Điện Biên: Dự báo tình hình sinh vật gây hại vụ Đông Xuân 2017-2018

Thứ Sáu, 15/12/2017, 14:49 [GMT+7]

Điện Biên TV - Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn trung ương, vụ Đông xuân 2017-2018 thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, là vụ Đông Xuân lạnh hơn so với vụ Đông Xuân năm trước, mùa đông sẽ đến muộn và kết thúc muộn. Các đợt rét đậm, rét hại tập trung chủ yếu trong tháng 1,2 có thể kéo dài từ 7 đến 10 ngày/đợt.

Tuy nhiên do đầu vụ thời tiết ấm là điều kiện thuận lợi cho một số sinh vật gây hại phát sinh, tích lũy gây hại mạnh như: tập đoàn rầy, bọ xít đen và các loại bệnh hại lá. Trong đó tập đoàn rầy phát sinh sớm gây hại ngay từ đầu vụ, hại nặng trên các giống nhiễm tập trung theo từng lứa như: lứa 2 rộ từ đầu trung tuần tháng 3, mật độ nơi cao 300-500 con/m2; lứa 3 rộ từ trung tuần tháng 4 đến đầu tháng 5, mật độ nơi cao 3.000- 5.000 con/m2 tập chung chủ yếu trên các địa bàn Điện Biên, Điện Biên Đông, Tủa Chùa,… Lứa 4 rộ đến cuối tháng 5, hại chủ yếu trên trà muộn giai đoạn chín sữa và một phần giai đoạn chín sắp thu hoạch, cục bộ trên 10.000 con/m2.

bvtv.jpg
Cán bộ Chi Cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Điện Biên kiểm tra tình hình sâu bệnh hại. Ảnh: KT

 

Bà Đào Thị Khuyên Phó trưởng Phòng Kỹ thuật – Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Điện Biên, cho biết: So với vụ Đông xuân những năm trước, vụ Đông Xuân 2017-2018 này các sinh vật gây hại, chủ yếu là tập đoàn rầy và  bệnh đạo ôn phát sinh sớm trên các giống lúa nhiễm, như: Bắc thơm 7, BC15. Tỷ lệ phổ biến 2-3%, nơi cao 40%, mật độ nơi cao lứa 4 từ 1.500- 3.000 con/m2, cục bộ trên 10.000 con/m2 chủ yếu là rầy lưng trắng.

Đối với bọ xít đen, gây hại mạnh giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ từ trung tuần tháng 2 tập trung tại các địa bàn T.P Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Lay.. mật độ phổ biến 3-5 con/m2, nơi cao 15-20 con/m2.

Về các loại bệnh phổ biến nhất là bệnh đạo ôn, có 2 loại: đạo ôn hại lúa có khả năng lùn lụi khi gặp điều kiện thời tiết âm u, độ ẩm cao, đêm và sáng có sương mù đặc biệt tại vùng tiền dịch và đạo ôn hại bông, hại nặng trên các trà lúa trỗ gặp điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh phát sinh.

Đối với bệnh khô vằn phân bố rộng trên các trà lúa, mức độ gây hại có khả năng cao hơn năm trước, tỷ lệ hại nơi cao 30-50%; bệnh bạc lá- đốm sọc vi khuẩn hại nặng từ giai đoạn đòng già- chín sữa, tỷ lệ hại phổ biến 10%, nơi cao đến 40%, cục bộ trên 70% lá; bệnh lùn sọc đen do vi rút gây ra và tác nhân truyền bệnh là rầy lưng trắng đang gây hại trên lúa chét tại các huyện Mường Ẳng, Mường Chà…

Dự báo vụ Đông Xuân 2017-2018 các sinh vật gây hại và các loại bệnh hại có khả năng phát sinh gây hại trên diện rộng ảnh hưởng đến năng suất cuối vụ, đặc biệt tại những vùng có sẵn nguồn bệnh.

1
Bệnh đạo ôn trên lúa Đông Xuân 2017-2018 có xu hướng phát triển mạnh. Ảnh: KT

 

Để phòng, chống các sinh vật gây hại trên cây trồng, Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Điện Biên đã đưa ra một số giải pháp: tăng cường tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM, thực hành nông nghiệp tốt Gap, canh tác lúa cải tiến SRI, theo đó tại các vùng bị nhiễm nặng cần giảm tỷ lệ giống nhiễm bằng các giống có khả năng chịu tốt hơn; gieo cấy mật độ hợp lý, bón phân cân đối nhất là không bón thừa đạm giai đoạn lúa làm dòng; hạn chế tối đa sử dụng thuốc hóa học và khi sử dụng phải theo nguyên tắc “4 đúng”, ưu tiên thuốc sinh học.

Đồng thời, theo dõi phát hiện sớm, dự báo chính xác, chủ động đề xuất, tham mưu với chính quyền địa phương, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu đầu vụ; cùng với đó nâng cao năng lực và trách nhiệm chính qyền cơ sở trong công tác giám sát, quản lý buôn bán và sử dụng thuốc BVTV, tổ chức thu gom bao gói thuốc BVTV sau khi sử dụng. Kết hợp hướng dẫn trạm BVTV chủ động hơn trong việc phối hợp với các phòng, đơn vị chức năng trên địa bàn tham mưu với chính quyền cấp huyện phê duyệt thực hiện thanh tra, kiểm tra buôn bán, để kịp thời phát hiện ngăn chặn xử lý các hành vi, vi phạm.
                                                                                                  

 

Thúy Hằng

.