân không chỉ là nghĩa vụ của mỗi công dân với quốc gia mà còn thể hiện định hướng phát triển của giới cầm quyền. Nhiều quốc gia phát triển hiện cũng áp dụng nhiều cách tính thuế thu nhập cá nhân khác nhau.

Singapore, Malaysia có 10 bậc, Indonesia chỉ có 4 bậc. Trong khi đó Mỹ thì tính thuế theo thu nhập thực, tức thu nhập đã trừ đi chi phí tái đầu tư và các chi phí sinh hoạt khác.
Điều này đồng nghĩa, nếu công dân Mỹ dành phần lớn tiền kiếm được để đầu tư bất động sản hay mua xe hơi, đồ gia dụng, khoản thuế trong năm đó họ phải đóng là rất thấp.

Tuy nhiên, phần thu nhập kiếm được từ các khoản đầu tư sẽ được tính thuế vào những năm tiếp theo nếu công dân Mỹ không tiếp tục đem đi đầu tư./.

Sau đây là bảng so sánh các phương án tính thuế TNCN:

Phương án hiện hành:
Bậc Thu nhập tính thuế (triệu đồng/tháng) Thuế suất (%)
1 Đến 5 5
2 Trên 5 đến 10 10
3 Trên 10 đến 18 15
4 Trên 18 đến 32 20
5 Trên 32 đến 52 25
6 Trên 52 đến 80 30
7 Trên 80 35
Phương án điều chỉnh 1:
Bậc Thu nhập tính thuế (triệu đồng/tháng) Thuế suất (%)
1 Đến 10 5
2 Trên 10 đến 30 15
3 Trên 30 đến 50 25
4 Trên 50 đến 80 30
5 Trên 80 35
Phương án điều chỉnh 2:
Bậc Thu nhập tính thuế (triệu đồng/tháng) Thuế suât (%)
1 Đến 5 5
2 Trên 5 đến 10 10
3 Trên 10 đến 40 20
4 Trên 40 đến 80 30
5 Trên 80 35

 



Theo Trần Ngọc/VOV.VN

.