Điện Biên

Cơ cấu ngành nông nghiệp từng bước chuyển dịch đúng hướng

Thứ Tư, 13/12/2017, 15:01 [GMT+7]

Điện Biên TV - Sau 3 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn được xác định là chủ trương lớn, có vai trò rất quan trọng, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; Bộ NN và PTNT; sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban ngành, đoàn thể của tỉnh và UBND các huyện thị xã, thành phố trong chỉ đạo sản xuất. Cơ cấu ngành nông nghiệp dần từng bước chuyển dịch đúng hướng, giá trị các sản phẩm chủ lực tăng lên, thu hút thêm được nguồn lực, đặc biệt là thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Gía trị gia tăng khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản trung bình giai đoạn 2015-2017 đạt 3,26%/ năm. Cơ cấu kinh tế nội thành đã từng bước chuyển dịch theo đúng định hướng tái cơ cấu: Giảm tỉ trọng trồng trọt, tăng tỉ trọng chăn nuôi, dịch vụ. Năm 2017, tổng giá trị sản phẩm theo giá hiện hành đạt 3.059,6 tỷ đồng, tăng 473,9 tỷ đồng so với năm 2014. Trong đó giá trị sản xuất trồng trọt năm 2017 là 2.326,6 tỷ đồng, tăng 195 tỷ đồng so với năm 2014.

1
Điện Biên đã từng bước đưa các loại giống lúa có giá trị kinh tế cao vào sản xuất giúp nông dân tăng thu nhập


Việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã dần hình thành và tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với thế mạnh, lợi thế của từng địa phương và nhu cầu thị trường. Tạo nên sự thu hút, hình thành và tạo liên kết sản xuất theo chuỗi giữa doanh nghiệp và người dân với một số mặt hàng chủ lực như lúa gạo, cà phê, chè, dứa...; Nhiều hộ gia đình đã chú trọng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; Góp phần từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, nâng cao chất lượng sản phẩm tạo giá trị hàng hóa, tăng thu nhập trên địa bàn tỉnh và xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên theo thực tế cho thấy, kết quả tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp mới chỉ là bước đầu và chưa tạo được sự chuyển biến rõ rệt. Chất lượng tăng trưởng nông lâm thủy sản còn chưa cao, thiếu bền vững, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều; Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản còn thiếu, chưa đồng bộ; Triển khai mô hình lớn còn chậm và gặp vướng mắc; Thiếu sự gắn kết giữa sản xuất với bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm nên hiệu quả chưa cao; Việc thu hút các nguồn lực xã hội vào thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn hạn chế...

Để bảo đảm kế hoạch, nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, các địa phương, các đơn vị có liên quan cần tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo điều hành. Nhất là quyết liệt hơn trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa các loại cây, con có năng suất và giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm.. Trong đó tập trung vào nhiệm vụ tiến hành rà soát xác định sản phẩm chủ lực, lợi thế của địa phương và đầu tư theo mô hình cánh đồng lớn có liên kết chuỗi gắn với doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ theo từng lĩnh vực cụ thể./.
 

 

Minh Trang

.